Tuân thủ pháp luật là con đường dẫn đến thành công của doanh nghiệp

(PLVN) - Ông Nguyễn Duy Khương - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai khẳng định, việc tuân thủ pháp luật không chỉ giúp doanh nghiệp đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp mà còn là nền tảng để xây dựng văn hóa kinh doanh vững chắc.

Doanh nghiệp cần tuân thủ pháp luật trong mọi hoạt động

Trong bối cảnh kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt, việc tuân thủ pháp luật trở thành yếu tố then chốt quyết định sự tồn tại và phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Đây là yêu cầu đòi hỏi các doanh nghiệp phải hiểu biết và áp dụng các quy định một cách đúng đắn, tránh các hành vi vi phạm dẫn đến rủi ro như bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh. Quan trọng hơn, điều này còn giúp tạo dựng niềm tin với đối tác và khách hàng, đồng thời xây dựng thương hiệu bền vững.

Ông Nguyễn Duy Khương - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư thương mại 939 (939 Group).

Ông Nguyễn Duy Khương – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, kiêm Trưởng Ban Pháp chế (thuộc Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai) chia sẻ: “Việc tuân thủ pháp luật là nền tảng vững chắc để xây dựng văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp. Từ khi doanh nghiệp được hình thành cho đến khi phát triển với sức cạnh tranh ngày càng cao, rủi ro cũng sẽ gia tăng. Vì vậy, doanh nghiệp nào am hiểu và tuân thủ pháp luật, đồng thời xây dựng được văn hóa kinh doanh, sẽ tiến xa; ngược lại, nguy cơ bị đào thải là rất lớn. Tuân thủ pháp luật chính là bước chuẩn bị cho sự phát triển lâu dài.”.

Trong những năm qua, các doanh nghiệp khu vực phía Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng đã quen thuộc với hình ảnh ông Khương xuất hiện tại các buổi hội thảo, tọa đàm để hỗ trợ doanh nghiệp về tư vấn pháp lý. Hàng năm, ông tổ chức hàng chục hội thảo với mục tiêu nâng cao nhận thức pháp lý, đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ – nhóm doanh nghiệp chiếm phần lớn tại Việt Nam nhưng thường thiếu nguồn lực chuyên biệt cho pháp chế.

CEO Nguyễn Duy Khương tham gia chia sẻ tại một tọa đàm về khởi nghiệp “Từ tư duy đến thành công”.

Trong hành trình này, ông Khương không chỉ là người chia sẻ kiến thức pháp lý mà còn trực tiếp tham gia thẩm định hợp đồng, tư vấn quản trị nội bộ và xử lý tranh chấp thương mại. Nhờ sự am hiểu sâu sắc về pháp luật và tinh thần trách nhiệm, ông đã giúp nhiều doanh nghiệp hội viên và đơn vị khởi nghiệp tránh được rủi ro pháp lý, tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, đồng thời xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật bền vững.

Ông Khương nhấn mạnh: “Doanh nghiệp nào chủ động trang bị kiến thức pháp luật, tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia pháp lý, sẽ không chỉ giảm thiểu rủi ro mà còn tạo dựng nền tảng phát triển lâu dài. Ngược lại, doanh nghiệp nào lạm dụng việc ‘lách luật’ hoặc thiếu nhận thức về quy định pháp luật sẽ đối mặt với rủi ro nghiêm trọng. Khi rủi ro pháp lý phát sinh, doanh nghiệp không chỉ chịu tổn thất tài chính mà còn mất uy tín và cơ hội hợp tác trong tương lai.”

Mới đây, tại hội thảo về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ do Bộ Tư pháp tổ chức tại Đồng Nai, Tiến sĩ Ngô Quỳnh Hoa - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến Giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) đề nghị, trong thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp cùng Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai tổ chức thường xuyên các chuyên đề phổ biến pháp luật, giúp cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận quy định pháp luật dễ dàng hơn. Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp mà còn góp phần xây dựng thể chế chính sách của Nhà nước.

Ông Nguyễn Duy Khương trình bày tham luận tại Hội thảo về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức

"Bên cạnh đó, nhiều chương trình sẽ được triển khai nhằm nâng cao nhận thức thông qua các diễn đàn cấp tỉnh, địa phương, thậm chí đến các khu công nghiệp để truyền tải văn bản pháp luật đến doanh nghiệp. Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, hay nói cách khác, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp cũng chính là bảo vệ lợi ích quốc gia." - Tiến sĩ Ngô Quỳnh Hoa nhấn mạnh.

Hội sẽ đồng hành trong mọi hoạt động của doanh nghiệp

Những năm gần đây, Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế ở mức cao và tham gia một số FTA thế hệ mới. Nổi bật trong số đó là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) - EVFTA. Các hiệp định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận những thị trường tiềm năng, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải đối mặt với các tranh chấp thương mại do sự khác biệt về quy định pháp luật.

Ông Nguyễn Duy Khương chia sẻ về cuốn sách “Con đường khởi nghiệp và những điều cần biết”

Khi ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu với đối tác nước ngoài, doanh nghiệp cần được thẩm định pháp lý chặt chẽ. Trong nhiều trường hợp, chủ doanh nghiệp hoặc người quản lý không thể đánh giá hết các rủi ro pháp lý do thiếu kiến thức chuyên sâu về quy định pháp luật trong nước và quốc tế.

Không chỉ riêng hoạt động xuất nhập khẩu, gần như tất cả các hoạt động của doanh nghiệp đều cần sự hỗ trợ từ các ban hỗ trợ pháp lý. Từ việc thành lập doanh nghiệp, hợp tác với người lao động, xây dựng chính sách đãi ngộ, đến các nội dung về cổ phần, quyền lợi cổ đông, mở chi nhánh mới trong nước hoặc nước ngoài, hay khi công ty muốn IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng), tất cả đều đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về pháp luật.

Ông Nguyễn Duy Khương cho biết, hiện nay số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam phát triển rất nhanh, nhưng phần lớn vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ. Đa phần các doanh nghiệp này chưa có bộ phận pháp chế riêng. Vì vậy, chủ doanh nghiệp cần liên tục cập nhật kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực của mình hoặc liên hệ với Ban Pháp chế của Hội để được tư vấn. Ban có thể hỗ trợ doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro, từ tư vấn và soạn thảo hợp đồng kinh doanh, cập nhật thay đổi pháp luật, đến xây dựng quy chế và chính sách đảm bảo tuân thủ pháp luật.

Ông Nguyễn Duy Khương phát biểu tại buổi Gọi vốn đầu tư cho các dự án khởi nghiệp tại Đồng Nai

Trong năm vừa qua, Ban Pháp chế của Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai đã hỗ trợ hàng chục doanh nghiệp nhỏ trong các lĩnh vực sản xuất thực phẩm, thương mại và dịch vụ. Những doanh nghiệp này thường gặp khó khăn trong việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm và các loại giấy phép con khác.

Ông Nguyễn Văn Cường - Trưởng Ban điều hành Hội Môi giới Bất động sản tại Đồng Nai, hội viên Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, chia sẻ: “Nhờ sự tư vấn chuyên sâu từ Ban Pháp chế của Hội, doanh nghiệp của chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ đúng quy trình và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu pháp lý. Không chỉ vậy, Ban còn hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên rà soát hợp đồng kinh doanh, giúp tránh được các điều khoản bất lợi khi ký kết với đối tác nước ngoài. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp chúng tôi giảm thiểu rủi ro pháp lý mà còn mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo bước tiến vững chắc trong kinh doanh.”.

Ông Nguyễn Duy Khương đại diện doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai ký kết hợp tác với Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Ninh Thuận trước sự chứng kiến của lãnh đạo 2 tỉnh.

Việc tuân thủ pháp luật không chỉ là trách nhiệm mà còn là chiến lược quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Sự hỗ trợ từ các chuyên gia pháp lý, Ban Pháp chế và các cơ quan chức năng đóng vai trò then chốt trong việc giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. “Làm đúng pháp luật thì được bảo vệ, trái luật thì rủi ro sẽ đến. Tuân thủ pháp luật chính là con đường dẫn đến thành công của doanh nghiệp.” - ông Nguyễn Duy Khương nhấn mạnh.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh nói chung và các doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng, cuốn sách "Con đường khởi nghiệp và những điều cần biết" của tác giả Nguyễn Duy Khương - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai; Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại 939 (939 Group), được xuất bản vào tháng 09/2024, đã khái quát những kiến thức pháp luật nền tảng trong quản trị doanh nghiệp.

Nội dung sách bao gồm từ vận hành vốn, ký kết hợp đồng, thuế… đến nghiên cứu thị trường, kế hoạch kinh doanh, kêu gọi đầu tư, quản trị vốn, doanh thu, chi phí, cho đến xây dựng văn hóa và phát triển nguồn nhân lực. Đây là cuốn sách mà tác giả đã đúc kết sau hơn 15 năm bước chân vào kinh doanh. Nó đã trở thành cuốn sách “gối đầu giường” và là bạn đồng hành của rất nhiều bạn trẻ, giúp họ có thêm kiến thức cho hành trình khởi nghiệp.

Với những đóng góp to lớn và trách nhiệm với cộng đồng, UBND tỉnh Đồng Nai đã tuyên dương và trao tặng ông Nguyễn Duy Khương bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình số 7 - Người tốt, việc tốt năm 2024”; bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai với danh hiệu “có thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển hội năm 2023”; bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam với danh hiệu “Đã có đóng góp tích cực trong các hoạt động của Hội”; bằng khen của Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh Đồng Nai với danh hiệu “có thành tích xuất trong công tác Hội và phong trào thanh niên tỉnh Đồng Nai năm 2024”… cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.

Đọc thêm