Úc: Trẻ vị thành niên bị tra tấn dã man trong Trung tâm giam giữ

(PLO) - Trong tuần qua, dư luận quốc tế đang rúng động trước những đoạn video mà hãng ABC News đã phát sóng trên chương trình Four Corners, trong đó một trẻ vị thành niên phạm pháp ở Trung tâm Giam giữ trẻ vị thành niên Don Dela, nằm ở phía Bắc nước Úc, đã bị những người quản giáo giam nhốt ở một khu biệt lập để đánh đập, lột quần áo, sau đó bị bắt ngồi và trói hai tay vào ghế, đầu bị trùm kín trong hàng giờ đồng hồ.
Hình ảnh thiếu niên Úc bị tra tấn trong trung tâm giáo dưỡng phía Bắc Úc

Tra tấn dã  man

Theo BBC, những đoạn video này được quay từ hồi năm 2014-2015 nhưng đến bây giời mới được công bố. Hình ảnh thiếu niên tên Dylan Voller, 17 tuổi, trong đoạn video là vào năm 2015, đã thu hút sự chú ý của nhiều người và đang bị lên án gay gắt vì bị cho là hành động thiếu nhân đạo và quá dã man đối với một thiếu niên.

Không chỉ thế, trước đó, từ khi Dylan Voller mới chỉ 11 tuổi, cậu đã phải trải qua nhiều năm bị bạo hành. Những hình động tra tấn mà những người quản giáo thường hay làm đối với cậu là: lột quần áo, bị quăng xuống đất, xịt hơi cay, đánh đập dã man, nhốt trong khi biệt giam, còng tay chân... 

Được biết, Lãnh thổ Bắc Úc là một trong những nơi có tỷ lệ tội phạm cao nhất ở Úc, và tù nhân tuổi vị thành niên chiếm 2/3 tổng số tù nhân tại đây. Thanh niên Dylan Voller cũng nằm trong số đó, bị bắt vào trung tâm giam giữ trẻ vị thành niên vì tội ăn cắp xe và tấn công người có mục tiêu. Cậu bé đã rất nhiều lần bị đưa đến phòng biệt giam và bị đánh đập và trói trên chiếc ghế.

Không chỉ có Dylan Voller, nhiều đoạn video của ABC News còn cho thấy các quản giáo ép những nam tù nhân tuổi vị thành niên đều bị bạo hành, cởi hết quần áo, xịt hơi cay và giam họ vào trong khu biệt giam trong nhiều tuần liền, có khi đến tận 17 ngày mà không có nước sinh hoạt, không có ánh sáng.

Ngoài ra, mặc dù đa số tù nhân luôn tuân thủ mệnh lệnh vì sợ sẽ bị đánh đập, tra tấn tàn bạo, nhưng họ vẫn bị xịt hơi cay. Trong một đoạn video năm 2014, các tù nhân chạy đến phía cuối phòng giam để cố hít thở vì liên tục bị quản giáo trại giam liên tục xịt hơi cay.

Chính phủ lên tiếng 

Hãng tin CNN mô tả, những hình ảnh nói trên không khác gì phong cách tra tấn tại nhà tù Vịnh Guantanamo của Mỹ. Luật sư John Lawrence trả lời phỏng vấn chương trình Four Corners. “Chúng ta đang nói về những đứa trẻ bị xích chân, tay và thắt lưng. Chúng đang bị xích vào ghế. Điều này thực sự đang diễn ra tại Úc vào năm 2016”. 

Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull ngày 26/7 cho biết, ông đã “bị sốc” khi xem những đoạn video phát bởi hãng ABC. “Giống như toàn thể người dân Úc, tôi hoàn toàn bị sốc bởi những hình ảnh cho thấy sự ngược đãi trẻ em tại Trung tâm Don Dale”.

Thủ tướng Turnbull cho hay chính phủ sẽ sớm phối hợp với chính quyền Lãnh thổ Bắc Úc thành lập một ủy ban điều tra vụ việc này.“Chúng ta cần một cuộc điều tra thấu đáo, cần phải hành động nhanh chóng để tìm hiểu chân tướng vụ việc và phơi bày văn hóa cho phép và che đậy những hành động như thế này xảy ra trong khoảng thời gian quá dài”. 

Không chỉ Thủ tướng Turnbull, bà Elaine Pearson, Giám đốc Văn phòng Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW, Mỹ) ở Úc ngay sau khi xem xong đoạn video cũng cho biết: “Sử dụng vũ lực quá mức, cô lập và còng tay chân trẻ vị thành niên là hành động hèn hạ và vô nhân đạo”. Luật sư HRW Ruth Barson cũng cho biết, biệt giam trẻ vị thành niên là vi phạm Công ước Liên Hợp quốc về phòng chống tra tấn.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Úc Gillian Triggs, chính phủ cần mở cuộc điều tra và buộc tội hình sự những kẻ vi phạm. Một số chính trị gia Úc cũng bày tỏ sự phẫn nộ sau khi xem chương trình “Four Corners”. Nghị sĩ Sarah Henderson viết trên mạng xã hội Twitter rằng hành động lạm dụng trẻ em tại Trung tâm Don Dale đã lên tới “mức độ tra tấn”. “Những người có trách nhiệm phải bị trừng trị về tội ác này”, bà Henderson nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trước sự việc trên, Bộ trưởng lãnh thổ phía Bắc Adam Giles lại đổ lỗi cho cơ sở cải huấn nói trên nhưng vẫn lên tiếng bênh vực cho các nhân viên đang làm việc tại trung tâm như Don Dale rằng:  “Họ đang làm một công việc mang tính thách thức và khó khăn, một công việc mà không phải ai cũng muốn làm và ai cũng làm được. Tôi muốn nói với những nhân viên này: ‘Tôi sẽ hỗ trợ hết mình cho các bạn vì đã làm công việc giữ gìn  luật pháp của đất nước này”.

Đóng cửa trung tâm 

Ngay sau khi hãng ABC phát những đoạn video, thiếu niên Dylan Voller đã viết một lá thư và được luật sư của anh công bố, Dylan Voller  cảm ơn đài ABC đã bóc trần sự thật khủng khiếp này. Được biết, đến tháng 8/2016 anh sẽ được trả tự do và sống đúng nghĩa như một con người. 

Cách đây hai năm, một nhóm luật sư Úc đã đến thăm Trung tâm Don Dale và vô tình phát hiện tù nhân bị biệt giam và tra tấn. Sau đó đài ABC vào cuộc, thu thập chứng cứ để thực hiện một cuộc phóng sự điều tra. Sau khi ABC phơi bày vụ bê bối này trong tuần qua, Trung tâm Don Dale bị đóng cửa và tất cả tù nhân vị thành niên được chuyển sang một nhà tù khác dành cho người trưởng thành. Không những thế, sự vụ đã khiến cho Quyền Thủ hiến John Elferink Vùng Lãnh thổ Bắc Úc bị buộc phải từ chức khỏi vị trí của mình. 

Hãm hiếp tân binh trong quân đội 

Không chỉ rúng động trước sự vụ trên. Được biết, cách đây khoảng 1 tháng , chính phủ Úc cũng đã điều tra về một vụ lạm dụng tình dục trẻ em khác. Sự vụ này là hàng loạt những tân binh trong các doanh trại quân đội bị những lính cũ lạm dụng, hãm hiếp như một phần của “lễ nhập môn”.

Theo hãng tin CNN, trong một cuộc điều tra, người ta đã phát hiện ra rằng, kể từ năm 1960, các thiếu niên nhập học tại các trường quân đội ở Úc đều bị các nhân viên cưỡng hiếp hoặc bị ép hãm hiếp lẫn nhau.

Ủy ban Điều tra Nạn lạm dụng tình dục trẻ em Hoàng gia Úc cho biết, lời khai xác thực từ những người đàn ông lẫn phụ nữ, họ bị lạm dụng tình dục khi họ mới chỉ có 15 tuổi, khi mới nhập ngũ tại các đơn vị của lực lượng quốc phòng Úc.

Đặc  biệt, cuộc điều tra cũng đã tập trung vào những cáo buộc của Trung tâm đào tạo hải quân HMAS Leeuwin ở bang Tây Úc và Trường quân đội Balcombe ở bang Victoria trong những năm 1960-1980 cũng như tại lực lượng quốc phòng Úc kể từ năm 2000.

Được biết, tất cả có 111 nạn nhân trong sự vụ này. 10 người đã nói rằng họ sẽ đưa ra những bằng chứng xác thực, đầy thuyết phục để chứng minh lời nói của mình và phục vụ cho cuộc điều tra tại Sydney.  

Khi được hỏi, một người đàn ông giấu tên đã tỏ ra rất phẫn nộ: “Rất nhiều lần tôi bị những binh lính lớn tuổi hơn lôi ra khỏi giường lúc nửa đêm và bị kéo đến khu thể thao bầu dục. Kinh khủng hơn là khi họ ép tôi phải hãm hiếp những tân binh khác, nếu không người bị các binh lính và nhân viên cưỡng hiếp sẽ là tôi”. 

Theo Luật sư Angus Stewart, người cố vấn cho cuộc điều tra cho biết các tân binh bị những lính cũ hãm hiếp và hành hạ nhằm sỉ nhục, phủ đầu và “phân thứ bậc” trong doanh trại. Những tân binh bị làm nhục bằng các hình thức như dùng chổi cứng quét xi đánh giày hoặc kem đánh răng lên vùng kín, bị bóp bộ phận sinh dục trong lúc tắm. Tồi tệ hơn, có những người bị nhét đầu vào bồn cầu và xả nước, hoặc bị lính cũ bạo hành tình dục bằng các hình thức như ép thủ dâm, quan hệ bằng miệng hoặc bằng hậu môn.

Cũng theo lời kể của một nạn nhân khác, ông Graeme Frazer hiện đã 65 tuổi nhưng những ký ức kinh hoàng trong 6 tháng ở trại Leeuwin mà ông phải trải qua có lẽ là nỗi đau chưa bao giờ hết nguôi ngoai, ông nói với các nhà điều tra: “Vào năm 1976, 16 tuổi tôi nhập ngũ, tôi đã vô cùng sợ hãi khi bị 3 tân binh khác dùng vòi hoa sen đánh đập, sau đó cưỡng hiếp. Một trong 3 kẻ đó đã cố gắng bắt ép tôi phải quan hệ bằng đường miệng, không những thế chúng còn dùng cả bàn chải cứng kỳ cọ vào bộ phận sinh dục của tôi. Đó là những ký ức tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi, cho đến giờ phút này tôi vẫn cảm thấy xấu hổ về việc bị lạm dụng, có những lúc còn bị mắc chứng trầm cảm”. 

Trả lời phỏng vấn CNN, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Úc cho biết: “Chúng tôi đã hợp tác với Ủy ban Hoàng gia nhằm bảo vệ quyền lợi cho trẻ em. Chúng tôi ghi nhận và tuyên dương sự dũng cảm của những người dám kể lại câu chuyện đau khổ của cá nhân suốt phiên điều trần. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng sẽ không bình luận chi tiết về vấn đề này trước khi Ủy ban Hoàng gia lên tiếng”.

Có thể nói, đây là cuộc điều tra thứ hai nhằm vào quân đội Úc trong 5 năm qua. Các nhà điều tra sẽ thông qua lời khai và tìm kiếm bằng chứng từ các nạn nhân cũ và hiện tại, đồng thời sẽ kiểm tra giải quyết khiếu nại và yêu cầu đòi bồi thường từ các nạn nhân.