Tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ ngày 14/2 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, tuyển sinh năm 2012 tiếp tục cải tiến theo hướng gọn nhẹ, cơ bản vẫn giữ ổn định theo giải pháp “3 chung” ( chung đợt, chung đề, chung kết quả thi) nhưng được điều chỉnh, bổ sung một cách hợp lý với 6 nội dung mới...
Học sinh trong mùa tuyển sinh |
Điều chỉnh lịch thi
Thứ nhất, đó là tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia đạt giải nhất, nhì, ba vào ĐH và giải khuyến khích vào CĐ các ngành đúng hoặc ngành gần đúng theo môn học sinh đạt giải. Học sinh không sử dụng quyền tuyển thẳng hoặc không đăng ký vào học đúng nhóm ngành theo môn đạt giải, nếu dự thi ĐH, CĐ thì được ưu tiên theo hướng: dự thi đủ số môn quy định, kết quả thi đạt điểm sàn đại học trở lên, không có môn nào bị điểm 0, thì các trường tuyển thẳng vào đại học; dự thi đủ số môn quy định, kết quả thi từ điểm sàn cao đẳng đến dưới điểm sàn đại học, không có môn nào bị điểm 0, thì các trường tuyển thẳng vào cao đẳng.
Các trường THPT ở vùng sâu xa, sẽ có điểm truy cập thông tin tuyển sinh qua mạng Về việc không phát hành cuốn “Những điều cần biết”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, tinh thần khuyến khích các NXB cân nhắc in theo nhu cầu của xã hội, nhưng tất cả các số liệu đều không có nhãn hiệu của Bộ GD& ĐT. Về thông tin tuyển sinh trên mạng, Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel cam kết sẽ có điểm truy cập tại tất cả các trường THPT ở vùng sâu xa, tạo điều kiện thầy cô để truy cập. Hiện nay, các thông tin tuyển sinh đều đã lên trang web của Bộ GD-ĐT rất thuận tiện cho việc thí sinh và phụ huynh tra cứu. |
Thứ hai, đó là ngoài các khối thi truyền thống A, B, C, D và các khối năng khiếu, bổ sung thêm khối A1 (Toán, Lý, Tiếng Anh). Để bảo đảm sự ổn định ở các trường tuyển sinh theo khối thi truyền thống và không ảnh hưởng đến việc học tập, định hướng ôn tập của HS trong 3 năm học THPT (theo ban và theo khối), Bộ yêu cầu các trường vẫn tuyển sinh theo các khối thi của từng ngành đào tạo như những năm trước và có thể bổ sung khối A1 nếu thấy cần thiết và phù hợp đối với từng ngành đào tạo.
Thứ ba, đó là điều chỉnh lịch thi kỳ thi tuyển sinh, thay vì đợt thi bắt đầu vào các ngày 4-5/7; 9-10/7 và 15,16/7 như mọi năm, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2012 vẫn tổ chức 3 đợt thi vào các ngày thứ bảy, chủ nhật của 3 tuần đầu tháng 7. Cụ thể như sau: Đợt 1, ngày 7-8/7/2012 thi đại học khối A, A1 và V. Đợt 2, ngày 14-15/7/2012, thi khối B,C,D và các khối năng khiếu. Đợt 3, ngày 21-22/7/2012, thi cao đẳng tất cả các khối như năm 2011.
Thứ tư đó là ngoài tổ chức 3 cụm thi tại Vinh, Quy Nhơn và Cần Thơ như những năm trước, năm nay bổ sung thêm cụm thi Hải Phòng, do trường ĐH Hàng Hải làm trưởng cụm thi, tổ chức thi cho thí sinh có hộ khẩu thường trú tại TP Hải Phòng và Quảng Ninh, có nguyện vọng học tại trường ĐH Hàng Hải và các trường đại học đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Cho phép thí sinh dự thi tại cụm Vinh đăng ký học các trường ĐH đóng tại TPHCM. Cho phép thí sinh có hộ khẩu thường trú tại 4 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng trị có nguyện vọng học tại trường ĐH Vinh hoặc các trường ĐH đóng tại Hà Nội như những năm trước và các trường ĐH đóng tại TPHCM được dự thi tại cụm thi Vinh, do trường ĐH Vinh làm trưởng cụm thi.
Gần 100 trường ĐH, CĐ sai chỉ tiêu tuyển sinh Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, cho đến nay, Bộ đã nhận được đăng ký chỉ tiêu của 133/176 trường ĐH, 152/ 212 trường CĐ. Kết quả tổng hợp thấy có 55 trường ĐH và 39 trường CĐ đăng ký vượt qua năng lực thực tế của trường, vì vậy sau hội nghị này các trường cần khẩn trương rà soát lại chỉ tiêu tuyển sinh 2012 đã đăng ký. |
Thứ năm, căn cứ điểm sàn, chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong xét tuyển. Điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm sàn. Không quy định số đợt, số nguyện vọng, thời gian mỗi đợt xét tuyển; không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước…
Sau khi xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển nhập học đối với thí sinh đăng ký dự thi vào trường, nếu còn chỉ tiêu, các trường thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng khác điều kiện xét tuyển: Thời gian nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển; thời gian công bố điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển; chỉ tiêu cần tuyển; ngành và khối xét tuyển; mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển; nguồn tuyển…
Hàng năm chậm chất là ngày 31/12, các trường phải báo cáo về Bộ kết quả tuyển sinh, kết quả thực hiện chỉ tiêu của năm. Sau thời điểm báo cáo, nếu các trường vẫn chưa tuyển hết chỉ tiêu đã xác định, nhất là các trường đào tạo theo học chế tín chỉ chỉ có thể tiếp tục tuyển sinh.
Thứ sáu là Bộ không in cuốn “Những điều cần biết” như những năm trước, thay vào đó, các thông tin tuyển sinh các trường công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường, các phương tiện thông tin đại chúng.
Ổn định tuyển sinh đến hết năm 2015
Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, thời gian xét tuyển giao cho các trường tự chủ nhưng không phải trường nào cũng đến 31.12, giao cho các trường tự chủ, không có nghĩa tất cả các trường đều phải kéo dài thời gian xét tuyển. Dừng lại lúc nào là do trường tuyển đủ chỉ tiêu hay chưa. Việc đào tạo theo nhu cầu xã hội, Bộ cho phép đào tạo chất lượng cao thì thu học phí cao. “Nhưng muốn thu học phí cao thì nhất định phải nâng cao chất lượng”, Thứ trưởng Ga nhấn mạnh.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, với các trường đặc thù khối văn hóa nghệ thuật, quốc phòng an ninh có ngoại lệ liên quan đến môn thi tuyển sinh và đào tạo trung cấp. Về chỉ tiêu tuyển sinh, đang bàn để cân nhắc không gây sức ép tăng số lượng, chỉ tăng trên cơ sở đảm bảo chất lượng.
Đặc biệt, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh, tuyển sinh từ nay đến năm 2015 sẽ giữ ổn định, chỉ thay đổi nhỏ theo hướng đảm bảo quyền lợi tối đa cho người học, người thi, minh bạch với các trường. Còn sau năm 2015, bắt đầu từ năm 2016 - 2019, chỉ tổ chức thi tuyển sinh một đợt, nhiều môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và các môn thi tự chọn; các trường quy định tổ hợp các môn thi để xét tuyển cho từng ngành đào tạo chứ không thi theo khối.
Từ năm 2020 trở đi, khi Luật Giáo dục Đại học đã đi vào cuộc sống, sự phân tầng đại học đã được thực hiện và công tác kiểm định chất lượng đi vào nề nếp, việc thi tuyển sinh chỉ còn diễn ra ở các trường đại học tốp đầu, các trường đại học theo định hướng nghiên cứu. Tất cả các trường còn lại sẽ xét tuyển dựa trên kết quả phổ thông.
* TS Nguyễn Đức Nghĩa, PGĐ ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh: Về đổi mới tuyển sinh không chỉ cần có lộ trình mà cần có sự đồng bộ từ nhiều cấp bậc, nhiều kỳ thi có liên quan. Đổi mới xét tuyển là đúng nhất. Thời gian xét tuyển sẽ tùy theo các trường. * Ông Đỗ Hữu Tài, Hiệu trưởng ĐH Lạc Hồng: Hiện nay, tồn tại việc mất cân đối cơ cấu ngành cũng như chỉ tiêu tuyển sinh không hợp lý giữa các ngành nhưng vẫn chưa thấy có giải pháp cho vấn đề này. Số sinh viên chạy theo ngành kinh tế quá nhiều. * Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Có một số nội dung chưa được Bộ GD&ĐT đề cập. Thứ nhất là việc mất cân đối trong tuyển sinh. Những năm qua có hơn 40 % thí sinh thi vào ngành kế toán, tài chính ngân hàng. Như vậy có cần điều chỉnh không? Tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh có tiếp tục làm mất cân đối không? Thứ hai, chưa thấy báo cáo về đổi mới quản lý tài chính. Yêu cầu về tăng học phí thì tăng chất lượng như thế nào. Quốc hội chấp nhận tăng học phí thì chất lượng giáo dục tăng đến đâu? Việc, kiểm định chất lượng GD ĐH, các báo cáo chưa đề cập. Đặc biệt, việc thực hiện công khai của các trường đến đâu, có tác dụng gì, kết quả ra sao chưa thấy báo cáo. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy, bồi dưỡng giáo viên đạt trình độ thạc sĩ tiến sĩ đến 2014 phải chấm dứt tình trạng ĐH dạy ĐH có làm được không? |
Uyên Na