Văn hóa giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe

(PLVN) - Ở tuổi “xế chiều”, người cao tuổi luôn cần đến sự chăm sóc, nghỉ ngơi, an dưỡng. Văn hoá là yếu tố giúp họ duy trì tinh thần minh mẫn, vun vầy bên con cháu.
Người cao tuổi đóng góp lớn đối với sự phát triển của đất nước.

Những câu lạc bộ vui khỏe

Những năm gần đây, đời sống tinh thần của người cao tuổi luôn được quan tâm chăm sóc, phong trào văn hoá - văn nghệ, thể dục thể thao phát triển đến tận xóm, ấp. Các CLB người cao tuổi ra đời với mục đích tụ họp những người cao tuổi trong vùng để cùng hoạt động thể thao, văn nghệ.

Tham gia CLB thể dục thể thao người cao tuổi từ những ngày đầu thành lập, hầu như không ngày nào bà Nguyễn Thị Liên, 74 tuổi (Hà Nội) vắng mặt tại sân tập. Bà cho biết: “Chỉ khi ốm đau hoặc có việc đột xuất, tôi mới nghỉ tập. Luyện tập thường xuyên, tôi thấy tâm hồn thư thái, sức khỏe dẻo dai lại được trò chuyện, tâm sự, giải tỏa, còn gì sướng hơn”.

Sức khoẻ người cao tuổi trong CLB được tốt hơn do rèn luyện và nâng cao kiến thức tự chăm sóc. Trí lực người cao tuổi trong CLB được tăng lên, tính tự ti, mặc cảm của một bộ phận người cao tuổi được thay đổi. Số người cao tuổi ốm đau giảm so với các năm trước. Ðồng thời, người cao tuổi được thư giãn, hoà mình vào những điệu múa, ca từ, những động tác của bài tập thể dục dưỡng sinh, giúp người cao tuổi vui hơn, khoẻ mạnh hơn.

Với tinh thần giao lưu, ham học hỏi, hàng năm các đội văn nghệ của CLB người cao tuổi còn giao lưu biểu diễn phục vụ văn nghệ cho bà con ở trong địa phương và ngay cả những vùng khác khi có sự kiện quan trọng. Không dừng lại đó, nhiều thành viên người cao tuổi trong CLB còn tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, nuôi dạy con cháu thảo hiền, hiến kế xây dựng địa phương ngày thêm văn minh, giàu mạnh.

Rất nhiều CLB người cao tuổi tiêu biểu bởi hầu hết các thành viên đều đạt danh hiệu gia đình văn hoá tiêu biểu, hội viên tuổi cao gương sáng… Hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao là những liều thuốc bổ quý giá, giúp người cao tuổi nâng cao đời sống tinh thần, sức khoẻ để sống vui, sống khoẻ, sống có ích.

CLB chính là sân chơi bổ ích, hấp dẫn, thông qua luyện tập, giao lưu, người cao tuổi nâng cao sức khỏe, sống vui hơn, tự tin hơn, trở thành điểm tựa tinh thần vững chãi cho con cháu và làm phong phú thêm các hoạt động của cộng đồng dân cư.

Đây thực sự là sân chơi bổ ích, giúp người cao tuổi sống có ích, động viên họ gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, nhắc nhở con cháu phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ... và là điểm tựa tinh thần để con cháu yên tâm công tác, học tập và sản xuất.

Các câu lạc bộ người cao tuổi sống vui sống khỏe.

Cội nguồn giá trị văn hóa

Suốt cuộc đời, người cao tuổi hấp thụ những giá trị văn hóa dân tộc từ khi sinh ra, lớn lên trong mái ấm gia đình, sống giữa tình làng nghĩa xóm với những thuần phong mỹ tục bao đời ông cha để lại. Những tinh hoa văn hóa ấy in sâu trong tâm khảm và tiếp tục được tỏa sáng trong cuộc sống hằng ngày. Trong mỗi gia đình, ông bà, cha mẹ luôn là chỗ dựa tinh thần, là tấm gương cho con cháu noi theo; là người giữ kỷ cương, nếp sống trong nhà.

Nền tảng đạo lý truyền thống, tình yêu thương sâu sắc của người cao tuổi chính là chất keo gắn kết mọi thành viên trong gia đình. Hằng ngày, trước cổng trường vào giờ tan học, thật xúc động khi thấy cảnh những ông bà tóc bạc hòa vào dòng người đón cháu về nhà. Có những người tằn tiện, dành dụm từng đồng để mua quà cho cháu! Cha mẹ mải mê với công việc kiếm sống, ít có thời gian, lại phải nhờ ông bà chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục các con nên người…

“Kính lão trọng thọ” cũng là một trong những nét đẹp truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; là sự thừa nhận công lao đóng góp của người cao tuổi đối với gia đình và xã hội, thể hiện lòng biết ơn của thế hệ sau với thế hệ trước, của lớp người trẻ tuổi đối với người cao tuổi, nâng cao truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, trọng nhân nghĩa của nhân dân ta.

Người cao tuổi gắn bó chặt chẽ với hàng xóm, với khu dân cư thường xuyên có ý thức cộng đồng. Đó là một trong những yếu tố tạo nên tình làng nghĩa xóm, nét đẹp độc đáo của văn hóa dân tộc. Từ đó, người cao tuổi hiểu rõ lịch sử địa phương; từ cây đa, bến nước, sân đình đến hoàn cảnh sống của bà con hàng xóm, phong tục tập quán của quê hương. Cho nên khi xây dựng làng, thôn, ấp bản văn hóa; xây dựng nông thôn mới; tổ chức các công việc, sinh hoạt cộng đồng không thể thiếu vai trò người cao tuổi.

Say mê lao động, sáng tạo, vượt qua trở ngại về sức khỏe, tuổi tác là thực tế của không ít văn nghệ sĩ và nghệ nhân, tiếp tục đóng góp to lớn cho văn hóa dân tộc. Hiện nay, rất nhiều nghệ sĩ là hạt nhân của phong trào văn nghệ quần chúng nơi mình sinh sống. Ở các làng nghề, các nghệ nhân cao tuổi vẫn nắm giữ bí quyết nghề của cha ông từ hàng trăm, hàng nghìn năm và trở thành linh hồn của làng, của sản phẩm nghề truyền thống. Nhiều nghệ nhân cao tuổi đang giữ gìn những di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có di sản văn hóa thế giới. Nhà nước cần có cơ chế chính sách để thu hút nghệ sĩ, nghệ nhân bảo tồn văn hóa lâu đời của dân tộc và truyền lại cho mai sau.

Hầu hết người cao tuổi khỏe mạnh vẫn làm nhiều việc có ích cho gia đình và xã hội. Bởi vậy cần lắng nghe và tôn trọng người cao tuổi vì họ đã trải nghiệm cuộc đời với bao thăng trầm cùng những bài học quý giá; lưu giữ được những giá trị văn hóa dân tộc tỏa sáng với thời gian.

Tại Lào Cai, nỗi lo của nhiều người thuộc thế hệ đi trước là sự mai một của truyền thồng văn hoá địa phương, khi dưới tác động của cuộc sống mới hôm nay, giới trẻ ngày càng ít người quan tâm tới các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Chính nhờ những người già trong vùng đã giữ lại được văn hoá quý báu ấy và truyền lại cho con cháu. Với những kiến thức, kinh nghiệm tích luỹ được, những người già trong làng, bản luôn mong có dịp để truyền cho con cháu giữ gìn mãi mãi.

Bà Hoàng Thị Quanh, Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã Làng Giàng, huyện Văn Bàn (Lào Cai) là một điển hình như thế. Sinh ra trong cái nôi của hát Nôm Tày, tình yêu với điệu Khắp Nôm đã ngấm vào máu thịt, khiến bà thêm gắn bó với công việc lưu giữ và trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống trong vài chục năm nay.

Bà Hoàng Thị Quanh chia sẻ: “Lớp trẻ bây giờ hầu như không biết gì về điệu Khắp Nôm. Sau khi tôi giới thiệu, giải thích thì mọi người cũng thấy hay, cũng dần thích tập luyện”. Được tiếp thu những giá trị văn hóa dân tộc từ khi sinh ra, sống giữa tình làng nghĩa xóm với những thuần phong mỹ tục bao đời ông cha để lại, những thế hệ người cao tuổi ở Lào Cai đang nỗ lực phát huy tinh thần trách nhiệm, gìn giữ và trao truyền, để những tinh hoa văn hóa ấy tiếp tục được tỏa sáng trong cuộc sống hàng ngày.

Người cao tuổi là tài sản quý báu và là nguồn lực vô giá với nhiều kinh nghiệm sống và nguồn tri thức vô tận có thể truyền đạt cho thế hệ trẻ về sau. Vì vậy, các thế hệ con, cháu cần phải có sự quan tâm, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc tinh thần cũng như phát huy tối đa vai trò của người cao tuổi.

Đọc thêm