Gánh nặng lên quỹ BHYT ngày càng gia tăng
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam khẳng định: Đánh giá công nghệ y tế và đánh giá tác động ngân sách trong lĩnh vực thuốc, vật tư y tế, dịch vụ y tế (VTYT, DVYT) có vai trò quan trọng trong cung cấp thông tin để xây dựng chính sách BHYT trong việc xác định danh mục, cơ chế thanh toán phù hợp, và hiệu quả; bước đầu đã được ứng dụng trong xây dựng danh mục thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) theo Thông tư số 30/2018/TT-BYT; ứng dụng trong đàm phán giá thuốc trong năm 2021 - 2022.
Theo ông Hòa, hiện nay, quyền lợi khám chữa bệnh (KCB) của người bệnh BHYT ngày càng được mở rộng với nhiều loại thuốc mới, DVKT mới và VTYT chất lượng, đem lại nhiều cơ hội trong khám, điều trị của người bệnh BHYT. Ví dụ các loại khớp gối có giá dao động từ 35,182 triệu đồng tới 400 triệu đồng; Khớp háng bán phần có giá dao động từ 30 triệu đồng tới 119 triệu đồng,…; nhiều loại thuốc chi phí điều trị cao, giá thành vài chục triệu/đơn vị hoặc chi phí điều trị cho một người bệnh lên tới hàng trăm triệu đồng...
Chia sẻ tác động chung của tổng chi phí KCB BHYT lên quỹ BHYT ngày càng “căng”, ông Hòa khẳng định: “Để đảm bảo chính sách BHYT phát triển bền vững, cần phải xác định danh mục, phạm vi thanh toán thuốc, VTYT, DVKT hiệu quả, an toàn, đảm bảo chất lượng trong điều trị, phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT; việc mua sắm hiệu quả và lựa chọn sử dụng cho người bệnh hợp lý, hiệu quả cần được quan tâm”.
Đồng quan điểm, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc Điều hành Khu vực ASEAN Hội đồng USABC, nhấn mạnh: Y tế hiện là một trong 3 nội dung ưu tiên chính sách mà USABC đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và cũng là lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu cấp bách đổi mới, có các cách tiếp cận mới, tạo ra đột phá... “Rất mừng là một trong các đối tác của chúng tôi là BHXH Việt Nam thời gian qua đã luôn đi theo hướng này, có những cải cách cởi mở với tinh thần cầu thị cao, sẵn sàng học tập kinh nghiệm quốc tế và khu vực...”, ông Thành đánh giá.
|
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Chia sẻ về thực trạng chi trả thuốc, VTYT theo chế độ BHYT, bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết: Từ năm 2016, quỹ BHYT bắt đầu xuất hiện dấu hiệu “âm” cục bộ trong năm, khi số chi KCB BHYT cao hơn hơn số thu. Trong 2 năm 2020 - 2021, số thu BHYT cao hơn số chi, nhưng lại được đặt trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến người dân chỉ đến cơ sở y tế khi thật sự cần thiết.
Tuy nhiên, sang năm 2022 khi dịch COVID-19 cơ bản được khống chế, Việt Nam đang đối diện với tình trạng chi phí KCB BHYT trở lại quỹ đạo trước đây... Đáng chú ý, trong cơ cấu chi phí KCB, tiền thuốc từng chiếm trên 60% tổng chi, chỉ sau khi thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí KCB, chi phí thuốc đã giảm về tỷ lệ trong cơ cấu chi phí, nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất. Năm 2020 - 2021 tiền thuốc chiếm 34.8% trong tổng chi phí KCB, trong những tháng đầu năm 2022 chiếm 34,2%...
Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, thách thức đặt ra trong quản lý quỹ BHYT tại Việt Nam hiện nay là sự mất cân đối quỹ BHYT ngày càng tăng khi nguồn thu quỹ BHYT hạn chế (mức đóng vẫn chưa thể điều chỉnh phù hợp với thực tế), trong khi gánh nặng lên quỹ BHYT ngày càng gia tăng bởi nhiều yếu tố. Đó là tình trạng già hóa dân số, mô hình bệnh tật thay đổi, nhu cầu KCB tăng, gia tăng bệnh nặng chi phí cao; xuất hiện nhiều thuốc và VTYT, phương pháp điều trị mới với chi phí cao; giá thuốc, VTYT biến động, chênh lệch và sự lựa chọn sử dụng của cơ sở y tế.
Hiệu quả của ứng dụng HTA tại Việt Nam
Chia sẻ về thực tiễn ứng dụng HTA tại Việt Nam, TS.Nguyễn Khánh Phương, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) đánh giá: ứng dụng HTA trong xây dựng chính sách y tế tại Việt Nam đã cho thấy nhiều chuyển biến khả quan. Đáng chú ý là việc nâng cao nhận thức và nhu cầu sử dụng bằng chứng HTA, cũng như kết nối với hoạt động xây dựng chính sách. Ứng dụng bằng chứng HTA được sử dụng khi Bộ Y tế ban hành Quyết định 5315/QĐ-BYT về nguyên tắc, tiêu chí bổ sung thuốc mới vào danh mục thuốc BHYT.
Quyết định này yêu cầu bằng chứng về tác động ngân sách là một tiêu chí chung, bắt buộc đối với thuốc mới; yêu cầu bằng chứng về chi phí - hiệu quả, hiệu quả lâm sàng, chi phí điều trị. Tiếp đến, trong Bộ tiêu chí đàm phán giá thuốc biệt dược gốc, yêu cầu thuốc đàm phán giá có nghiên cứu chứng minh chi phí hiệu quả tại Việt Nam với ngưỡng chi trả 1-3 GDP và đã được công bố trên các báo, tạp chí, tài liệu được tính điểm.
Bên cạnh đó, các hoạt động HTA cũng đã mở rộng sự tham gia của các bên, không chỉ có sự tham gia của Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, các chuyên gia lâm sàng, mà còn thu hút các cơ sở y tế, chuyên gia quốc tế, các Cty đa quốc gia và các đơn vị nghiên cứu. Việt Nam cũng đã thành lập mạng lưới HTA; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, tham vấn và kết nối; nâng cao năng lực thực hiện HTA và bước đầu thiết lập cơ sở hạ tầng cho HTA.
Theo TS Phương, nhu cầu thực tiễn đối với HTA trong xây dựng chính sách hướng tới đáp ứng các mục tiêu chính: nâng cao chất lượng y tế; mua sắm thuốc/thiết bị y tế; điều chỉnh phạm vi danh mục thuốc và DVYT; và lập kế hoạch, triển khai dịch vụ/chương trình mới. Các mục tiêu này cần được thực hiệp thông qua các thông tin thực tế về sử dụng phù hợp thuốc/can thiệp y khoa; điều chỉnh độ bao phủ dựa trên bằng chứng; so sánh hiệu quả các phương án can thiệp...
Về vấn đề pháp lý ứng dụng HTA. TS. Viva Yan Ma, Giám đốc Chiến lược, quan hệ Công chúng châu Á của Becton Dickinson; cựu Chủ tịch ISPOR Singapore cũng chia sẻ các nghiên cứu điển hình để chứng minh các phương pháp HTA và quy trình ra quyết định chi trả bảo hiểm tại một số quốc gia trên thế giới đối với một số sản phẩm như Stent, cấy ghép chỉnh hình, bóng phủ thuốc, cổng truyền hóa chất trong điều trị ung thư, các sản phẩm truyền tĩnh mạch an toàn, sinh thiết hỗ trợ chân không và chẩn đoán vi sinh cho nhiễm trùng, van động mạch chủ...
Những gợi ý về các mô hình quản lý thiết bị y tế quốc tế và khu vực ASEAN có hiệu quả sẽ là kinh nghiệm quý cho cơ quan BHXH, ngành Y tế làm cơ sở xác định định hướng tiếp cận DVYT, VTYT đảm bảo chính sách BHYT bền vững.