Tỷ lệ sai sót của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ không quá 1%

(PLVN) - Chiều 9/6, thảo luận tại tổ về dự án Luật Cư trú (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An) nhấn mạnh Bộ Công an đang chỉ đạo rất quyết liệt việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cả nước mới làm được 18 triệu số định danh là do làm thận trọng, kiểm tra đối soát liên tục để tỷ lệ sai sót không quá 1%. 
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu phát biểu về dự án Luật Cư trú (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu phát biểu về dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Theo Đại biểu Cầu, trong các đối tượng quản lý thì quản lý con người là khó nhất với nhiều thông tin liên quan. Đã khó như vậy rồi mà thời gian qua, ta lại quản lý bằng biện pháp thủ công là sổ hộ khẩu. 

Quá trình xã hội ngày càng dân chủ thì quyền tự do cư trú, quyền công dân càng được nâng lên. Cho nên, lần này sửa đổi Luật, có 3 mục tiêu rất lớn đã được quán triệt là áp dụng công nghệ 4.0 để thay cho quản lý thủ công như hiện tại.

Theo quy định, số định danh cá nhân có 33 trường thông tin, trong đó có 22 thông tin về công dân, còn lại là thông tin liên quan đến nghiệp vụ ngành Công an quản lý tiền án, tiền sự. 

Ông Cầu khẳng định: "Đây là xu hướng quản lý chung của cả thế giới và khi người ta không cần công dân phải có bất kỳ giấy tờ nào cả, chỉ cần xuất trình số định danh cá nhân là biết công dân ở đâu, quá khứ hoạt động như thế nào… Như vậy, có thể nói chuyển từ phương thức quản lý thủ công sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ số là điều tất yếu chúng ta phải làm".

Mục tiêu thứ hai, chúng ta tập trung cải cách hành chính, phục vụ tốt nhất nhu cầu, lợi ích chính đáng của người dân, không được gây phiền hà cho dân. Cho nên, sửa đổi Luật là để thực hiện nhiệm vụ này.

Ở Nghệ An đã quét toàn bộ dữ liệu của hơn 3,4 triệu dữ liệu dân cư Nghệ An vào, trích xuất được ngay. Vừa qua, đã kiểm tra 1,5 triệu dữ liệu thì sai số của Nghệ An là 3,9%, ít nhất toàn quốc, khi có nơi còn sai số đến 37%.

Cho nên, cần tiếp tục rà soát và Bộ Công an phấn đấu đến cuối năm 2020, cơ bản xong toàn bộ đối soát, đẩy lên trên mạng để chạy thử.

Thứ ba, trên thực tế có nhiều quy định của Luật Cư trú hiện hành đã bộc lộ bất cập mà cuộc sống vẫn xảy ra. Hiện chỉ 5 thành phố trực thuộc Trung ương thì có tới hơn 100 nghìn người không có sổ hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng vẫn đang sinh sống, đương nhiên họ vẫn làm việc bình thường còn quản lý được họ không là công việc của Nhà nước. Vì vậy, sửa đổi để khắc phục bất cập, tồn tại này.

Cả nước đã làm được 18 triệu số định danh

Riêng đối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ông Cầu cho hay, Bộ Công an đang chỉ đạo rất quyết liệt. Trong chỉ đạo của Bộ đã giao cho Giám đốc, Trưởng Công an huyện tập trung vào nhiệm vụ này. 

Cả nước đã làm được 18 triệu số định danh, còn khoảng 80 triệu đang tiếp tục làm. Trong quá trình lập, tỷ lệ sai sót khá nhiều. Lập cho đủ 33 trường thì cái khó ở chỗ trước đây, nhiều người thay đổi tên họ, năm sinh nên kiểm tra đối soát rất lâu. Khi đưa vào Cơ sở dữ liệu, tinh thần của Bộ Công an là cho phép sai sót nhưng không được quá 1% nên phải kiểm tra đối soát liên tục.

Tuy nhiên, ông Cầu chia sẻ, trong quá trình kiểm tra, phát sinh 3 khó khăn. Đầu tiên là kinh phí cho vấn đề chuyển đổi. 

Hai là chủ trương đưa công an chính quy về xã đã hoàn thành, hiện lực lượng công an xã phải đi từng nhà, rà từng ngõ, đối soát cho được, mỗi xã có 3 đồng chí và Bộ quy định ở xã nào để sai số lớn thì Trưởng Công an xã phải chịu trách nhiệm. Tương tự là trách nhiệm của Trưởng Công an huyện, tỉnh.

"Quy trách nhiệm rất rõ như vậy nhưng khi công an về tập hợp thông tin ở khu dân cư, thôn bản thì kể cả sổ hộ khẩu, lý lịch, đặc biệt là vùng miền núi dân tộc, thông tin rất khó tập hợp, thậm chí con cái sinh ngày tháng năm nào cũng không nhớ, khiến anh em rất vất vả" - ông Cầu cho biết.

Ba là đảm bảo chính xác, sai số ở mức thấp nhất khi cập nhật thông tin công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đọc thêm