Vướng mắc nhất là phân cấp và phân quyền
Phát biểu tại buổi làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đánh giá cao TP Hồ Chí Minh trong 6 tháng vừa qua, dù vừa trải qua đại dịch COVID-19 khốc liệt, nặng nề nhưng đã tập trung khôi phục kinh tế-xã hội cũng như nỗ lực triển khai một cách trách nhiệm, nghiêm túc, hết sức cụ thể để thực hiện mô hình chính quyền đô thị từ 1/7/2021. Mô hình “đô thị trong đô thị” của Thủ Đức từ 1/1/2021 vận hành đến thời điểm này cơ bản là thông suốt.
Bộ trưởng Phạm Thanh Trà cũng ghi nhận sự nỗ lực của Thành phố trong việc thực hiện Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương trong việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, thực hiện việc tinh giản biên chế... Dù chưa đạt được mục tiêu nhưng đã giảm được một số đầu mối và đơn vị hành chính. Thành phố đã có hướng để thu hút, trọng dụng cán bộ có năng lực, đảm bảo nhu cầu để thúc đẩy phát triển đô thị thông minh; lấy nền tảng là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy nhanh công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần khắc phục. Đó là việc quản lý về biên chế chưa thật sự chặt chẽ, một mặt nào đó có sự buông lỏng, dẫn đến có một số biên chế không đúng thẩm quyền, không đúng cơ quan thẩm quyền giao nên có việc chênh số lượng công chức (do Thủ tướng Chính phủ giao) và viên chức (do Bộ Nội vụ thẩm định). Đây đang là vấn đề phải bàn rất kỹ. “Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nói chung, Thành phố cần quan tâm một cách sát sao, kỹ lưỡng, chặt chẽ, đặc biệt là phải bám sát quy định của pháp luật để triển khai công việc đồng bộ toàn diện, hiệu lực, hiệu quả hơn, trước hết là các nội dung có liên quan đến tinh thần Nghị quyết 18”- Bộ trưởng Bộ Nội vụ chỉ rõ.
Trên tinh thần đó, bà Phạm Thị Thanh Trà đề nghị TP Hồ Chí Minh bằng mọi cách, dù khó khăn đến đâu cũng phải cùng các bộ ngành trung ương tháo gỡ được vướng mắc của chính quyền đô thị. Ngay sau cuộc họp, TP Hồ Chí Minh phải có báo cáo đánh giá sơ kết một năm thực hiện, trong đó nêu rõ những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc kèm theo tờ trình báo cáo Chính phủ và báo cáo các bộ, ngành có liên quan - trước hết là Bộ Nội vụ - những nội dung cần đề xuất để cùng nhau giải quyết. Trong đó, vấn đề vướng mắc nhất là phân cấp và phân quyền, liên quan đến vấn đề tài chính, đầu tư, quản lý đất đai, tài nguyên môi trường, tổ chức bộ máy.
Ngoài ra, Thành phố cần tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, đầu tư hạ tầng để chuyển đổi số gắn mới đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hiệu quả của cải cách hành chính.
Phát huy tính tự chủ và cơ chế xã hội hóa để giảm gánh nặng ngân sách
Theo Bộ trưởng, TP Hồ Chí Minh không thể đi sau các địa phương về cải cách hành chính mà phải là đầu tàu. Đây chính là động lực cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Cùng với đó, bộ máy phải được tổ chức tinh gọn, hiệu lực hiệu quả mới có thể đạt được những mục tiêu, kỳ vọng lớn lao đặt ra cho TP Hồ Chí Minh. Bộ trưởng cũng đề nghị TP Hồ Chí Minh đánh giá toàn diện, xây dựng đề án căn cơ bài bản thúc đẩy tự chủ, xã hội hóa về lĩnh vực sự nghiệp.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Sở Tài chính TP cho biết, khó khăn lớn nhất trong thực hiện mô hình chính quyền đô thị là quận, phường không còn là một cấp ngân sách nên không chủ động được trong việc chi tiêu, không còn nguồn dự phòng, kết dư, tăng thu. Từ đó, quận, phường giảm tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn, tăng áp lực công việc lên UBND và HĐND TP Hồ Chí Minh.
Làm rõ thêm vấn đề, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, về nội dung xây dựng chính quyền đô thị, trước đây, TP Hồ Chí Minh có 7 năm thực hiện thí điểm, nhưng bối cảnh và sự chuẩn bị lúc đó khác. Lần này, Thành phố cũng có sự chuẩn bị nhưng đến thời điểm thực hiện là tháng 7/2021 thì hoàn cảnh lúc đó quá khó khăn, phải tập trung chống dịch cho nên sự chuẩn bị để triển khai chưa được chu đáo. Ngoài ra, TP Thủ Đức được thành lập, nhưng việc chuẩn bị cơ chế cho TP Thủ Đức hoạt động cũng chưa được đầy đủ; những bất cập này đã thể hiện rõ.
Hiện thành phố đang tổng kết Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phát triển Thành phố và Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh. Những vấn đề nảy sinh, bất cập này sẽ được đưa vào những nghị quyết thay thế Nghị quyết 16 và Nghị quyết 54 để có được định hướng chính trị, có khung pháp lý rộng hơn cho Thành phố.
Liên quan đến vấn đề tổ chức bộ máy biên chế, ông Phan Văn Mãi cho biết, tinh thần của Thành phố là xin những cơ chế để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ. Còn về biên chế dôi dư, trong tháng 7, Thành phố sẽ đánh giá toàn diện, phân tích nguyên nhân, xác định trách nhiệm và có những đề xuất để làm sao Thành phố có đủ nhân lực để tổ chức thực hiện nghiệm vụ. Ngoài ra sẽ thực hiện nghiêm các nghị quyết, văn bản liên quan; sẽ phát huy tính tự chủ cũng như cơ chế xã hội hóa để giảm gánh nặng ngân sách.
Quyết liệt giải quyết ngay những vướng mắc
Trước đó, ngày 22/6, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, từ năm 2007 đến nay, biên chế của thành phố chỉ có giảm mà không tăng, tạo khó khăn, áp lực lớn trong thực hiện công việc…
Về tổ chức chính quyền đô thị, theo ông Quảng, khó khăn lớn nhất là vấn đề nhận thức để thực hiện đồng bộ ở các mặt, các lĩnh vực trong tổng thể. Cụ thể, việc xác định cấp quận, phường trở thành cấp dự toán không tạo ra sự chủ động và trách nhiệm trong triển khai nhiệm vụ ở địa phương, như vấn đề giải quyết đầu tư công và an sinh xã hội, thiếu chủ động thu, chi ngân sách.
Còn Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phản ánh, việc không tổ chức HĐND cấp quận, phường khi triển khai thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tạo ra một số khó khăn nhất định cho chính quyền quận, phường trong triển khai các nhiệm vụ tại địa phương.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị thành phố tiếp tục bám sát, khắc phục các vướng mắc trong thực hiện tổ chức chính quyền đô thị. Đối với các vướng mắc trong thẩm quyền, thành phố cần quyết liệt giải quyết ngay; tập trung làm tốt công tác phân cấp, phân quyền để phát huy hiệu quả mô hình này.