Văn hóa & Pháp luật

Văn hóa và câu chuyện chuyển hóa thời đại số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo dòng chảy thời đại, chuyển đổi số là một trong những xu hướng tất yếu của nền cách mạng công nghiệp 4.0. Ở mọi lĩnh vực, chuyển đổi số đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sự phát triển và thúc đẩy đổi mới. Lĩnh vực văn hoá cũng không ngoại lệ, chuyển đổi số được coi là cấp thiết khi nhiều hoạt động văn hoá đã bị đứt quãng suốt thời gian đại dịch hai năm qua.
 Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với công nghệ tham quan trực tuyến 3D Tour.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với công nghệ tham quan trực tuyến 3D Tour.

Xu hướng tất yếu trong cách mạng 4.0

Trong thời gian gần đây, chúng ta thường nghe thấy khái niệm chuyển đổi số được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Vậy chuyển đổi số là gì? Sơ lược qua chuyển đổi số là khái niệm ra đời trong thời đại Internet bùng nổ, đang trở nên phổ biến trong thời gian gần đây, mô tả việc ứng dụng công nghệ số vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp. Nếu đạt hiệu quả, hoạt động này sẽ thay đổi toàn diện cách thức mà một doanh nghiệp hoạt động, tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho khách hàng.

Đây không chỉ là mục tiêu được quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp công nghệ mà còn của cả quốc gia. Bởi chuyển đổi số còn có vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác của xã hội như: Chính phủ, y học khoa học, truyền thông đại chúng…. Và chuyển đổi số ở lĩnh vực văn hoá cũng được xem là một xu hướng tất yếu trong cách mạng công nghệ 4.0.

Cũng giống như những lĩnh vực khác, văn hoá không thể đứng ngoài sự chuyển mình đầy mạnh mẽ của thời đại. Từ trước đến nay, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hoá vẫn đang diễn ra liên tục xuyên suốt quá trình tồn tại và phát triển của văn hoá trong mọi giai đoạn. Quá trình này diễn ra song song theo từng mức độ phát triển công nghệ và sự tiếp nhận công nghệ mới của con người trong đời sống xã hội. Những vượt trội, ưu việt của công nghệ mới ngay lập tức được áp dụng và khai thác tối đa trong các hoạt động của đời sống xã hội nói riêng và lĩnh vực văn hoá nói chung.

Sự chuyển mình này càng được thể hiện rõ ràng sau hai năm qua khi dịch COVID-19 diễn ra, đây được coi là thử thách với lĩnh vực văn hoá khi phải chuyển đổi số sao cho phù hợp với tình hình. Cũng giống như những lĩnh vực khác, tác động của đại dịch COVID-19 cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực văn hoá. Thực tế cho thấy nhiều hoạt động của lĩnh vực này đã đứt quãng trong suốt thời gian diễn ra đại dịch, từ du lịch đến nghệ thuật biểu diễn, từ thư viện đến bảo tàng, từ văn hóa cơ sở đến di sản…

Năm 2021, theo báo cáo của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đánh giá tác động của đại dịch với ngành này: các bảo tàng hoàn toàn không có nguồn thu; hệ thống thư viện trong cả nước dừng phục vụ tại chỗ hoặc tạm thời đóng cửa trụ sở; các dự án sản xuất phim hợp tác, cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài hầu hết không thể triển khai; lễ hội văn hóa - du lịch Việt Nam tại nước ngoài, giao lưu văn hóa trong nước, nghệ thuật biểu diễn, triển lãm nhiếp ảnh, mỹ thuật đều “đóng băng”,… Với du lịch, 90% doanh nghiệp lữ hành đóng cửa, doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh chiếm gần 30% doanh nghiệp đã cấp phép.

Khó khăn là vậy nhưng nhìn theo hướng tích cực, ngành văn hoá coi thời gian gián đoạn vừa qua là dịp để đẩy mạnh chuyển đổi số hóa cho phù hợp với thời đại 4.0. Do đó, đến năm 2022 khi tình hình dịch bệnh đã lắng xuống toàn ngành văn hoá đã đúc rút kinh nghiệm, sửa đổi kịp thời và phát huy hơn nữa vai trò của chuyển đổi số.

Trong năm 2022, chuyển đổi số là một trong bốn khâu đột phá của ngành văn hoá. Chuyển đổi số trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch với kế hoạch tiếp tục duy trì, phát huy vai trò của mô hình “nhà hát online”; thúc đẩy xây dựng, phát triển mô hình “bảo tàng online”; phát triển du lịch thông minh; triển khai Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện;…

Thúc đẩy, phát huy có chọn lọc

Trở lại thời gian khó khăn, u ám khi đại dịch COVID-19 diễn ra, nhiều khu du lịch, bảo tàng vắng khách, nhà hát đóng cửa, sân khấu tắt đèn, nghệ sĩ không được biểu diễn, khán giả không được giải trí, thưởng thức nghệ thuật. Trước bối cảnh này, một cuộc chuyển mình mạnh mẽ của ngành văn hoá đã diễn ra. Chuyển đổi số đã phát huy sức mạnh của “vaccine tinh thần” xoa dịu nỗi đau, cổ vũ nhân dân vượt qua đại dịch. Cũng như tháo gỡ khó khăn về kinh tế cho lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch trong giai đoạn này.

Không nói quá khi cho rằng, 2021 là năm của chuyển đổi số bởi bước ngoặt nó mang lại, nổi bật trong số đó phải kể đến câu chuyện chuyển đổi số tại nhiều bảo tàng – di tích. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một trong những đơn vị thành công trong sự chuyển mình mạnh mẽ này. Đây là đơn vị duy nhất được trao Giải thưởng Cơ quan nhà nước, Đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc - một hạng mục quan trọng tại Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021 - Vietnam Digital Awards (VDA 2021).

Di tích Nhà tù Hỏa Lò phát thanh câu chuyện lịch sử trên Spotify.

Di tích Nhà tù Hỏa Lò phát thanh câu chuyện lịch sử trên Spotify.

Tháng 4/2021, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã cho ra mắt ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA đưa những triển lãm, tác phẩm hội họa nổi tiếng Việt Nam lên không gian số. Đến tháng 8/2021, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tiếp tục ra mắt công nghệ tham quan trực tuyến 3D Tour, liên kết với iMuseum VFA để khách hàng có thể trả phí, khai thác thông tin chi tiết hơn và tham quan trực tuyến khi có nhu cầu.

Với nội dung bằng tiếng Việt và tiếng Anh, công chúng ở bất kỳ đâu trên thế giới đều có thể tự do khám phá không gian trưng bày thường xuyên của bảo tàng, chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật và nghe lời giới thiệu chung về các chủ đề trưng bày. Bên cạnh đó, 100 hiện vật tiêu biểu được giới thiệu trong ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA cũng được liên kết với trưng bày trực tuyến 3D Tour, được gắn biểu tượng nổi bật giúp du khách dễ dàng nhận ra.

Cũng giống như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Di tích Nhà tù Hoả Lò cũng là đơn vị thành công trong câu chuyện chuyển đổi số năm 2021. Đã từng trở thành hiện tượng mạng thu hút hàng trăm nghìn lượt tương tác bởi những nội dung chất lượng trên Facebook từ đầu năm 2021. Đến tháng 7/2021, cùng với việc đẩy mạnh truyền thông qua fanpage, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã chính thức cho ra mắt kênh phát thanh độc quyền HoaLoPrisonRelic trên nền tảng Spotify, nhằm đưa những câu chuyện lịch sử tiếp cận gần hơn đến công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ yêu lịch sử.

Kênh phát thanh HoaLoPrisonRelic gồm các podcast được đội ngũ cán bộ, công nhân viên tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò thực hiện từ khâu sản xuất nội dung tới hậu kỳ sản phẩm, với mục tiêu mang đến cho những người yêu lịch sử những câu chuyện ý nghĩa, mang tới những trải nghiệm đáng nhớ, cùng lắng nghe những giai điệu của lịch sử đã thành. Tại đây, Ban Quản lý Di tích sẽ dần đưa đến công chúng các câu chuyện lịch sử, các trưng bày, triển lãm, các buổi tọa đàm và các phỏng vấn ngắn về các nhân chứng lịch sử.

Cho đến nay, khi dịch COVID-19 đã qua đi câu chuyện chuyển đổi số vẫn là điểm nhấn mới lạ trong lĩnh vực văn hoá. Hàng loạt các bảo tàng, di tích, khu du lịch, nhà hát đang dần hội nhập với thời đại, thúc đẩy triển khai chuyển đổi số trên mọi mặt. Nhiều chương trình số hóa đặc biệt đã ra đời, đưa nghệ thuật truyền thống đến với công chúng ngay trên những nền tảng mạng xã hội quen thuộc như Facebook, YouTube… Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại cho ra một kết quả tương đối ưng ý.

Tuy nhiên, bên cạnh việc thúc đẩy, phát huy thì việc chọn lọc là rất cần thiết khi những hiện tượng mạng gây ô nhiễm văn hoá xuất hiện ngày càng nhiều. Một số nhân vật trên mạng xã hội có những hành vi “lệch chuẩn” văn hóa nhưng lại thu hút được sự chú ý của rất nhiều bạn trẻ, thậm chí là sự hưởng ứng, bắt chước, coi như “thần tượng”, đã đặt ra bài toán khó cho lĩnh vực văn hoá. Khi mà có một thực tế là dù các đơn vị trong lĩnh vực văn hoá đã đầu tư quy mô, nghiêm túc các sản phẩm chuyển đổi số nhưng so về độ phủ sóng và sức ảnh hưởng vẫn chưa là gì so với các hiện tượng mạng nói trên. Có lẽ, việc kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những hiện tượng mạng “vô văn hóa”, “lệch chuẩn” là rất cần thiết trong thời gian này.

Nhìn lại hành trình cách mạng công nghiệp 4.0 song hành cùng với lĩnh vực văn hoá đã cho chúng ta thấy những thành tựu rõ rệt. Văn hoá và câu chuyện chuyển hoá thời đại số được xác định là con đường tất yếu trong tương lai để phát triển ngành văn hoá và giúp đưa văn hoá tiếp cận gần hơn tới khán giả trên không gian số.

Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức hằng năm nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia; đồng thời nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số và thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Đọc thêm