Bộ Y tế chiều 24/7 quyết định vẫn tiếp tục tiêm văcxin viêm gan B cho bé sơ sinh theo lịch trong Dự án Tiêm chủng mở rộng để phòng bệnh cho trẻ và cộng đồng.
Quyết định này đưa ra sau buổi họp chiều cùng ngày có sự tham gia của Bộ trưởng Y tế và các thành viên Hội đồng tư vấn sử dụng văcxin, sinh phẩm y tế; Hội đồng tư vấn đánh giá phản ứng sau tiêm cùng các chuyên gia đầu ngành.
|
Ảnh minh họa từ Người lao động. |
Bộ khuyến cáo các bậc cha mẹ tiếp tục đưa con đi tiêm chủng các văcxin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ trẻ chủ động phòng các bệnh có thể phòng bằng văcxin.
Bộ cũng chỉ đạo Viện kiểm định quốc gia văcxin, sinh phẩm y tế phối hợp với cơ quan Cảnh sát điều tra thực hiện các xét nghiệm để sớm đưa ra kết luận về nguyên nhân 3 trẻ tử vong sau tiêm tại Quảng Trị.
Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia nếu thai phụ không mang virus viêm gan B thì không cần tiêm sớm cho trẻ. Tuy nhiên, thực tế không phải sản phụ nào cũng có điều kiện làm xét nghiệm, nhất là ở các bệnh viện tuyến dưới. Trong khi đó, Việt Nam lại là nước có tỷ lệ lưu hành virus viêm gan B trong cộng đồng lớn. Ước tính có khoảng 10% bà mẹ có sẵn virus này trong máu.
Trước đó, ngày 20/7, sau khi cùng tiêm văcxin viêm gan B, 3 em bé sơ sinh ở Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, tím tái, lịm dần rồi qua đời. Kết luận điều tra ban đầu là trẻ bị sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân. Hiện cơ quan chức năng vẫn tiếp tục xét nghiệm mẫu bệnh phẩm và mẫu văcxin để tìm nguyên nhân gây tử vong.
Văcxin viêm gan B bắt đầu được sử dụng từ năm 1997 tại một số tỉnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Từ năm 2003, nó được mở rộng ra cả nước. Từ năm 2007 đến nay, Công ty Văcxin và sinh phẩm y tế số 1 đã cung cấp khoảng 4,5-5 triệu liều mỗi năm trước khi sử dụng văcxin Quinvaxem (tháng 6/2010) và 1,2 triệu liều một năm sau khi sử dụng Quinvaxem.
Năm 2007, tức khoảng 10 năm được đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia, văcxin ngừa viêm gan B từng bị Bộ Y tế tạm ngưng tiêm khi có một số trẻ tử vong sau chích ngừa. Tuy nhiên, sau đó các chuyên gia đã đưa ra kết luận những trường hợp này không liên quan đến văcxin.
Theo VnExpress