Unilever Việt Nam kêu gọi chung tay giải quyết vấn đề nhà vệ sinh tại các trường học

(PLVN) - Ngày 14/12, Unilever Việt Nam và nhãn hàng Vim triển khai chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng và kêu gọi chung tay giải quyết vấn đề nhà vệ sinh tại các trường học Việt Nam. Đây là hoạt động hưởng ứng Ngày Nhà vệ sinh Thế giới (World Toilet Day) 19/11 hàng năm của Liên Hợp quốc với chủ đề trong năm 2022 “Making the invisible visible - Cùng nhau lên tiếng vì nhà vệ sinh học đường”.
Unilever Việt Nam và nhãn hàng Vim triển khai chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng và kêu gọi chung tay giải quyết vấn đề nhà vệ sinh tại các trường học Việt Nam.

Trong khuôn khổ chiến dịch, các bên đã phối hợp tổ chức Chương trình tọa đàm “Giải pháp an toàn vệ sinh trường học” với sự tham gia của đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, Unilever Việt Nam, chuyên gia từ Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế, đại diện nhà trường để cùng bàn luận và tìm ra giải pháp, tháo gỡ các vấn đề nhằm cải thiện nhà vệ sinh trường học, nâng cao ý thức cho học sinh.

Theo số liệu của Cục cơ sở vật chất Bộ Giáo Dục và Đào tạo, tính tới năm 2020, cả nước tổng cộng có hơn 180.000 nhà vệ sinh tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập nhưng chỉ có 57,3% nhà vệ sinh đạt chuẩn, tức là hơn 103.000 nhà vệ sinh trong số đó vẫn chưa đạt yêu cầu. UNICEF ước tính rằng có hơn 7,7 triệu học sinh không có đủ vật tư như nước và xà phòng để sử dụng tại các địa bàn trường học tại Việt Nam.

Trong năm 2022, Quỹ Unilever Việt Nam cũng đã kết hợp cùng đơn vị nghiên cứu BrandScapes WorldWide thực hiện khảo sát diện rộng về “Tình trạng vệ sinh học đường” tại Việt Nam và đưa ra những con số đáng chú ý về các vấn đề hiện hành và ảnh hưởng của nhà vệ sinh tại các trường học tới học sinh: 97% trẻ em đang đối mặt với vấn đề nhà vệ sinh học đường không đạt tiêu chuẩn hằng ngày, trong đó, 71% trẻ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tình trạng vệ sinh tại toilet học đường. Cụ thể, theo như báo cáo, 41% trẻ gặp ảnh hưởng về thể chất như tè dầm vì không dám đi vệ sinh, kém tập trung trong lớp học, và 46% trẻ bị ảnh hưởng về tâm lý, cảm thấy ngại và lo lắng khi sử dụng nhà vệ sinh. Với mức độ ảnh hưởng như thế nhưng chỉ có 29% trẻ em chia sẻ với bố mẹ, người lớn về vấn đề mình gặp phải với nhà vệ sinh trường học.

Trước những con số đáng báo động như vậy, thông qua chương trình tọa đàm “Giải pháp an toàn vệ sinh trường học”, Unilever Việt Nam kêu gọi cộng đồng nhìn nhận một cách nghiêm túc về nhà vệ sinh học đường, thấu hiểu tính nghiêm trọng, những khó khăn con trẻ đang gặp phải và lên tiếng cũng như có những hành động mạnh mẽ, quyết liệt để xóa bỏ tình trạng này.

Tọa đàm “Giải pháp an toàn vệ sinh trường học”

Tại buổi tọa đàm “Giải pháp an toàn vệ sinh trường học”, bà Lê Thị Hồng Nhi - Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Unilever Việt Nam, đã nhấn mạnh những tác hại nghiêm trọng của nhà vệ sinh bẩn, thiếu nước sạch, các điều kiện vệ sinh cá nhân không đảm bảo tới thể chất lẫn tinh thần của các em học sinh và khiến trẻ trở nên ái ngại khi tới trường, ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng tập trung, tiếp thu bài giảng trên lớp và chất lượng học tập nói chung.

Theo ông Maharajan Muthu - Trưởng Chương trình vì Sự sống còn và phát triển trẻ em và môi trường, UNICEF Việt Nam - vấn đề vệ sinh học đường kém kéo dài suốt nhiều năm chủ yếu là do 4 nguyên nhân chính: (1) Thiếu đầu tư trong việc xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn, đặc biệt ở các điểm trường lẻ (2) Không đủ nguồn lực để duy trì chất lượng cơ sở vật chất và hạ tầng (3) Các em học sinh chưa được bố mẹ, thầy cô hướng dẫn đầy đủ thói quen sử dụng nhà vệ sinh đúng cách và có ý thức (4) Các yếu tố ngoại cảnh như thiên tai, bão lũ thường xuyên xảy ra tại Việt Nam gây ra tình trạng thiếu nước sạch cho trẻ em.

Các đại diện tham gia tọa đàm đều nhất trí rằng để giải quyết tình trạng nhà vệ sinh bẩn và duy trì môi trường sinh hoạt, học tập tốt nhất cho học sinh thì sự đóng góp, chung tay từ học sinh, phụ huynh, nhà trường, các ban ngành liên quan, các tổ chức là vô cùng quan trọng.

Bên cạnh đó, ông Đỗ Mạnh Cường, Đại diện Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế cũng đánh giá cao tầm quan trọng của truyền thông giúp giải quyết các vấn đề vệ sinh trường học với 2 mục đích chính (1) Truyền thông vận động chính sách hướng tới những người đứng đầu nhà trường, tổ chức, và cấp lãnh đạo của các ban ngành liên quan và chính quyền địa phương (2) Tổ chức các chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe cho các em học sinh, thầy cô giáo giúp sử dụng và bảo quản nhà vệ chung một cách đảm bảo, có ý thức.

Unilever Việt Nam hỗ trợ xây dựng mô hình trường học Xanh - Sạch - Khỏe tại Trường Tiểu học ở Long An

Là một chuyên gia về giáo dục và là khách mời trong tọa đàm, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội cũng đã đóng góp ý kiến: “Đại diện các cơ sở giáo dục và trường học cần phải thực hiện 4 thường xuyên (1) Kiểm tra giám sát thường xuyên (2) Lực lượng làm vệ sinh thường xuyên (3) Phương tiện và vật tư thường xuyên và (4) Đầu tư kinh phí thường xuyên để đem lại những khu nhà vệ sinh đạt chuẩn và không gian học tập thoải mái cho các em học sinh”.

Với vai trò là chuyên gia về phát triển và quyền trẻ em, trong 4 thập kỷ qua, UNICEF đã hợp tác chặt chẽ với Bộ GD&ĐT, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế để cải thiện điều kiện nước sạch và vệ sinh môi trường cho trẻ em và cộng đồng bằng các hỗ trợ môi trường và chương trình tại chỗ. Trong hơn 5 năm qua, trong các hoạt động hỗ trợ thường xuyên và ứng phó khẩn cấp, UNICEF cùng đối tác đã hỗ trợ cải thiện công trình vệ sinh cho hơn 100 trường học và thực hiện các chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi nhằm nâng cao nhận thức về nước sạch, vệ sinh môi trường cho giáo viên và trẻ em. Tại tỉnh Điện Biên, UNICEF đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở ban ngành cùng trường học áp dụng phương pháp tiếp cận “trẻ em là tác nhân thay đổi” để nghe, hiểu và tạo điều kiện cho trẻ em cải thiện vệ sinh môi trường ở cả trường học và nhà ở. Một phát hiện thú vị từ cuộc khảo sát cuối kỳ tại 3 tỉnh mà UNICEF hỗ trợ, tại xã áp dụng cách tiếp cận “trẻ em là tác nhân thay đổi”, tỷ lệ nhà tiêu hộ gia đình hợp vệ sinh tăng 9% so với các xã không áp dụng.

Gần đây, UNICEF đang thí điểm mô hình vệ sinh và nước sạch có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tại tỉnh Sóc Trăng, được gọi là nhà vệ sinh không phát thải nhằm mục đích tái sử dụng nước và sử dụng năng lượng mặt trời cho các công trình vệ sinh, nhằm ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu đối với vấn đề vệ sinh và nước sạch cho trẻ em.

Về phía Unilever Việt Nam, nhãn hàng Vim đã và đang thực hiện nhiều hoạt động trong suốt 14 năm qua nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và cải thiện vệ sinh học đường, nổi bật nhất là:

● Từ năm 2008 tới nay, Vim đã cải tạo và xây dựng 1.200 nhà vệ sinh học đường, giúp 300.000 học sinh trên khắp cả nước. Unilever tổ chức chương trình giáo án điện tử dạy trẻ em về các thói quen vệ sinh, sức khỏe, dinh dưỡng tại 1.000 điểm trường và giúp đỡ 500.000 học sinh mỗi năm.

● Kêu gọi cộng đồng chung tay chọn ra 100 trường tiểu học có điều kiện vệ sinh chưa đảm bảo trên khắp cả nước để cải thiện điều kiện vệ sinh thông qua mô hình Trường học Xanh - Sạch - Khỏe trong năm 2022. Chi tiết chương trình: https://vim.truonghocxanhsachkhoe.com/

● Ra mắt sản phẩm âm nhạc Nhà Vệ “Xinh” nhằm nâng cao ý thức về vệ sinh học đường, sản phẩm kết hợp cùng ca sĩ Trúc Nhân và rapper nhí Piggy được ra mắt tháng 11/2022. Chi tiết tại: https://www.youtube.com/watch?v=0SVWeftriFE

Chia sẻ về những nỗ lực của Unilever Việt Nam và nhãn hàng Vim, bà Lê Thị Hồng Nhi cũng cho biết: “Thông qua chương trình này và hợp tác với các đối tác chiến lược như Bộ Giáo dục và Đào tạo, UNICEF, chúng tôi hy vọng thông điệp sẽ lan tỏa rộng rãi và nhận được sự ủng hộ tích cực bằng hành động cụ thể đến từ các cá nhân, tập thể, chung tay cùng nhãn hàng để đem lại điều kiện phát triển tốt nhất, những trường học Xanh - Sạch - Khỏe cho mọi trẻ em Việt Nam”.

Đọc thêm