Theo đó, ông Huân cho rằng, hiện nay, dù chưa tăng độ tuổi nghỉ hưu, tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ đặc biệt là đối tượng có bằng cấp vẫn ngày càng nhiều. Đây là hệ quả của một thời gian dài cách đào tạo, định hướng truyền thông, tư tưởng không muốn học làm thợ mà chỉ muốn học làm thầy...
Trước những băn khoăn về tỷ lệ thất nghiệp của nhóm thanh niên hiện nay vẫn rất cao, nếu tăng độ tuổi nghỉ hưu có khả năng làm giảm cơ hội việc làm của nhóm này, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phân tích: “Dân số Việt Nam đang bước vào quá trình già hóa, tốc độ già hóa dân số nhanh, số người rời khỏi lực lượng lao động xấp xỉ bằng số người bước vào độ tuổi lao động.
Nếu như trước đây mỗi năm nước ta có 1,5-1,7 triệu người tham gia vào thị trường lao động thì đến nay con số này chỉ còn khoảng 800.000 – 900.000 người. Câu chuyện nâng dần tuổi nghỉ hưu là không tránh khỏi đối với mọi quốc gia, nâng chậm quá thì sẽ phá sản như Hy Lạp, do vậy, cải cách nâng tuổi nghỉ hưu cần có lộ trình và bắt đầu sớm, không để rơi vào tình trạng như các nước khác”.
Có thể thấy, hiện nay mỗi năm nước ta có khoảng gần 1 triệu người bước vào độ tuổi lao động, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn còn rất cao, chính sách lao động đang chuyển dần từ thâm dụng lao động sang phát triển theo chiều sâu. Đây là những yếu tố cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo bài toán cân đối, hài hòa lợi ích cho người lao động.