Từng bức ảnh thấm đẫm hơi thở, mồ hôi và máu của anh

(PLO) - Thấm thoắt đã tròn nửa thế kỷ qua đi kể từ ngày nghệ sỹ nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng hy sinh. Anh vốn là phóng viên quân sự của Thông tấn xã Việt Nam, có mặt trong thời kỳ vô cùng gian khổ và ác liệt (1966 – 1972).
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng tác nghiệp tại chiến trường (Ảnh từ internet)
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng tác nghiệp tại chiến trường (Ảnh từ internet)

Từ một nhà giáo trở thành phóng viên ảnh, anh có mặt trên hầu hết các chiến trường, ghi lại biết bao hình ảnh hào hùng của quân và dân ta, ở miền Bắc cũng như miền Nam. Với vẻ bề ngoài hiền lành, ít nói, con người ấy khi xông vào trận địa với máy ảnh trong tay lại “nhanh như cắt” và “chớp” được những khoảnh khắc giá trị, có ý nghĩa lịch sử, góp phần làm phong phú kho tàng ảnh về chiến tranh và cách mạng. Cả một bộ ảnh đặc sắc về những nơi anh có mặt: Cồn Cỏ, Vĩnh Linh, Bạch Long Vĩ, Đường 9 – Nam Lào, Cánh Đồng Chum – Loong Chẹng, Quảng Trị... 

Mùa hè 1967, trong một trận đánh quyết liệt, máy bay Mỹ liên tiếp lao xuống cắt bom vào trận địa Hải Phòng, Lương Nghĩa Dũng không may bị sức ép của bom hất xuống chân ụ pháo, đất, bùn phủ kín người. Đồng đội tưởng anh hy sinh, mọi người lao tới, bới đất ra, xốc anh dậy. Chu Chí Thành - một đồng nghiệp của anh (sau này là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam) cho biết, lúc ấy mặt anh lấm lem, đen sạm, mắt lờ đờ nhưng tay vẫn cầm máy ảnh. Các chiến sĩ cho anh uống nước, anh tỉnh dần. Ban chỉ huy đại đội quyết định đưa anh đi bệnh viện, anh chỉ lắc đầu từ chối và hỏi: “Đơn vị có ai hy sinh không?”.

Ở Quảng Trị, năm 1971 – 1972, anh là một thành viên trong mũi chủ công của ảnh Thông tấn xã Việt Nam tại mặt trận. Đã có lần ống kính máy ảnh của anh bị mảnh pháo chém vỡ tan một góc, bản thân anh cũng bị đất bao phủ. Tính ra, anh đã chết hụt tới trên hai chục lần trong hai năm ấy nhưng vẫn quả cảm, quên mình.

6 năm trời trên các trận địa, nhà nhiếp ảnh trẻ tuổi, xông xáo Lương Nghĩa Dũng đã ghi được hàng trăm nhân vật anh hùng của thế hệ trẻ Việt Nam, từ Lê Mã Lương, Đinh Viết Sửu, Nguyễn Quốc Khoa, Hà Văn Nhận, Tống Đức Lợi đến các nữ dân quân dân tộc Pakô ở chiến dịch Trị Thiên, từ Trần Hanh, Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Đức Soát đến các nữ pháo binh Ngư Thủy (Quảng Bình). Và những chiến sĩ thông tin trên mặt trận Đường 9, trên đồi A Quảng Trị; các chiến sĩ giải phóng truy kích địch, bắt sống xe tăng địch, chiếm lĩnh trận địa pháo của chúng... Sau tất cả những gương mặt, những chiến công oanh liệt ấy, công chúng yêu ảnh còn nhận rõ một nghệ sĩ anh hùng, đó là Lương Nghĩa Dũng mà từng bức ảnh thấm đẫm hơi thở, mồ hôi và máu của anh.

Hy sinh vào một ngày hè nóng bỏng Quảng Trị, Lương Nghĩa Dũng để lại cho đồng đội, đồng nghiệp, gia đình biết bao thương tiếc, biết bao cảm phục. Cho đến hôm nay, sau ngót 45 năm đi xa, anh vẫn là tấm gương sáng cho các thế hệ cầm máy hôm nay – chính là con trai anh, nhà báo, nhiếp ảnh Lương Xuân Trường, đang nguyện bước tiếp bàn chân của người cha đáng kính để làm một nghệ sĩ nhiếp ảnh xứng đáng với người cha thân yêu.

Tôn vinh anh, nhớ ơn anh, Nhà nước ta đã truy tặng Lương Nghĩa Dũng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (đợt 2) và đang đề cử vào Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quí. Với lòng tôn kính và cảm phục, Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã sưu tầm và biên soạn một cuốn sách ảnh dày dặn của Lương Nghĩa Dũng, làm nên một đóng góp quý báu vào kho tàng nhiếp ảnh cách mạng của đất nước, đặc biệt là trong những năm chống Mỹ cứu nước../.

Đọc thêm