Tuyển sinh đại học 2023: Làm gì để thu hút sinh viên cho ngành khoa học cơ bản?

0:00 / 0:00
0:00
Đây là câu hỏi khó tìm đáp án khi nhiều học sinh, sinh viên và phụ huynh dần quay lưng với các ngành khoa học cơ bản.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thực trạng buồn của ngành khoa học cơ bản

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê đưa ra vào quý III năm 2022, số người thất nghiệp là 1,06 triệu người, trong đó lứa tuổi từ 15 – 24 là 8,02%. Cũng theo Báo cáo Điều tra lao động của Tổng cục Thống kê vào năm 2020, nhóm có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất là những người có trình độ từ đại học trở lên chiếm 20,7%, trong khi các nhóm có trình độ học vấn thấp, lại chiếm tỷ trọng ít hơn. Thực tế này cho thấy, hiện nay, số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường thất nghiệp hoặc khó xin việc ngày càng cao. Chính vì vậy, một trong những tiêu chí để phụ huynh, học sinh lựa chọn trường đại học và ngành học là phải được đảm bảo đầu ra.

Chị Dương Mai Anh (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) hiện đang có con học lớp 11 Trường THPT Yên Hòa, nói: “Con tôi dự định thi vào ngành Tâm lý học của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhưng gia đình khuyên cháu nên đăng ký thêm Trường Đại học Ngoại thương”. Chia sẻ lý do, chị cho biết bản thân vẫn chưa hình dung được, sau khi tốt nghiệp ngành Tâm lý, con chị sẽ làm việc tại đâu nếu như không giảng dạy ở trường đại học hoặc vào các cơ quan nghiên cứu.

Hiện nay, thị trường việc làm tại Việt Nam vẫn chú trọng vào các ngành nghề có tính ứng dụng cao, phù hợp nhu cầu xã hội. Đó là những ngành liên quan đến kinh tế, công nghệ thông tin hoặc kỹ thuật. Các ngành khoa học cơ bản bị đánh giá là lý thuyết, không áp dụng được nhiều trong thực tế. Đặc biệt, phần lớn các ngành khoa học cơ bản không dễ dàng xin việc làm đúng hoặc gần giống với ngành học tại những doanh nghiệp, công ty tư nhân. Trong khi cơ quan Nhà nước lại quá ít chỉ tiêu để tiếp nhận hết số lượng sinh viên tốt nghiệp mỗi năm ở những ngành này.

Chỉ riêng trong thời gian đầu năm 2023, theo số liệu của Trung tâm Dịch vụ làm việc Hà Nội, những ngành như;: Vận tải - logistic, Công nghệ thông tin, dịch vụ khách sạn và du lịch, dịch vụ ngân hàng… đang có nhu cầu tuyển dụng lên đến 100.000 đến 120.000 vị trí việc làm. Trong khi tại các Viện nghiên cứu ở Việt Nam, số lượng người được tuyển vào mỗi năm rất hạn chế.

Một lý do nữa khiến các ngành khoa học cơ bản bị “thất sủng” trong mắt người học là thu nhập thấp. Vũ Hoàng Anh (27 tuổi) hiện đang là nhân viên tại một công ty công nghệ ở Hà Nội cho biết, bản thân cô là học sinh chuyên Lý, cũng từng giành giải quốc gia. Tuy nhiên, khi lên đại học, cô chọn ngành Vận tải – logictis. Cô cho biết: “Kinh tế gia đình tôi ở quê không khá giả, chính vì vậy, tôi không chọn học Vật lý khi lên đại học dù được tuyển thẳng”. Hoàng Anh đã được nhiều anh chị đã đi làm tư vấn nên chọn ngành logictis vì cơ hội việc làm cao, mức lương tốt. Hiện nay, sau 5 năm làm việc, thu nhập một tháng của cô rơi vào khoảng 25 - 30 triệu đồng.

Trong khi đó, thu nhập của một cán bộ trẻ tại các viện nghiên cứu khoa học, sẽ tính theo hệ số lương được quy định của Nhà nước, thông thường rơi vào khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, tính chất của một đơn vị nghiên cứu không phải cứ tốt nghiệp đại học là tuyển vào biên chế. Một sinh viên mới ra trường phải được đào tạo, thử thách làm quen với việc nghiên cứu rồi cử đi nước ngoài, thông thường mất 5 - 7 năm. Còn đối với các thực tập sinh, thu nhập của họ rất thấp, thậm chí chỉ vài trăm nghìn đồng một tháng, trong khi khối lượng công việc tương đối nhiều. Nguyễn Quang Linh (28 tuổi) từng có thời gian làm thực tập sinh tại một viện nghiên cứu về môi trường cho biết: “Thu nhập chính thức của tôi mỗi tháng là 700.000 đồng. Tôi thường xuyên phải đi công tác đến các tỉnh để có thêm các khoản khác và viết nghiên cứu, báo cáo”. Tổng thu nhập mỗi tháng của Linh không đủ để chi trả cho cuộc sống tại Hà Nội, nên hiện anh đã chuyển ra làm bên ngoài.

Làm gì để thay đổi?

Những năm gần đây, cùng với việc nhiều ngành đào tạo đại học mới ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu người học và nhân lực của thị trường lao động thì có những ngành lại khá chật vật để tuyển được học viên. Đơn cử như tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM, nhiều năm nay rất khó tuyển sinh viên cho các ngành khoa học cơ bản như Vật lý học, Hải dương học, Kỹ thuật hạt nhân, Địa chất học, Khoa học môi trường, Kỹ thuật địa chất, Công nghệ kỹ thuật môi trường…

Mùa tuyển sinh năm 2022, thống kê từ Bộ GD-ĐT thì Khoa học tự nhiên, Khoa học sự sống, Nông lâm nghiệp và thủy sản, Dịch vụ xã hội là 4 lĩnh vực tỷ lệ tuyển sinh đầu vào đại học thấp nhất. Đáng nói, đây là năm thứ 3 liên tiếp, 4 nhóm ngành học này có tỷ lệ thấp nhất trong 23 lĩnh vực đào tạo mà các trường tuyển sinh.

Nguyễn Thanh Tùng (học sinh lớp 12, THPT Xuân Đỉnh, Hà Nội) chia sẻ, em muốn đăng ký ngành Khoa học vũ trụ của Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, nhưng được thầy cô và gia đình tư vấn nên chọn ngành Marketing. “Giữa một bên là niềm yêu thích của em, một bên là những ngành dễ dàng tìm việc sau khi ra trường. Hiện tại, em chưa quyết định được sẽ thi vào đâu”, Tùng phân vân.

Được biết, nhiều trường để thu hút thí sinh đã thực hiện chính sách như cấp học bổng toàn phần và bán phần dành cho các thí sinh trúng tuyển các ngành học khoa học. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tuyển sinh thì bên cạnh chính sách riêng của mỗi trường, Nhà nước nên có thêm cơ chế, chính sách riêng cho sinh viên theo học các ngành khoa học cơ bản, vừa hỗ trợ các em có thêm điều kiện học tập, vừa hỗ trợ nhà trường đào tạo được nhân lực chất lượng cho xã hội.

Hiện nay, có nhiều trường đại học đã ghép các ngành khoa học cơ bản vào những ngành khoa học ứng dụng. Tuy nhiên, điều đó chỉ giải quyết được vấn đề tuyển sinh trước mắt, không thể giúp phát triển các ngành khoa học cơ bản, để tự thân những ngành này thu hút sinh viên giỏi.

Tại Hội nghị trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, TS Trần Lê Hưng (từng làm việc tại Trường Đại học Cầu đường Paris, Pháp), hiện là giảng viên Đại học Công Nghệ - Đại học Quốc gia cho rằng, cần phải có mối liên hệ giữa nhà trường, nhà sản xuất và doanh nghiệp. Theo TS Trần Lê Hưng, các nghiên cứu cần gắn với những vấn đề có sẵn trong thực tiễn. Đó là những vấn đề cần có sự tham gia của các nhà khoa học. Cần có cơ chế thúc đẩy cơ sở sản xuất, tập đoàn cùng tham gia nghiên cứu, đặt hàng các nhà khoa học. Điều đó giúp chúng ta tự lực đón đầu công nghệ, làm chủ nó để phát triển xa hơn.

Đọc thêm