Ứng xử có văn hóa với môi trường

0:00 / 0:00
0:00
Xả rác bừa bãi, phá hoại rạn san hô, vớt sao biển lên bờ để chụp hình… đều là những hành vi xấu xí của một số người dân, du khách đối với môi trường, để lại hậu quả khó giải quyết đối với các cơ quan chức năng và cộng đồng địa phương.
Phát triển du lịch bằng xe đạp ở Huế cũng là một hình thức nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Phát triển du lịch bằng xe đạp ở Huế cũng là một hình thức nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Xả rác muôn nơi

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, trong 8 tháng đầu năm, ngành Du lịch Việt Nam đón 79,8 triệu lượt khách nội địa và hơn 1,2 triệu lượt khách quốc tế, với tổng thu lên tới 356,6 nghìn tỷ đồng. Ngành Du lịch phục hồi nhanh chóng là một tín hiệu tích cực, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước sau đại dịch. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, hoạt động du lịch cũng gây ra những tác động không nhỏ đến môi trường.

Một biểu hiện không còn quá xa lạ đối với mọi người là tình trạng rác thải ngổn ngang tại những khu vui chơi, du lịch sau mỗi dịp lễ, mùa cao điểm du lịch.

Đơn cử, đoạn bãi sông Kỳ Cùng (Cao Lộc – Lạng Sơn) được cư dân mạng truyền nhau là một bãi bồi rất đẹp với thảm cỏ xanh bao quanh bởi khung cảnh rừng núi, do đó là điểm đến phù hợp với loại hình cắm trại, ăn uống ngoài trời. Sau dịp lễ 30/4 - 1/5, cư dân nơi đây đã phản ánh về việc nhiều du khách sau khi vui chơi đã để lại những bãi rác bên bờ sông với đủ loại túi ni lông, vỏ chai thuỷ tinh, hộp xốp, đồ nhựa…, gây ô nhiễm cho cảnh quan và nguồn nước, ảnh hưởng đến cuộc sống của người bản địa.

Bên cạnh đó, nhiều bãi biển đẹp ở các điểm đến du lịch “nóng” cũng đang phải đối mặt với vấn nạn rác thải nhức nhối trong nhiều năm nay. Đặc biệt sau mỗi dịp du lịch tăng cao, lượng rác thải lại tăng lên đáng kể.

Đơn cử, trong kì nghỉ dài ngày của dịp Lễ Quốc Khánh 2/9, nhiều du khách đến vịnh Vũng Rô, một điểm đến nổi tiếng của Phú Yên, đã phản ánh về tình trạng rác thải tràn ngập bãi biển. Một số nguyên nhân được xem là góp phần khiến xảy ra tình trạng ô nhiễm rác thải tại vịnh là bởi nhiều hộ dân thường vứt rác thải xuống biển, các hộ kinh doanh du lịch bè và du khách cũng xả rác xuống vịnh, ngoài ra còn có rác trôi từ nơi khác đến.

Đáng nói, đây không chỉ là vấn nạn của riêng vịnh Vũng Rô mà là tình trạng chung của rất nhiều bãi biển du lịch trên cả nước.

Ô nhiễm rác thải tại các bờ biển là “sản phẩm” của ý thức con người.

Ô nhiễm rác thải tại các bờ biển là “sản phẩm” của ý thức con người.

Bên cạnh việc xả rác bừa bãi, còn rất nhiều hành vi ứng xử xấu xí với môi trường được ghi nhận trong những năm nay, đã bị báo chí, truyền thông và dư luận lên án gay gắt nhưng vẫn chưa có nhiều cải thiện đáng kể. Một trong những biểu hiện nhức nhối vẫn tiếp diễn là tình trạng tàn phá sao biển, san hô để sống ảo.

Vào tháng 8 vừa qua, dư luận bức xúc hành vi của một số du khách trong đoàn khách lặn biển ngắm rạn san hô ở Cô Tô khi đã di chuyển rạn san hô khỏi vị trí lên khỏi mặt nước để chụp ảnh – hành vi này gây ảnh hưởng đến sự sống của san hô. Mặt khác, hành vi vớt sao biển ra khỏi nước để chụp ảnh đã bị phê phán rất nhiều nhưng đến nay vẫn không ít du khách vô tư bắt sao biển lên bờ để chụp hình khi du lịch tại các bãi biển Phú Quốc, Phú Yên…, sau đó khoe trên mạng xã hội.

Quả thực, sẽ không có vấn đề gì nếu những du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi có ý thức tôn trọng và bảo vệ môi trường. Đáng buồn là nhiều cơ sở kinh doanh du lịch hiện nay chỉ chú ý đến lợi ích kinh tế trước mắt đã khai thác nguồn tài nguyên phục vụ nhu cầu du khách một cách không hợp lý, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng các phương tiện khai thác quá mức các nguồn tài nguyên như rạn san hô, hải sản... dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi hải sản, suy giảm đa dạng sinh học.

Còn các du khách cũng chỉ quan tâm đến niềm vui cá nhân mà không nghĩ đến môi trường và người dân bản địa bị ảnh hưởng bởi những hành vi vô ý thức của họ. Trên thực tế, việc giải quyết những “sản phẩm từ sự vô ý thức” vẫn gặp nhiều khó khăn.

Cốt lõi vẫn là thay đổi ý thức

Du lịch muốn phát triển không thể không gắn chặt với môi trường. Chính vì vậy, nhiều địa phương đưa bảo vệ môi trường là một vấn đề có tính sống còn của du lịch hiện nay. Trong thời gian qua, đã có nhiều mô hình, sáng kiến hay đã được các địa phương, đơn vị làm du lịch triển khai nhằm nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường.

Tựu trung lại, chỉ khi người dân và du khách ý thức được việc bảo vệ môi trường là cần thiết đối với chính họ và cộng đồng xung quanh thì mới có thể tác động đến hành vi, ứng xử của họ về lâu dài đối với môi trường.

Trong rất nhiều sáng kiến, có thể kể tới đề án xe đạp thông minh được tỉnh Thừa Thiên - Huế, TP Huế triển khai nhằm khuyến khích người dân và du khách trải nghiệm các điểm danh lam thắng cảnh của thành phố bằng xe đạp. Đây không chỉ là một loại phương tiện thân thiện với môi trường mà còn góp phần truyền thông điệp đến người dân và du khách về việc hoàn toàn có những trải nghiệm du lịch thú vị mà không để lại tác động tiêu cực đến với môi trường.

Đáng nói, nhiều thành phố khác như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng,… cũng đang triển khai đề án đẩy mạnh loại phương tiện xanh này trong ngành du lịch địa phương.

Tại huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), địa phương vận động người dân tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường tại nơi sinh sống bằng những hành động nhỏ nhất như phân loại rác thải tại nguồn, tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên liệu. Đồng thời, lên án kịp thời những hành vi gây ô nhiễm môi trường biển, thói quen sử dụng lãng phí tài nguyên, năng lượng.

Do đó, trong thời gian qua, một số nhà nghỉ, khách sạn trên đảo đã sáng tạo các “tour nhặt rác”, thu hút được nhiều du khách, đặc biệt là người nước ngoài. Mặc dù giá thành không hề rẻ nhưng nhiều du khách sẵn sàng chi trả để trải nghiệm những điều mới mẻ, đồng thời bảo vệ môi trường.

Những sản phẩm du lịch theo hướng thân thiện với môi trường như vậy sẽ góp phần tác động đến nhận thức của du khách và người dân cùng chung tay làm sạch bãi biển, bảo vệ môi trường.

Từ những hành động nhỏ với môi trường có thể tạo ra sự thay đổi đáng kể.

Từ những hành động nhỏ với môi trường có thể tạo ra sự thay đổi đáng kể.

Trong khuôn khổ chương trình “Làm sạch biển” giai đoạn 2021 - 2026 do Tạp chí Tòa án nhân dân phối hợp với Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phát động tại tỉnh Hà Tĩnh vào tháng 8 vừa qua, đã đưa ra mục tiêu chính là thực hiện thu gom, dọn sạch rác thải biển và tìm ra các phương án xử lý rác thải phù hợp. Chương trình kéo dài năm 5 năm trên toàn bộ dải ven biển Việt Nam với tại 28 tỉnh, thành phố có biển. Một trọng tâm quan trọng trong chương trình này chính là đẩy mạnh công cuộc nâng cao ý thức và ứng xử của cộng đồng đối với môi trường biển và khí hậu.

Gần đây nhất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam và tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ phát động quốc gia hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn 2022 với chủ đề “Cùng hành động để thay đổi thế giới”.

Chiến dịch thường niên này là dịp triển khai đồng loạt các hoạt động truyền thông tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường; thông qua nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như thực hiện đồng loạt các hoạt động ra quân làm sạch môi trường tại các địa bàn dân cư; giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân;…

Có thể thấy, việc xây dựng và thúc đẩy văn hoá ứng xử cũng đóng một vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường. Đơn cử, vấn nạn rác thải có thể được cải thiện đáng kể khi người dân có ý thức tốt hơn. Từ những hành động nhỏ nhất như vứt rác đúng nơi quy định, không vứt bừa bãi cũng có thể tạo ra những thay đổi đáng kể đối với cảnh quan môi trường. Bởi vậy, trong thời gian tới, hy vọng sẽ có thêm nhiều địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện, lan toả những sáng kiến hay, hành động thiết thực, để nâng cao nhận thức của cộng đồng, hướng tới xây dựng một nền văn hoá bảo vệ môi trường, góp phần giải quyết các vấn nạn nhức nhối về môi trường.

Đọc thêm