Tuyên bố chung Việt Nam – Na Uy

Hai bên cho rằng sẽ là cơ hội tốt để hai nước tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế nếu được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2021 và Na Uy nhiệm kỳ 2021-2022...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Na Uy Ê-na Xôn-béc. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Nhận lời mời của Thủ tướng Na Uy Ê-na Xôn-béc, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã thăm chính thức Vương quốc Na Uy từ ngày 24-25 tháng 5 năm 2019.

1. Trong chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Ê-na Xôn-béc, hội kiến Nhà Vua Ha-ran Đệ Ngũ và Chủ tịch Quốc hội Na Uy Tô-ne Trô-en.

2. Tại hội đàm, hai Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước việc quan hệ Việt Nam – Na Uy không ngừng được củng cố và mở rộng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế Na Uy đạt được thời gian qua và những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực tăng trưởng xanh. Thủ tướng Ê-na Xôn-béc đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam về phát triển kinh tế xã hội và vai trò thành viên có trách nhiệm của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, trong đó có việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 và Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai đầu năm 2019.  

3. Thủ tướng Ê-na Xôn-béc và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự phát triển quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong hơn bốn thập kỷ qua.

4. Hai Thủ tướng hoan nghênh sự phát triển ngày càng sâu rộng trong quan hệ hợp tác kinh tế song phương, nhất là trong các lĩnh vực lâm nghiệp, bảo vệ môi trường, nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản, năng lượng tái tạo, khí hóa lỏng, vận tải biển và đóng tàu; khẳng định quyết tâm của Việt Nam và Na Uy tiếp tục tăng cường hợp tác thương mại - đầu tư bền vững và bao trùm; tái khẳng định cam kết sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) toàn diện và sâu rộng giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA).

5. Hai Thủ tướng khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp hai nước thúc đẩy và mở rộng hợp tác đầu tư kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên của hợp tác song phương như các ngành kinh tế biển, năng lượng xanh và tái tạo, công nghệ thông tin và hàng tiêu dùng. Hai bên hoan nghênh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Na Uy được tổ chức tại Ốt-xlô nhân dịp chuyến thăm.

6. Hai Thủ tướng khuyến khích các bộ, ngành hai nước mở rộng trao đổi và hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, du lịch, thể thao, văn hóa, giao lưu nhân dân cũng như về các vấn đề liên quan đến phụ nữ, hòa bình và an ninh nêu trong Nghị quyết số 1325 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

7. Cả Na Uy và Việt Nam trong năm đang tham gia Tiến trình Rà soát Nhân quyền Phổ quát của Liên Hợp Quốc (UPR). Hai bên nhấn mạnh đây là cơ chế phổ quát, minh bạch do các quốc gia tiến hành dựa trên đối thoại và hợp tác. Hai bên đánh giá cao cơ chế Đối thoại nhân quyền mang tính xây dựng giữa Việt Nam và Na Uy; nhất trí về tầm quan trọng của pháp quyền, quyền con người cũng như tầm quan trọng của việc thực hiện Tuyên bố về các Nguyên tắc cơ bản và các Quyền tại nơi làm việc của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) cũng như các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do khu vực và quốc tế.

8. Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì tiếp xúc và trao đổi đoàn cấp cao, các cấp, trong đó có chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2015 của Thủ tướng Na Uy Ê-na Xôn-béc và chuyến thăm làm việc tới Na Uy năm 2018 của Phó Thủ tướng Việt Nam Trịnh Đình Dũng, góp phần tạo xung lực cho quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Hai bên nhất trí tiếp tục tiến hành tham vấn chính trị thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao và các cơ chế đối thoại song phương khác về các vấn đề cùng quan tâm.

9. Hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực toàn cầu nhằm giảm phát thải do tình trạng rừng bị phá hủy và suy thoái; đánh giá cao việc thực hiện thành công Chương trình hợp tác của Liên Hợp Quốc về Giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển (UN-REDD) được thực hiện trong sáu năm tại Việt Nam. Hai bên nhấn mạnh cam kết chung của hai nước đối với phát triển bền vững và bao trùm theo Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về các Mục tiêu Phát triển bền vững, đồng thời ghi nhận các hoạt động quan trọng của các nước trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và rác thải nhựa. Thủ tướng Ê-na Xôn-béc ghi nhận các dự án đang và sẽ được triển khai với sự tham gia của các nước thành viên ASEAN trong lĩnh vực xử lý rác thải biển. Nhân dịp này, Thủ tướng Ê-na Xôn-béc hoan nghênh việc Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị Đại dương của Chúng ta sẽ được tổ chức tại Ốt-xlô trong tháng 10 năm 2019.

10. Hai Thủ tướng cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc, Quan hệ Đối tác đối thoại theo lĩnh vực ASEAN - Na Uy và Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM).

11. Việt Nam và Na Uy chia sẻ cam kết đối với trật tự quốc tế công bằng, bình đẳng, dựa trên luật lệ và hệ thống đa phương với vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc. Hai bên nhấn mạnh vai trò quan trọng của Liên Hợp Quốc trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế thông qua đối thoại và tham vấn, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế. Hai bên chia sẻ ưu tiên bảo vệ người dân trước bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, trong đó có việc giáo dục về hiểm họa bom mìn và việc rà phá mìn sát thương và bom đạn chùm. Với tư cách Chủ tịch Công ước cấm mìn sát thương trong năm 2019, Na Uy mời Việt Nam tham gia Phiên rà soát lần thứ tư của Công ước cấm mìn sát thương sẽ được tổ chức tại Ốt-xlô trong tháng 11 năm 2019.

12. Hai bên cho rằng sẽ là cơ hội tốt để hai nước tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế nếu được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2021 và Na Uy nhiệm kỳ 2021-2022.

13. Hai bên ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và hữu nghị tại khu vực Đông Nam Á. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do, các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), là khuôn khổ pháp lý quy định mọi hoạt động trên biển và đại dương; kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Đọc thêm