Ứng phó hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long

(PLVN) - Từ ngày 11-13/3, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt mức cao nhất. Hiện tình trạng thiếu nước ngọt xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống dân sinh. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ đợt hạn mặn năm 2016, các địa phương đã chủ động ứng phó từ giữa năm 2019. 
Bộ đội Hải quân dùng tàu vận tải chở nước sinh hoạt cho người dân
Bộ đội Hải quân dùng tàu vận tải chở nước sinh hoạt cho người dân

5 tỉnh công bố tình huống khẩn cấp

Hiện xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ĐBSCL, trừ An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ. Tính đến nay, 5 tỉnh trong vùng gồm: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang và Long An đã công bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn.

Mới đây, tại buổi làm việc với 5 tỉnh trong khu vực ĐBSCL đã công bố hạn mặn, Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ kinh phí cho mỗi tỉnh 70 tỷ đồng để ứng phó hạn mặn như: bơm nước, nạo vét đắp đập tạm, đào ao, kéo dài đường ống, thiết bị lọc nước và hỗ trợ người dân.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang ở mức độ gay gắt và sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của mùa khô. Cụ thể tại các cửa sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây), phạm vi ảnh hưởng sâu nhất từ 100-110km, sông cửa Tiểu, cửa Đại, phạm vi ảnh hưởng sâu nhất khoảng 60km, sông Hàm Luông khoảng 78km, sông Hậu khoảng 70km…

Xâm nhập mặn làm thiệt hại khoảng gần 39.000ha diện tích sản xuất lúa; khoảng 95.600 hộ dân đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt.

Ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn (KTTV) Quốc gia cho biết, các tỉnh ở ĐBSCL tiếp tục chịu ảnh hưởng gay gắt bởi xâm nhập mặn; đặc biệt là đợt xâm nhập mặn từ ngày 7-15/3, nhiều khả năng là thời điểm xâm nhập mặn cao nhất của năm 2020.

“Sau thời điểm này, chúng tôi nhận định, độ mặn có suy giảm nhưng còn duy trì ở mức cao trên sông Cửu Long. Riêng khu vực sông Vàm Cỏ (Long An), sông Cái Lớn (Kiên Giang), vùng Cà Mau độ mặn cao nhất năm có khả năng xuất hiện vào thời kỳ đầu tháng 4 và kéo dài đến hết tháng 4, sau đó giảm dần…”- ông Long cho biết.

Tình hình khô hạn không chỉ gây thiệt hại nhiều diện tích lúa, hoa màu, hàng ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt mà còn gây ra nhiều vụ sạt lở, sụt lún đất rất nghiêm trọng ở vùng ĐBSCL. Ngoài ra, tình trạng khô hạn kéo dài từ cuối năm 2019 đến nay còn làm cho nhiều diện tích rừng ở khu vực ĐBSCL nằm trong tình trạng báo động…

Hạn chế thiệt hại 

Nhờ đúc kết được bài học từ đợt hạn mặn năm 2016 nên năm 2020, tuy hạn mặn gay gắt hơn, nhưng thiệt hại về sản xuất nông nghiệp đã được hạn chế. Từ tháng 6/2019 đến nay, sau những cảnh báo của ngành KTTV, ngành Nông nghiệp, các địa phương vào cuộc chỉ đạo quyết liệt. Tháng 9/2019, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống hạn, mặn, vì thế đến nay, thiệt hại được giảm thiểu. 

Các địa phương vùng ĐBSCL đã tận dụng mực nước lũ thấp, xuống giống vụ Đông Xuân sớm hơn mọi năm, sử dụng giống lúa ngắn ngày nên kịp thu hoạch và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là cây lúa ở vùng có khả năng nhiễm mặn. 

Năm 2020, diện tích lúa bị thiệt hại khoảng 39.000ha, chỉ bằng 9,6% so với năm 2016 (có trên 405.000ha lúa bị thiệt hại). Hiện có khoảng 95.600 hộ dân đang gặp khó khăn trong thời gian diễn ra hạn, mặn về nước sinh hoạt (tổng số hộ dân bị gặp khó khăn năm 2015-2016 là 210.000 hộ). 

Tại Long An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Văn Cảnh cho biết, nhờ chi viện của tỉnh Tiền Giang cho mở các cống Rạch Gốc, Cầu Quán, Quân Thọ để dẫn nước ngọt từ hệ thống Rạch Chanh - Nguyễn Văn Tiếp về vùng Bảo Định, tạo nguồn nước tưới cho trên 10.000ha thanh long.

Cùng với đó, tỉnh Long An tiến hành lắp đặt 16 cống ngăn mặn nằm dọc tuyến quốc lộ 62, triển khai thi công 2 cống và đắp các đập tạm ngăn mặn trên các kênh rạch cắt ngang quốc lộ 62, đã kịp thời ngăn xâm nhập mặn vùng dự án Bắc Đông. Đồng thời, khoanh vùng các khu vực khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, lắp đặt các trạm bơm dã chiến tại các cống đầu mối để bơm tạo nguồn nước vào hệ thống thủy lợi.

Tiền Giang cũng đã xây dựng và vận hành 9 trạm bơm điện làm gia tăng lượng nước lấy qua công trình đầu mối; đồng thời, tổ chức 415 điểm bơm chuyền, thực hiện phân vùng để điều tiết nước cho cây trồng. Riêng về nguồn nước sinh hoạt, ông Lê Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh đã chủ động đắp trên kênh Nguyễn Tấn Thành và 9 đập phụ giữ ngọt khác nên đã bảo vệ được nguồn nước ngọt cung cấp cho 800.000 dân và cấp nước tưới cho hơn 80.000ha đất sản xuất trên địa bàn 2 tỉnh Tiền Giang và Long An.

Tỉnh Tiền Giang đã xây dựng 4 tuyến ống chuyền tải để chuyển nước về khu vực các huyện phía Đông; mở 61 vòi nước công cộng cấp nước miễn phí cho các hộ ở ven biển, ven sông chưa có nước từ trạm cấp nước tập trung.

Tuy nhiên, về lâu dài, các địa phương phải đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tiết kiệm nước cho vùng xâm nhập mặn. Tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư các cống ngăn mặn, chủ động điều tiết, ngăn mặn, trữ ngọt…

Đọc thêm