Văn bản từ trên lầu xuống lầu cũng mất 3-4 ngày

(PLVN) -Cho biết: “Ở địa phương các đồng chí nói là có văn bản từ trên xuống dưới, các cơ quan gặp nhau trên lầu, xuống lầu cũng mất 3-4 ngày mới tới”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu sự phối hợp, quy trình xử lý công việc, quy định chế tài xử lý trách nhiệm phải rõ ràng, qua đó công chức viên chức nhà nước mới đề cao tinh thần ý thức là công bộc của dân, không gây nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Hôm nay (19/5), Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố Chỉ số CCHC a(PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) năm 2019.

Phải cải cách “lương tâm”

Ghi nhận, biểu dương sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan liên quan trong việc triển khai kế hoạch xác định Chỉ số PAR index 2019, Chỉ số SIPAS 2019, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, kết quả của các Chỉ số trên cho thấy, công tác CCHC đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm trong thời gian qua với nhiều nghị quyết, chỉ thị về CCHC đã được ban hành và chỉ đạo triển khai quyết liệt. 

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, vị trí của Việt Nam được cải thiện một cách đáng kể trên một số bảng xếp hạng uy tín như: Xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia và xếp thứ 5 trong khối ASEAN; Diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI 4.0 tăng 10 bậc, từ 77 lên 67/141 quốc gia và xếp thứ 7 trong khối ASEAN; Tạp chí US News & World xếp Việt Nam đứng thứ 8/80 quốc gia và thuộc top 10 quốc gia có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư…

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra không ít hạn chế, tồn tại, đó là một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa coi công tác CCHC là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết vẫn tồn tại nhiều năm chưa giải quyết dứt điểm; còn tồn tại văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, gây khó khăn trong quá trình thực hiện; một số bộ, ngành chưa chú trọng trả lời các kiến nghị của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là kiến nghị liên quan đến vướng mắc, khó khăn trong thực hiện thể chế, chính sách…

Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các nội dung công bố, công khai TTHC và công khai kết quả giải quyết hồ sơ TTHC; nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm trễ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, thay đổi phương thức trong giải quyết TTHC.

Còn tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, không thực hiện việc xin lỗi người dân, tổ chức khi giải quyết TTHC trễ hẹn...

Một số bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ về tổ chức bộ máy; về công tác cán bộ, thực hiện cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm; về tuyển dụng công chức, viên chức, đặc biệt là việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức…

Việc triển khai xây dựng và duy trì Cổng dịch vụ công trực tuyến, Hệ thống thông tin báo cáo, Hệ thống một cửa điện tử, thực hiện gửi nhận văn bản điện tử, xử lý văn bản trên môi trường mạng của các bộ, ngành, địa phương còn chậm. Việc khai thác dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 còn chưa thật hiệu quả.

Khắc phục những tồn tại trên, Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ban ngành, các địa phương phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận với các công cụ giải quyết TTHC. “Chúng ta cải cách gì thì cải cách, cái chính là phải làm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính nhà nước”-Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đăc biệt, phải cải cách “lương tâm”, không để dân phải chạy lòng vòng, không để một việc phải đi qua nhiều ban ngành. “Ở địa phương các đồng chí nói là có văn bản từ trên xuống dưới, các cơ quan gặp nhau trên lầu, xuống lầu cũng mất 3-4 ngày mới tới…”. 

Chính bởi vậy, Phó Thủ tướng đề nghị sự phối hợp, quy trình xử lý công việc, quy định chế tài xử lý trách nhiệm phải rõ ràng để giúp bộ máy nhà nước tinh gọn, công chức viên chức nhà nước mới đề cao tinh thần ý thức là công bộc của dân, không gây nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân. Những vấn đề này phải làm cho tốt.

Tạo sự chuyển biến thật sự trong bộ máy công quyền

Trên tinh thần đó, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đề nghị người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp từ Trung ương đến địa đổi mới tư duy, nhận thức, coi công tác này là khâu có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển biến trong hoạt động quản lý nhà nước, làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội.

 Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ gương mẫu đi đầu và có hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương để làm sao khi người dân, doanh nghiệp đến làm TTHC là được hướng dẫn; quy trình phải ngắn gọn, có thời hạn trả hồ sơ. Nếu trễ hẹn thì phải có lý do và phải xin lỗi. Không thể để người dân phản ánh rằng dù đã đến hẹn mà vẫn chưa  xong, nhưng không được xin lỗi.

 “Như thế thì không còn ý nghĩa cải cách nữa. Cho nên xin lỗi là lời đầu tiên người cán bộ, công chức nhà nước phải biết. Trọng dân, học dân thì đầu tiên là khi mình làm không đúng với dân thì phải xin lỗi dân. Đó là điều kiên quyết, đề nghị phải chú ý”- Phó Thủ tướng yêu cầu.

Quang cảnh hội nghị tại Trụ sở Chính phủ. 

Nhiệm vụ tiêp theo là phải tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi; nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chi đạo điều hành và thực thi pháp luật. Đẩy mạnh cải cách TTHC, thực hiện nhanh, quyết liệt, thực chất hơn việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, điều kiện kinh doanh. 

“Tới đây sẽ có sự chỉ đạo để làm sao tạo chuyển biến thật trong bộ máy công quyền nhà nước; cán bộ, công chức, viên chức thật sự là người công bộc; không có sự nhũng nhiễu, không có việc chi phí ngoài luồng, phải chạy “xin- cho” của người dân, doanh nghiệp. Đó là những vấn đề cần tiếp tục đẩy mạnh. Có như vậy chúng ta mới huy động được hết nguồn lực để tạo được phong trào khởi nghiệp thật tốt”- Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng yêu cầu, sau Hội nghị công bố PAR index 2019, Chỉ số SIPAS 2019, các bộ, ngành, địa phương bắt tay ngay vào triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh CCHC, phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của năm 2020, tạo tiền đề và sức bật cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước trong giai đoạn tới.

Đọc thêm