Theo thuyết này, tại al-Hayat sẽ diễn ra cuộc quyết đấu cuối cùng giữa các đội quân Thập tự chinh và Thánh chiến Hồi giáo. Ban đầu tạp chí chỉ viết bằng tiếng Anh, nay đã mở rộng ra nhiều thứ tiếng khác hướng tới độc giả phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.
Các biên tập viên của IS rất chú trọng kỹ thuật báo chí: makét thiết kế cẩn thận, nhan đề khớp nội dung, phóng sự kết hợp với phỏng vấn. Mới đây, IS cũng mới cho ra mắt vào tháng 9 tạp chí tên gọi Rumiyah, xuất hiện với 8 ngôn ngữ (Anh, Pháp, Đức, Nga, Thổ, Duy Ngô Nhĩ, Indonesia, Pachtun).
Cuộc chiến truyền thông
Trên thực địa, ở mỗi wilaya (tỉnh của IS) đặt một văn phòng truyền thông nhằm mở rộng ảnh hưởng của tổ chức. Các chi nhánh địa phương quản lý video phát trên mạng về cuộc chiến của chúng, những “hoạt động đời thường” (chẳng hạn mới đây phóng sự về một trang trại nuôi đà điểu mới được giới thiệu tại tỉnh Raqqa).
Những video tuyên truyền quan trọng phải được văn phòng trung ương thông qua. Ngoài chiếc vòi bạch tuộc kỹ thuật số, còn có hàng chục “quỹ” truyền thông và cơ sở thánh chiến độc lập chuyên chuyển tải, phát lại nội dung tuyên truyền của IS.
Các cơ quan này được thành lập tùy theo nhu cầu của văn phòng truyền thông, không nhất thiết phải có liên hệ trực tiếp với IS. Chúng thực hiện các chiến dịch tuyên truyền không phải bao giờ cũng theo sự chỉ đạo của một tổ chức chính thức thuộc IS, chẳng hạn, lên tiếng kêu gọi tiến hành làn sóng khủng bố nhằm vào Saudi Arabia. Tham gia hoạt động của các cơ sở này có những phần tử Thánh chiến cực đoan và cả những tên chuyên làm nhiệm vụ tuyển dụng cho IS.
Trong một bức thư gửi đến “các chiến binh truyền thông”, phát ra năm 2015, chỉ huy phụ trách truyền thông của IS đã không tiếc lời khen ngợi những phần tử hoạt động của chúng trên Internet. “Cuộc chiến của chúng ta cũng là cuộc chiến truyền thông. Mỹ và Anh đã triển khai những đội quân khổng lồ trên mạng để chống lại IS. Thượng đế đã đánh bại chúng. Chúng đã không thể ngăn chặn những người ủng hộ IS trên Internet”.
Bức thư cũng khuyến khích những tên tham gia hoạt động tuyên truyền trên mạng của chúng: “Chúng ta coi các bạn là những chiến binh thánh chiến và kêu gọi các bạn hãy tiếp tục đi trên con đường này. Đó chính là ủng hộ Thượng đế và ủng hộ IS”.
Nói cách khác, thánh chiến trên mạng cũng đóng vai trò quan trọng không kém với cầm vũ khí chiến đấu trên chiến trường. “Những người anh em” này của chúng được khuyến khích nhân bản, phát tán rộng rãi nội dung ủng hộ IS trên mạng.
Rachid Kassim- một thành viên “cốt cán cấp trung” của IS tại Syria |
250.000 tài khoản Twitter bị xóa
Một tài liệu của Bộ Quốc phòng Pháp, được Le Monde trích dẫn cho hay, vào lúc cực thịnh của hoạt động trên trang Twitter, năm 2015, giới ủng hộ IS tập hợp hàng chục nghìn đối tượng, có khả năng phát ra khoảng 40.000 thông điệp bằng tiếng Pháp.
Twitter đã phải săn lùng đấu tranh chống tuyên truyền Thánh chiến trên trang của mình và đầu năm 2016, khoảng 250.000 tài khoản đã bị khóa. Một thông cáo của Twitter cho biết: “Thời gian để treo các tài khoản được báo cáo, thời gian tồn tại của tài khoản này trên Twitter cũng như số lượng tài khoản liên quan đã giảm mạnh”.
Còn một báo cáo của Ủy ban Quốc hội Anh nhận xét, nỗ lực này không thấm vào đâu, chỉ “như giọt nước trên đại dương”. Tuy vậy, những tác động thực tế có thể quan sát khá rõ, các đối tượng tham gia tuyên truyền cho IS từ tháng 11/2015 đã thu mình lại trên Telegram, một mạng xã hội hẹp hơn rất nhiều.
Xu hướng này bị một bộ phận chiến binh Thánh chiến chỉ trích. Tên Abou Oussama Sinan al-Ghazzi, một phần tử “quen mặt” trên mạng xã hội của chủ nghĩa thánh chiến Hồi giáo, đầu năm nay đã kêu gọi những kẻ ủng hộ IS không nên nhường bước trước “cám dỗ” thu mình lại Telegram, cho rằng mạng này an toàn hơn nhưng cắt đứt liên lạc với xã hội bên ngoài.
Tên này viết: “Nhiều người anh em của chúng ta ưa thích dùng Telegram, với lý do các tài khoản của những người ủng hộ chúng ta ít bị xóa so với các nền tảng mạng xã hội khác. Tuy nhiên họ quên rằng các mạng xã hội như Twitter hay Facebook cởi mở với đông đảo quần chúng. Trang Telegram khó tiếp cận hơn và chỉ dành cho những người mới tham gia”.
Công tác tuyên truyền của IS buộc phải thu mình lại do yêu cầu tránh sự giám sát của các chính phủ, tuy vậy có tác dụng khác là tạo điều kiện để quy tụ và củng cố mối liên hệ giữa những người chia sẻ quan điểm.
J. M. Berger và Jonathan Morgan, chuyên gia người Mỹ và tác giả của một phân tích về diện mạo của những người ủng hộ IS trên mạng Twitter nhận định vào năm 2015, cho rằng việc “cố thủ” trên các mạng xã hội của những phần tử ủng hộ Thánh chiến có thể sẽ làm khuếch trương ảnh hưởng của tư tưởng cực đoan.
Sau khi chúng khắc phục được vấn đề khó tiếp cận những mạng này, như trường hợp trên Telegram, ý định quay đầu lại sẽ giảm, nguy cơ tập hợp thành đội ngũ sẽ tăng lên.
Thay đổi chiến thuật
Tin nhắn cá nhân của những kẻ ủng hộ IS được chuyển qua các “cộng đồng” trên mạng xã hội truyền thống, sau đó chuyển sang sử dụng tin nhắn cá nhân. Từ đó, chúng trao đổi với nhau liên kết để tìm ra nhau trên mạng Telegram hay trong các nhóm thảo luận được bảo mật. Đây chính là diễn đàn để soạn thảo các kế hoạch tấn công.
Sau vụ khủng bố giết hại một cha xứ trong nhà thờ ở thị trấn Saint-Etienne-du-Rouvray, Pháp, người ta đã phát hiện ra một gương mặt Thánh chiến người Pháp có tên Rachid Kassim. Tên này tự giới thiệu là người đã đưa ra mệnh lệnh giết hại vị tu sĩ, y đã tiếp xúc với nhiều thanh niên Pháp khác qua mạng Telegram để kích động họ hành động tương tự.
IS với những lời kêu gọi đẫm màu bạo lực |
Được coi là một “cốt cán cấp trung” của IS tại Syria, Rachid Kassim dường như nắm trong tay một lộ trình do cấp trên của y trao cho và có thẩm quyền nhất định trên Telegram. Ngày 12/8, y đã yêu cầu các “ứng cử viên” sẵn sàng tấn công cảm tử tại Pháp:
“Đừng thông báo gì với cả nhóm (trên mạng), đó là cách tốt nhất để thành công, hãy bí mật chuẩn bị. Trước khi tấn công, hãy gửi cho tôi một video cùng với một phác thảo kế hoạch và một tuyên thệ trung thành với IS”.
Ngày 18/8, y kêu gọi những kẻ đi theo tiến hành các vụ tấn công một cách sơ đẳng nhất: “Công tác chuẩn bị có thể kéo dài năm chục năm. (…) Không, chỉ vài ngày thôi. Nếu như các anh không có những gì cần thiết, hãy lấy một con dao. (…) Người ta nói rằng các anh đợi khi nào có đủ áo chống đạn và súng M16. (…) Không, tôi muốn nói với những con sư tử đơn độc. (…). Cần phải tích cực hơn”.
Ngày 14/8, Rachid Kassim đưa lên mạng Telegram một đoạn thông điệp để khuyến khích những người còn chần chừ: “Nếu ta không có dấu hiệu gì đặc biệt và không phải là người bị chú ý về mặt tôn giáo, liệu ta có thể tấn công nước Pháp không? Hãy biết rằng những người không có dấu hiệu gì đặc biệt là những người có sức mạnh lớn nhất (…) Liều thuốc tốt nhất cho những kẻ ngoại đạo, đó là Thánh chiến”.
Xu hướng “đặt hàng khủng bố” qua mạng xã hội không phải là một hiện tượng mới, cũng không phải là một đặc thù của Pháp.
Một phần tử khủng bố người Anh, tên Junaid Hussain, đã bị nêu tên trong một số điều tra liên quan đến âm mưu khủng bố mà ban đầu được cho là do “những con sói đơn độc” thực hiện tại Mỹ, như vụ xả súng ngày 4/5/2015 tại Texas trong một cuộc thi vẽ tranh biếm họa về Nhà tiên tri Mohammed. Lầu Năm góc tuyên bố đã tiêu diệt y vào tháng 8/2015.
Abu Qatada, một phần tử người Đức mới chuyển sang đạo Hồi hiện nay giữ vị trí cấp cao trong Trung tâm truyền thông al-Hayat, tháng 12/2014 đã tiếp nhà báo Jürgen Todenhöfer.
Nhà báo này sau đó đã viết một cuốn sách nhan đề “Hành trình vào trung tâm khủng bố”, xuất bản tháng 4/2016. Abu Qatada là kẻ đã cố gắng kích động thanh niên Đức tham gia Thánh chiến, nhưng cho tới nay chưa có kết quả.
Với việc liên quân quốc tế tăng cường tấn công, nhánh truyền thông của IS cũng bị ảnh hưởng và thay đổi. Tuy nhiên, tất cả các nước vẫn cần hết sức cảnh giác, phát hiện sớm những cách thức tuyên truyền, kêu gọi của IS để sẵn sàng và kịp thời đối phó....