Ứng cử viên duy nhất được đề cử cho vị trí Tổng giám đốc WHO

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, người đã chỉ đạo phản ứng toàn cầu đối với đại dịch COVID-19, sẽ chắc chắn phục vụ nhiệm kỳ 5 năm thứ hai với tư cách là người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sau khi là ứng cử viên duy nhất được 28 quốc gia đề cử.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus có bài phát biểu trong buổi lễ đánh dấu việc khởi công xây dựng Học viện Tổ chức Y tế Thế giới ở Lyon, miền đông nước Pháp ngày 27/9/2021. Ảnh: AFP
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus có bài phát biểu trong buổi lễ đánh dấu việc khởi công xây dựng Học viện Tổ chức Y tế Thế giới ở Lyon, miền đông nước Pháp ngày 27/9/2021. Ảnh: AFP

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao và Y tế của Ethiopia được bầu làm Tổng giám đốc WHO vào tháng 5/2017 và là người châu Phi đầu tiên giữ cương vị này.

"WHO có thể thông báo rằng một ứng cử viên duy nhất đã được các quốc gia thành viên đề xuất trước hạn chót ngày 23/9/2021: Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc đương nhiệm", WHO cho biết trong một tuyên bố. Các đề cử được giữ bí mật để hạn chế việc vận động kéo dài.

Trước đó, cơ quan này đã gửi thư tới các quốc gia thành viên thông báo về các đề cử bí mật được đựng trong các phong bì niêm phong đã nộp trước thời hạn.

Một nguồn tin châu Âu, khi được hỏi liệu vụ bê bối ở Congo có thể ảnh hưởng đến việc tái đắc cử của ông Tedros hay không, cho biết: "Không. Cá nhân ông ấy đang thực hiện các bước và biện pháp đúng đắn. Miễn là không có mối liên hệ trực tiếp nào với ông ấy".

Một đại sứ châu Phi tại Geneva, từ chối xác định danh tính, cho biết: “Tiến sĩ Tedros đã làm rất tốt công việc đối phó với một trận đại dịch nghiêm trọng như COVID-19. Ông ấy đã cố gắng đóng góp trong khả năng và nguồn lực của WHO và thực hiện việc phân phối vaccine công bằng hơn ở cấp độ toàn cầu".

Các bộ trưởng y tế từ 194 quốc gia thành viên của WHO cũng sẽ tổ chức một cuộc họp đặc biệt vào tháng 11 trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng đối với việc cải tổ theo cách xử lý của tổ chức đối với đại dịch.

Phương án rõ ràng cho cuộc bầu cử Tổng giám đốc WHO vào tháng 5 diễn ra ngay cả khi Ủy ban châu Âu đình chỉ tài trợ cho các chương trình của WHO tại Cộng hòa Dân chủ Congo vì một vụ bê bối lạm dụng tình dục lớn.

Trong vụ bê bối này, khoảng 83 nhân viên cứu trợ, một phần tư trong số họ do WHO tuyển dụng, đã tham gia vào việc bóc lột và lạm dụng tình dục trong đợt dịch Ebola 2018-2020 của Congo, một cuộc điều tra độc lập cho biết vào tháng trước.

Ủy ban châu Âu đã thông báo cho WHO vào ngày 7/10 rằng họ đã ngay lập tức đình chỉ tài trợ cho các chương trình của Congo do lo ngại về việc xử lý vụ bê bối lạm dụng tình dục. Ông Tedros đã đến Congo 14 lần trong thời gian xảy ra dịch bệnh nhưng ông không hề hay biết về những cáo buộc này.

Người phát ngôn của WHO Margaret Harris cho biết: “Chúng tôi đã nhận được lá thư của (EU) và hiện chúng tôi đang xem xét phản hồi".

Đọc thêm