Văn hóa là hồn cốt, bản sắc của dân tộc

(PLVN) -  Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII tháng 11/2021, nhắc đến câu nói của một tiền bối, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ quan điểm “văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (giữa) dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. (Ảnh: Giang Huy)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (giữa) dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. (Ảnh: Giang Huy)

Theo Tổng Bí thư, văn hóa hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp đều nói đến những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, tiến bộ của con người Việt Nam.

Lần đầu tiên Văn kiện Đại hội Đảng đề cập toàn diện, sâu sắc đến văn hóa

Theo Tổng Bí thư, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền văn hóa đã có đóng góp to lớn vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc. Tuy nhiên, văn hóa chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí.

Do đó, phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII. Lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội, Đảng đề cập toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược.

Để chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, như: khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc...

Tổng Bí thư đề cập đến việc xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh việc “chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, đạo đức”; xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số; khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu 4 giải pháp lớn để chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc. Trước hết, cần tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa; khắc phục tư tưởng chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hóa. “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” - Tổng Bí thư yêu cầu quán triệt nghiêm túc quan điểm này. Theo Tổng Bí thư, phải nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách Nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa.

Thứ hai, Tổng Bí thư chỉ đạo xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn mới; sớm khắc phục tình trạng chắp vá, tuỳ tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hóa, ở cả Trung ương và địa phương.

Thứ ba, quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại; phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới.

Thứ tư, chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục; nêu cao tinh thần “tương thân, tương ái”, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội.

Việt Nam sẽ định hình hệ sinh thái văn hóa nhằm gia tăng “sức mạnh mềm”, định vị thương hiệu quốc gia. (Ảnh minh họa)

Việt Nam sẽ định hình hệ sinh thái văn hóa nhằm gia tăng “sức mạnh mềm”, định vị thương hiệu quốc gia. (Ảnh minh họa)

10 giải pháp phát triển giá trị văn hóa, sức mạnh người Việt

Việc phát triển con người toàn diện, tăng đầu tư cho sự nghiệp văn hóa là một trong những định hướng của đất nước giai đoạn 2021 - 2030, vì thế tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, 10 giải pháp trọng tâm đã được đưa ra.

Trước hết, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững.

Thứ hai, tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới; từng bước khắc phục các hạn chế của người Việt.

Thứ ba, hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý Nhà nước về văn hóa. Trong đó, phạm vi can thiệp của Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa cần được quy định, tạo dư địa phù hợp cho sáng tạo và hưởng thụ văn hóa chính đáng của người dân. Hệ thống quản lý văn hóa được chuyển đổi chủ yếu từ mệnh lệnh hành chính sang cơ chế quản lý bằng luật pháp và các công cụ điều tiết vĩ mô khác.

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, văn nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý; cho các lĩnh vực then chốt, đặc thù.

Thứ năm, xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế, đặc biệt là văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội; văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế, xã hội.

Thứ sáu, phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước. Việc tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam sẽ trở thành các sự kiện thường niên, có uy tín khu vực và thế giới, thu hút sự tham gia của các nghệ sĩ và các tổ chức văn hóa nghệ thuật có uy tín, được đông đảo công chúng quan tâm.

Thứ bảy, xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.

Thứ tám, phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xây dựng con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị.

Thứ chín, tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế khác đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người. Trong đó, xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế và phí đối với các cơ sở đào tạo và thiết chế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư, đặc biệt là ở vùng còn khó khăn; khuyến khích hình thành các quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học nghệ thuật, phát triển điện ảnh, hỗ trợ xuất bản.

Cuối cùng, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế; chủ động mở rộng hợp tác, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới.

Mỗi người dân Việt Nam cần có trách nhiệm giữ gìn, trân trọng, phát huy di sản văn hóa cha ông. (Ảnh minh họa)

Mỗi người dân Việt Nam cần có trách nhiệm giữ gìn, trân trọng, phát huy di sản văn hóa cha ông. (Ảnh minh họa)

Văn hóa sẽ là “lá chắn mềm” theo tinh thần “hoa thơm sẽ lấn át cỏ dại”

Theo Bộ trưởng VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng, Việt Nam có nguồn tài nguyên văn hóa phong phú, giàu có nhưng chưa có cơ chế đồng bộ để chuyển hóa, tạo nên khả năng cạnh tranh quốc tế cho ngành công nghiệp văn hóa. Một trong những nguyên nhân của thực trạng nêu trên là do chưa thống nhất về hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam, cũng như việc gắn kết giữa phát triển kinh tế với văn hóa. Đầu tư cho văn hóa ở Trung ương và địa phương đều chưa tương xứng. Vì vậy, thời gian tới Bộ VH,TT&DL sẽ tham mưu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện thể chế về lĩnh vực văn hóa. Quy luật riêng của nghệ thuật sẽ được tôn trọng để có chính sách hỗ trợ văn nghệ sĩ sáng tác, nhằm tạo nên những tác phẩm sống mãi với thời gian.

Việt Nam sẽ định hình hệ sinh thái văn hóa nhằm gia tăng “sức mạnh mềm”, định vị thương hiệu quốc gia. Văn hóa sẽ trở thành “lá chắn mềm” loại trừ sự phản cảm, theo tinh thần “hoa thơm sẽ lấn át cỏ dại”. Con người Việt Nam sẽ được xây dựng với những phẩm chất như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Ngành công nghiệp văn hóa sẽ được phát triển có trọng tâm, trọng điểm, để phát huy “sức mạnh mềm”, dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ. Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu doanh thu ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP vào năm 2030.

Chúng ta có trách nhiệm giữ gìn, trân trọng, phát huy di sản văn hóa cha ông

Hiện nay, cả nước có 166 bảo tàng, trong đó có 4 bảo tàng quốc gia với hơn 3 triệu hiện vật; gần 3.500 di tích được xếp hạng quốc gia, trong đó hơn 1.600 di tích lịch sử; 105 di tích quốc gia đặc biệt; 288 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia; 27 di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là “di sản văn hóa thế giới”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đó là tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được. Do đó, “chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy” và “nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông”.

Đọc thêm