Vai trò của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Luật Bảo vệ môi trường 2020 xác định cộng đồng doanh nghiệp là nhân tố đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ môi trường. Phát huy được vai trò của các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường chính là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay.
Đại diện EuroCham cho rằng yêu cầu lập ĐTM đối với đầu tư điện áp mái là không phù hợp.
Đại diện EuroCham cho rằng yêu cầu lập ĐTM đối với đầu tư điện áp mái là không phù hợp.

Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng

Ngày 1/1/2022, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020 chính thức có hiệu lực. Những ngày qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức nhiều hội thảo trực tuyến tham vấn ý kiến các địa phương ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, các nhà khoa học, các hiệp hội, doanh nghiệp (DN)… đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020.

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Luật BVMT 2020 xác định cộng đồng DN là nhân tố đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp BVMT, do đó, Luật đã có nhiều quy định mới, thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí tuân thủ của DN thông qua các quy định đã được quy định trong Luật.

Việc thực hiện tốt công tác BVMT không chỉ là trách nhiệm của DN mà còn giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế và đảm bảo phát triển bền vững. Phát huy được vai trò của các DN trong công tác BVMT chính là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay.

Các ý kiến góp ý tập trung vào các nội dung như: Thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM); tích hợp các thủ tục hành chính vào 1 giấy phép môi trường; đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án và chế định cụ thể về kiểm toán môi trường nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý môi trường của DN… lần đầu tiên được quy định trong Luật BVMT.

Nhiều quy định khó thực thi?

Ông Hoàng Đức Vượng, Đại diện Hiệp hội nhựa Việt Nam nêu ý kiến: Khoản 4 Điều 53 dự thảo Nghị định quy định chỉ được nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất cho cơ sở của mình theo đúng công suất thiết kế để sản xuất ra các sản phẩm, hàng hóa. Không được nhập khẩu phế liệu về chỉ để sơ chế và bán lại phế liệu.

Trước đó, từ 1/1/2025, cơ sở sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất chỉ được nhập khẩu phế liệu tối đa bằng 80% công suất thiết kế; số phế liệu còn lại phải được thu mua trong nước để làm nguyên liệu sản xuất. Như vậy, các DN phải thu mua 20% phế liệu trong nước. Tuy nhiên, đối với các DN như sắt, thép, giấy thì lượng nhập khẩu rất lớn nên Hiệp hội đề nghị xem xét, điều chỉnh lại với sắt, thép, giấy dưới 20% và giữ nguyên đối với nhựa.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Đại diện Samsung Việt Nam đề xuất, theo quy định trong dự thảo Nghị định, việc tái chế bao bì sẽ áp dụng từ 1/1/2023 và sản phẩm điện tử có hiệu lực từ 1/1/2024.

“Sau khi xem xét và cân nhắc về khả năng tái chế hiện nay của Việt Nam, chúng tôi thấy rằng thời gian này là khá ngắn để cho các công ty tái chế tại Việt Nam có thể tham gia vào việc thu gom, tái chế và nâng cao năng lực tái chế của mình. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng hiện nay cũng chưa được hoàn thiện nên việc thu gom bao bì sản phẩm điện tử vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Vì vậy, chúng tôi đề nghị cho các DN tái chế và sản xuất có thêm thời gian chuẩn bị và cơ quan nhà nước có thêm thời gian để rà soát lại quy trình liên quan đến điều kiện thu gom, đảm bảo tính khả thi, đồng thời đề xuất độ trễ khoảng 2 năm so với thời gian quy định trong dự thảo” - ông Tuấn đề nghị.

Đại diện Công ty Lọc hóa dầu Mekong, bà Trần Ngọc Diễm Trang đề nghị trong vấn đề tái chế chất thải cần phải quy định rõ hơn để đảm bảo những sản phẩm hỏng và đã qua sử dụng cần phải có những ràng buộc pháp lý cụ thể đối với những cơ sở phát thải và những đơn vị xử lý phải có đầy đủ năng lực…

Dẫn Công văn 6872/BTNMT-TCMT của Bộ TN&MT về việc hướng dẫn thủ tục về ĐTM đối với ngành nghề sản xuất điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp áp mái thì các dự án này là đầu tư mở rộng và phải thực hiện ĐTM theo Nghị định 40, đại diện EuroCham cho rằng việc đầu tư điện áp mái mà phải ĐTM thì không hợp lý vì dẫn đến chậm thực hiện. Điện áp mái không chiếm dụng đất nên yêu cầu lập ĐTM là không phù hợp...

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam, ông Lê Hoàng Khánh Nhật cho rằng, dự thảo Nghị định nhiều nội dung, cần thêm Thông tư hướng dẫn. Góp ý về khoảng cách từ khu công nghiệp đến khu dân cư, ông Nhật cho rằng, một số khu công nghiệp khi hoạt động chưa có dân cư nhưng sau đó, dân cư di chuyển đến, cần lưu ý vấn đề này. Việc thu hồi xử lý sản phẩm cần quy định trách nhiệm của người tiêu dùng để nâng cao hiệu quả…

Đọc thêm