Văn hóa Hòa Bình- cái nôi nền nông nghiệp người Việt cổ

(PLO) - Nền văn hóa Hòa Bình (12.000-10.000 TCN) với đặc trưng kỹ thuật ghè đẽo trên khắp chu vi hoàn cuội mở đầu cho thời đại đồ đá mới. Đặc biệt tại Hòa Bình, người ta đã tìm thấy những dấu tích của nền nông nghiệp người Việt cổ.
Một lối vào hang Xóm Trại, nơi cư ngụ của người Hòa Bình tiền sử.
Một lối vào hang Xóm Trại, nơi cư ngụ của người Hòa Bình tiền sử.

Cuộc sống người nguyên thủy Hòa Bình 

Văn hóa Hòa Bình có niên đại cách ngày nay 15.000 năm, kéo dài đến 2.000 năm TCN, trải dài trên vùng đất xen núi đá vôi thuộc phía Tây châu thổ 3 con sông lớn thuộc Bắc Bộ và với không gian rộng lớn, tiêu biểu cho cả vùng Đông Nam Á và Nam Trung Quốc. Nền văn hóa này Hòa Bình được giới khảo cổ học chính thức công bố năm 1932, là đề xuất của Madeleine Colani, sau khi đã được Đại hội các nhà Tiền sử Viễn Đông họp tại Hà Nội thông qua.

Cụm từ Văn hóa Hòa Bình được dùng để chỉ văn hóa cuội được ghè đẽo trên khắp chu vi hòn cuội để tạo ra những dụng cụ từ thời đá cũ đến thời đá mới. Đây là nét đặc trưng để phân biệt với các cư dân đồ đá dùng đá lửa, dễ ghè đẽo và dễ chế tạo hơn.

Riêng tại vùng đất Hòa Bình là một trong những nơi mà các nhà khảo cổ học chứng minh có người Việt cổ sinh sống cách đây hàng vạn năm. Nơi đây từng tìm thấy 47 chiếc trống đồng cổ, trong đó có trống đồng sông Đà và trống đồng Miếu Môn thuộc loại đẹp và cổ. 

Bên cạnh đó là hệ thống các di tích như hang Muối- nơi cư trú của người nguyên thủy trong thời gian dài. Người ta cũng đã xác định nhiều công cụ đá, di tích bếp, xương của người nguyên thủy. Hay như tại di tích hang Khoài- Niên đại kỹ nghệ cuội Việt Nam, nơi cư trú của người nguyên thủy cách đây 17.000 năm đến 11.000 năm.

Hoặc ở khu mộ cổ Đống Thếch- Nơi có hàng trăm ngộ mộ xung quanh được chôn nhiều hòn mộ, có mộ cao tới 3m, trên khắc chữ Hán ghi tên người đã chết. Người Mường ở Hòa Bình quan niệm rằng người chết vẫn có linh hồn trú ngụ, gửi gắm vào đá. 

Đáng chú ý tại di tích Hang Chùa, còn có tên “Văn Quan Động” được khắc trên vách đá, dưới khắc thơ, bài văn thế kỷ 18-19. Đặc biệt phát hiện mới nhất về lối mòn cổ cách đây 22.000 năm tại hang Xóm Trại, xã Tân Lập, thuộc Mường Vang, Lạc Sơn (Hòa Bình) đã khẳng định chắc chắn về điều đó. Hang Xóm Trại có chiều rộng cửa hang trung bình 7m, chiều dà 22m, sâu 7-10m qua hàng ngàn năm vùi lấp chủ yếu là vỏ óc ken đặc cho thấy phải qua hàng chục ngàn năm mới tích tụ được lớp vỏ thức ăn dày như vậy. 

Phục dựng bếp lửa và cảnh sinh hoạt của con người thời văn hóa Hòa Bình.
Phục dựng bếp lửa và cảnh sinh hoạt của con người thời văn hóa Hòa Bình.

Một số nhà khảo cổ đánh giá hang đá này là nơi cư trú lâu dài của người nguyên thủy trong văn hóa Hòa Bình. Người ta tìm thấy lối đi cổ mới phát hiện ở ngách phía bắc hang có niên đại 22.000 năm, là lối đi đầu tiên của người nguyên thủy ra vào hang. Nơi đây vừa là công xưởng chế tác công cụ của cư dân văn hóa Hòa Bình. Cho tới nay có hơn 4.000 hiện vật được khai quật tại đây.

Đặc biệt ngoài lối đi cổ, các nhà khảo cổ còn phát hiện dấu hiệu tro bếp và bộ hài cốt có độ tuổi trên 14.000 năm đến 17.000 năm. Trước đó trong đợt khai quật ở những năm 80 của thế kỷ trước, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy những hạt thóc của người xưa rơi vãi, được xác định thời thời nhà Trần.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy vết tích mộ táng cuối thời Trần đầu thời Lê gần như còn nguyên vẹn. Người nguyên thủy ở văn hóa Hòa Bình đã biết chèn đá hộc, rải đá dăm quanh mộ để bảo vệ.

Qua các di cốt tìm thấy trong các di chỉ mộ táng, theo các nhà khảo cổ học, có thể hình dung con người Hòa Bình thời tiền sử có đặc điểm như sau: tầm vóc to, khỏe mạnh; sọ thuộc loại dài và cao; mặt thuộc loại rộng, hốc mắt trung bình, hốc mũi rộng; độ mòn răng thấp; có người thọ tới 70 tuổi. Cư dân Hòa Bình có các hình thức mai táng với nhiều tập tục khác nhau.

Đối với người Hòa Bình cổ, người chết không có nghĩa là hết tất cả mà đó chỉ là chuyển từ thế giới này sang thế giới khác. Vì thế, trong mộ táng, chúng ta gặp những đồ tùy táng như công cụ đá, đồ trang sức bằng vỏ trai, vỏ ốc hoặc xương răng thú.

Cũng tại hang Xóm Trại, các nhà khảo cổ còn tìm thấy rìu đá, xương thú, vỏ trấu, vỏ quả óc chó và nhiều hóa thạch của vỏ ốc. Đây được xem là thức ăn thường dùng của người Việt cổ. Cách thức ăn ốc của người Việt cổ được cho kế thừa đến ngày nay. Đồng bào Mường ở Hòa Bình vẫn ăn ốc bằng cách chặt đuôi để hút thịt. 

Kỹ thuật chế tác công cụ phát triển

Như đã nói ở trên, văn hóa Hòa Bình có trình độ chế tác đồ đá đạt trình độ khá cao. Ví dụ ở di tích hang Xóm Trại, người ta tìm thấy công cụ đá mài lưỡi khá phong phú, nó cho thấy kỹ thuật chế tác đá điêu luyện của người Việt cổ. 

Chẳng hạn tại di tích hang Con Moong ở xã Thành Yên (huyện Thạch Bàn, Thanh Hóa). Đây là hang rộng, nền hang cao hơn 40m so với chân núi và rộng hơn 300m2. Người nguyên thủy được cho cư trú ở đây liên tục từ Văn hóa Sơn Vi đến Hòa Bình, Bắc Sơn. Bằng chứng là tại đây các nhà khảo cổ tìm thấy nhiều vỏ nhuyễn thể, mùn thực vật.

Cư dân văn hóa Hòa Bình cư ngụ ở đây được cho đã dùng đá cuội chế tác công cụ nhưng kỹ thuật rất phát triển, công cụ có hình bầu dục hoặc hình hạnh nhân, lưỡi hòn cuội được chế tác bằng thủ pháp ghè tỉa để có độ sắc bén hơn, chức năng cũng đa dạng hơn như chặt, cắt, nạo...

Trong số các công cụ, rìu ngắn chiếm số lượng nhiều, chức năng của rìu ngắn cũng rất đa dạng, có thể sử dụng như những chiếc cuốc đá. Mảnh tước tuy số lượng không nhiều nhưng phần lớn đã được gia công để tạo thành công cụ nạo, dao đá. Cư dân Con Moong cũng có kỹ thuật chế tạo dụng cụ từ xương thú khá cao, đó là việc họ chỉ chọn xương ống của động vật có vú để chế tác, loại xương này có nhiều sợi nên bền và chắc hơn. 

Công cụ sản xuất của cư dân Văn hóa Hòa Bình thời kỳ đá mới.
 Công cụ sản xuất của cư dân Văn hóa Hòa Bình thời kỳ đá mới.

Địa điểm nữa ghi nhận dấu tích người Việt cổ Di chỉ mái đá Điều cũng chứa nhiều lớp văn hóa thuộc các thời đại đồ đá khác nhau, niên đại di chỉ này khoảng 8.200 năm. Tầng văn hóa ở mái đá Điều dày khoảng 4m, chứng tỏ sự cư trú lâu dài của con người. Các nhà khảo cổ học đã thu được tại đây nhiều công cụ bằng đá đặc trưng văn hóa Hòa Bình, nhất là rìu ngắn, chày nghiền, bàn nghiền, công cụ đá đã xuất hiện kỹ thuật mài đá. 

Kỹ thuật chế tác công cụ phát triển của người Việt cổ ở nền văn hóa Hòa Bình còn được chứng minh quá phát hiện tại di chỉ Lạc Thủy. Từ lâu đời đây là một trong những địa điểm quần cư của con người. Nhiều hiện vật như trống đồng đã được tìm thấy ở đây thuộc thời đại kim khí, cách ngày nay 4.000 năm.

Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy ở Lạc Thủy nhiều công cụ bằng đá, hình khắc trên các vách đá- Người Hòa Bình tiền sử chưa có chữ viết nhưng họ có một loạt ký hiệu và hình vẽ trên đá để ghi lại những ký ức, miêu tả hiện thực, thế giới xung quanh… 

Từ các di chỉ được phát hiện, các nhà khảo cổ học chứng minh người Hòa Bình thời tiền sử không giam mình trong vùng núi sâu mà đã bắt đầu tiến ra dọc theo những thung lũng sông, suối, hướng tới vùng đồng bằng thấp, những di vật như vỏ ốc biển trong hang, mộ đã phần nào nói lên điều này. Đó là một trong những đặc trưng về loại hình di tích của văn hóa Hòa Bình.

Từ các hiện vật tìm được cho thấy người Việt cổ cư ngụ tại đây đã bắt ốc núi, ốc suối về ăn rồi vứt vỏ tạo thành lớp trầm tích dày trong các hang. Ngoài ra, người ta còn tìm thấy chày nghiền, mảnh tước bằng mai rùa và một số công cụ khác. Nó chứng minh rằng văn hoá Lạc Thủy đã kế thừa di sản văn hóa Sơn Vi. 

Đặc biệt các nhà khảo cổ còn tìm thấy dấu tích ban đầu của nền nông nghiệp sơ kỳ của người nguyên thủy sinh sống ở Lạc Thủy như ở hang Mái Đá (xã Phú Lão), hang Thẻ Bạc (xã Khoan Dụ). Trong sinh hoạt kinh tế của cư dân Hòa Bình, tuy săn bắn, hái lượm không giữ vị trí độc tôn, song vẫn là ngành kinh tế chủ đạo và trồng trọt mới nảy sinh.

Ở một số di tích như hang Xóm Trại đã phát hiện được dấu vết những hạt thóc, vỏ trấu, hạt gạo cháy. Điều đó cho thấy rằng cách ngày nay khoảng trên 1 vạn năm, cư dân Hòa Bình là một trong những cư dân đầu tiên phát minh ra nông nghiệp và Việt Nam, cụ thể tại Hòa Bình là một trong những trung tâm phát minh nông nghiệp sớm nhất thế giới. 

(còn tiếp)