Tuyên Quang tập trung phát triển công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tuyên Quang tập trung phát triển ba trụ cột kinh tế, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng theo định hướng kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh.
Lao động làm việc trong lĩnh vực may mặc tại Khu Công nghiệp Long Bình An, TP Tuyên Quang. (Ảnh: Lê Hanh)
Lao động làm việc trong lĩnh vực may mặc tại Khu Công nghiệp Long Bình An, TP Tuyên Quang. (Ảnh: Lê Hanh)

Định hướng đến năm 2050, Tuyên Quang là tỉnh phát triển, thu nhập cao của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, có môi trường xã hội văn minh, hiện đại, sáng tạo, dân chủ. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển xanh, công nghiệp sinh thái, thông minh; dịch vụ phát triển đa dạng, hiện đại; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đó, Tuyên Quang sẽ tập trung phát triển ba trụ cột kinh tế gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng theo định hướng kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản và kinh tế lâm nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, công nghiệp phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao và chất lượng cao, trong đó tập trung phát triển Tuyên Quang trở thành vệ tinh của vùng về chuỗi liên kết sản xuất điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô; phát triển công nghiệp chế tạo công nghệ cao tại thành phố Tuyên Quang và huyện Yên Sơn; phát triển công nghiệp chế biến sâu khoáng sản, dệt may, da giày, chế biến nông sản, công nghiệp phụ trợ tập trung tại huyện Sơn Dương; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, dược liệu, gỗ, lâm sản tại huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa; phát triển thủy điện, năng lượng tái tạo tại các khu vực có tiềm năng trên địa bàn tỉnh; tập trung phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trọng tâm là thu hút đầu tư các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo...

Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH MTV Giày da Phúc Sinh, Cụm công nghiệp Phúc Ứng, Sơn Dương. (Ảnh: Lê Hanh)
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH MTV Giày da Phúc Sinh, Cụm công nghiệp Phúc Ứng, Sơn Dương. (Ảnh: Lê Hanh)

Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế của tỉnh Tuyên Quang duy trì ổn định và phát triển, đạt được tốc độ tăng trưởng khá, đứng thứ 2/14 tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ, đứng thứ 1/11 tỉnh miền núi phía bắc và đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố. Riêng trong lĩnh vực công nghiệp, giá trị sản xuất đạt 9,7 nghìn tỷ đồng, đạt 47,7% kế hoạch tăng 14,8% so với cùng kỳ.

Tỉnh Tuyên Quang cũng đề ra mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2025 đạt 27.700 tỷ đồng, tăng bình quân 14%/năm, trong đó, phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, tỉnh đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, giảm dần những ngành lệ thuộc nhiều vào tài nguyên khoáng sản, tác động đến môi trường. Đồng thời, ưu tiên thu hút có chọn lọc những dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thông minh và thân thiện môi trường; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ, cụm liên kết ngành, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị theo hướng hiện đại, phát triển xanh...

Ngành công nghiệp được đánh giá là lực đẩy số một trong mở rộng sản xuất và xuất khẩu của tỉnh. (Ảnh: Lê Hanh)
Ngành công nghiệp được đánh giá là lực đẩy số một trong mở rộng sản xuất và xuất khẩu của tỉnh. (Ảnh: Lê Hanh)

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 97 dự án đầu tư vào công nghiệp chế biến. Trong đó, chế biến nông sản có 15 dự án, chế biến lâm sản có 25 dự án, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có 28 dự án, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản khác có 7 dự án và công nghiệp dệt may da giày có 11 dự án. Các dự án công nghiệp phụ trợ cũng đang bắt đầu được các nhà đầu tư đổ về Tuyên Quang.

Hiện nay, quy mô ngành công nghiệp chế biến chế tạo đóng góp 60% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Đây cũng là ngành liên tục được mở rộng và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp với đóng góp trong GRDP tăng liên tục qua các năm.

Ngành công nghiệp được đánh giá là lực đẩy số một trong mở rộng sản xuất và xuất khẩu của tỉnh. Với những mục tiêu cụ thể và các giải pháp đồng bộ, ngành công nghiệp tỉnh Tuyên Quang đang được “tiếp sức” để phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Đọc thêm