Ứng dụng công nghệ thông tin trong cảnh báo thiên tai

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đó là ý kiến được đưa ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai diễn ra hôm qua (1/12) trong bối cảnh mưa lũ, sạt lở diễn ra phức tạp tại khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên và Tây Nguyên.
Mưa lũ gây thiệt hại tại miền Trung nhiều ngày qua.
Mưa lũ gây thiệt hại tại miền Trung nhiều ngày qua.

Sẵn sàng phương tiện, lực lượng, ứng phó kịp thời

Tại cuộc họp, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT) Nguyễn Đức Quang cho biết, trong nhiều ngày qua, khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên và Tây Nguyên có mưa phổ biến 300 - 500mm. Khu vực Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Nam Tây Nguyên có mưa rào và dông rải rác; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông. Lũ trên các sông ở Quảng Ngãi xuống mức báo động 1, báo động 2, các sông từ Bình Định đến Khánh Hòa tiếp tục xuống chậm và duy trì ở mức cao. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Tại cuộc họp, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT Lê Minh Hoan đề nghị các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai tổ chức lực lượng để canh gác tại các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập lụt, chia cắt khi có lũ; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục, đảm bảo giao thông; kiểm tra và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công, các hồ chứa đã đầy nước; tổ chức đoàn kiểm tra, chỉ đạo tại cơ sở; sơ tán người dân khu vực ngập lụt đến nơi an toàn; chủ động vận hành liên hồ chứa để đảm bảo an toàn công trình và hạ du...

Đặc biệt, cần ứng dụng công nghệ thông tin như chuyển đổi số trong cảnh báo thiên tai; tăng cường nắm bắt tình hình từ thượng nguồn đến hạ lưu... Các bộ, ngành phối hợp thông tin kịp thời về tình hình mưa lũ; chuẩn bị xây dựng đề án trình Chính phủ như: Hỗ trợ nhà ở cho đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt, kế hoạch xin tài trợ của các tổ chức nước ngoài trong PCTT…

Kết luận cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT Trần Quang Hoài kiến nghị, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Gia Lai, Đắk Lắk triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT về việc chủ động triển khai biện pháp ứng phó mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân và công trình cơ sở hạ tầng. Đồng thời tiếp tục triển khai theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và ứng phó với thời tiết nguy hiểm trên biển; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Ngoài ra, các địa phương nên xem xét phương án cho học sinh tiếp tục nghỉ học nhằm đảm bảo an toàn; khôi phục sản xuất nông nghiệp; kiểm tra tình hình nhà dân bị ngập sâu ảnh hưởng tới sinh hoạt; đặc biệt chú trọng đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn phòng, chống dịch sau khi lũ rút.

Chủ động sơ tán người dân tại chỗ

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT cho biết, tính đến ngày 1/12, mưa lũ đã làm 59.739 nhà bị ngập (Bình Định 31.100, Phú Yên 28.639), 4.704 hộ bị chia cắt (Tuy An, Phú Yên) có nơi ngập sâu từ 1-2m. Các địa phương đã tiến hành sơ tán dân tại chỗ 6.030 hộ.

Còn theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, tính đến ngày 1/12, mưa lũ đã làm 10 người chết và mất tích (Bình Định 03 người, Phú Yên 06 người, Kon Tum 01 người). Ðợt mưa lớn liên tục trong những ngày qua khiến nhiều khu vực ở các tỉnh miền Trung: Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa… bị ngập sâu, nhiều công trình thủy lợi, đường giao thông bị hư hỏng nặng; nhiều khu dân cư bị chia cắt,…

Tại Phú Yên, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh này đã điều động 450 cán bộ, chiến sỹ, 10 ca nô cùng các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn tham gia hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn và sơ tán dân trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố ngay trong đêm 30/11. Các lực lượng Công an, cán bộ Mặt trận, đoàn thể và chính quyền các địa phương Sơn Hòa, Sông Hinh, Phú Hòa, Tuy An và thành phố Tuy Hòa triển khai sơ tán khoảng 5.517 hộ với 18.535 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Tại Bình Định, trong sáng 1/12, lượng mưa đã giảm nhưng nước lũ trên các sông vẫn đang tràn về khiến cho nhiều tuyến tỉnh lộ bị chia cắt, cô lập nhiều khu dân tại huyện Tuy Phước. Lực lượng chức năng huyện này phải dùng ca nô để hỗ trợ nhu yếu phẩm đến người dân bị cô lập trong nước lũ nhiều ngày qua. Nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ lương thực cho người dân trong xã; trong đó, nhiều người già, neo đơn đã được hỗ trợ kịp thời, đảm bảo an toàn.

Không được để người dân đói, rét do mưa lũ

Ngày 30/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có Công điện về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ gửi Chủ tịch UBND các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk; Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các Bộ: NN&PTNT, Công Thương, GTVT, TN&MT, Quốc phòng, Công an.

Theo Công điện, trong những ngày qua tại khu vực các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã liên tiếp xảy ra mưa lớn kéo dài; nhiều nơi đã xảy ra ngập lụt sâu, sạt lở đường, gây chia cắt giao thông, một số người dân đã bị nạn do lũ cuốn, hàng chục nghìn hộ dân bị ảnh hưởng do ngập lụt.

Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình có người bị nạn do thiên tai, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng lũ.

Trong những ngày tới, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất có thể còn tiếp tục xảy ra. Vì vậy, Thủ tướng phủ yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả và khắc phục hậu quả mưa lũ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước. Chủ tịch UBND các tỉnh tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, sạt lở, chỉ đạo cơ quan chức năng và lực lượng phòng, chống thiên tai tại cơ sở kiểm tra, rà soát, kịp thời tổ chức sơ tán khẩn cấp người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, nhất là tại những khu vực bị ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét. Trong đó cần lưu ý công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân ở nơi sơ tán tập trung, không để người dân đói, rét. Hà Sơn

Đọc thêm