Theo TS.BS Trần Đăng Khoa - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em cho biết, tỷ suất tử vong sơ sinh trên 1.000 trẻ đẻ sống của Việt Nam theo ước tính của Liên Hợp quốc là 9,96.
Cũng theo lãnh đạo Cục Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em, thực tế đang có sự chênh lệch giữa các vùng miền và nhóm dân tộc về công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, phòng, chống suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em. Theo Tổng cục Thống kê, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở nông thôn nước ta cao gần gấp 2 lần thành thị. Điều tra dân tộc năm 2019 cũng cho thấy, tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở một số dân tộc thiểu số (DTTS) gấp 2,5 lần con số toàn quốc.
Nguyên nhân của tình trạng này là do điều kiện nhân lực (thiếu cán bộ chuyên môn sản, nhi...); cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu; năng lực về cấp cứu sản khoa, sơ sinh còn hạn chế ở những vùng khó khăn; ở đồng bào DTTS, công tác duy trì đội ngũ cô đỡ thôn bản gặp khó khăn do y tế thôn bản/cô đỡ thôn bản không còn được hưởng phụ cấp, gây khó khăn trong chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh; nhận thức, hành vi của người dân về chăm sóc thai và sinh đẻ an toàn còn hạn chế.
Để tăng cường khả năng tiếp cận của đồng bào DTTS với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng bà mẹ trẻ em, góp phần đạt mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, “Tuần lễ làm mẹ an toàn năm 2023” (từ ngày 1/10 - 7/10/2023) với chủ đề “Làm mẹ an toàn - Sức khoẻ cho mẹ, tương lai cho bé” được triển khai tại 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2023.
“Tuần lễ làm mẹ an toàn” đề ra chỉ tiêu, mỗi trạm y tế xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi tổ chức được ít nhất một hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn; cung cấp thông tin về làm mẹ an toàn; vận động, cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan thông tin đại chúng, đặc biệt là các cơ quan tuyên truyền ở cấp huyện, xã đều có tin, bài về làm mẹ an toàn.