Vật tư nông nghiệp cũng cần “luồng xanh”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhiều địa phương phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg cho biết đang gặp khó khăn trong lưu thông cây, con giống, nguyên liệu, vật tư nông nghiệp để tái sản xuất.
Không vận chuyển được tôm giống, doanh nghiệp này thiệt hại rất lớn.
Không vận chuyển được tôm giống, doanh nghiệp này thiệt hại rất lớn.

Đề nghị bổ sung danh mục hàng hóa thiết yếu

Tại Hội nghị trực tuyến với 19 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khu vực phía Nam nhằm thúc đẩy sản xuất, cung ứng nông sản trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tổ chức hôm 19/7, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trưởng nông sản (Bộ NN&PTNT) khẳng định, trước mắt nguồn cung lương thực, rau, củ, quả, trái cây, thực thẩm tươi sống không thiếu… Tuy nhiên, do thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ, hàng hóa lưu thông đang gặp khó khăn, đặc biệt là cây giống, con giống, nguyên liệu, vật tư nông nghiệp phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Tại Hội nghị, nhiều địa phương cho biết, các hợp tác xã, bà con nông dân đang lúng túng khi không biết mua và vận chuyển các mặt hàng này như thế nào. “Cùng với việc giải quyết ách tắc cho lưu thông hàng nông sản thực phẩm thì cần quan tâm đến nguyên liệu đầu vào cho nông nghiệp như: giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản và vật tư, nguyên liệu để duy trì sản xuất, bảo đảo nguồn cung lâu dài… Đây cũng là việc rất quan trọng!” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Theo Báo cáo của Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch COVID-19 của Bộ NN&PTNT (Tổ công tác 970), chuỗi cung ứng nông sản, nguồn cây con giống, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp đang bị tắc nghẽn do các trạm kiểm soát COVID-19 kiểm soát chặt.

Đặc biệt, việc lưu thông hàng hóa gặp khó khăn do lực lượng lái xe, bốc dỡ hàng hóa thiếu vì lo ngại dịch bệnh và khó khăn trong việc đi lại, cần giấy xét nghiệm làm tăng chi phí, giá thành sản phẩm. Theo Tổ công tác 970, những khó khăn này nếu không kịp thời tháo gỡ sẽ gây bất ổn trong việc duy trì sản xuất đảm bảo sản lượng nông sản cung cấp cho thị trường ổn định lâu dài.

Trong Công văn 4573/BNN-VP ngày 21/7 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đề nghị Thủ tướng bổ sung vào danh mục hàng hóa thiết yếu các loại giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản và vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản. “Việc bổ sung danh mục này nhằm ổn định sản xuất và đảm bảo nguồn cung nông sản, thực phẩm trong thời gian trước mắt và ổn định lâu dài...” - Công văn của Bộ NN&PTNT khẳng định.

Cần ưu tiên “luồng xanh”

Ngay sau khi có Công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, ngày 22/7, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã ký Văn bản 4613/BNN-VP gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc “Chủ động rà soát kế hoạch sản xuất và cụ thể hóa danh mục vật tư nông nghiệp trong điều kiện dịch COVID-19.

Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương rà soát tình hình, kế hoạch sản xuất các loại nông sản trên địa bàn; có phương án cụ thể, phù hợp đối với các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản bảo đảm thúc đẩy sản xuất. Đối với các loại nông sản vào vụ thu hoạch cần thiết huy động các lực lượng tham gia thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ, tuyệt đối không để đứt gãy các chuỗi cung ứng nông sản, hàng hóa nhằm bảo đảm ổn định nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân, nhất là tại các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo Chỉ thị 16/CT-TTg và phục vụ xuất khẩu.

Bộ yêu cầu các địa phương thường xuyên rà soát, cập nhật Danh mục các mặt hàng vật tư nông nghiệp (gồm: nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu, trang thiết bị, thuốc, vắc xin thú y…) phục vụ sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, lâm nghiệp và chế biến nông sản, phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch động thực vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; đồng thời cần linh hoạt để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người và phương tiện vận chuyển các loại vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất và chế biến nông sản.

Bộ cũng đề nghị các địa phương tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở có chuỗi sản xuất khép kín, đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu như Masan, Japfa, CP,… bảo đảm nguồn cung ứng kịp thời các mặt hàng thực phẩm thiết yếu…

Ông Lê Duy Khoa, Giám đốc Chi nhánh Công ty tôm giống Dương Hùng (Bạc Liêu) tại Trà Vinh cho biết, nhu cầu vận chuyển tôm giống từ trụ sở công ty ở huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu qua Trà Vinh là 1 triệu post mỗi ngày. Tuy nhiên, việc vận chuyển đã ngưng trệ do tài xế xin nghỉ vì khó khăn khi đi qua các trạm kiểm soát.

Hiện việc vận chuyển tôm bố mẹ từ Bạc Liêu ra Chi nhánh của Công ty ở tỉnh Quảng Nam là Công ty Dương Hùng Miền Trung cũng đang gặp khó khăn do Công ty Dương Hùng Bạc Liêu đã nhập con tôm mẹ từ Mỹ, để thuần dưỡng sản xuất tôm giống cho khu vực miền Trung. Doanh nghiệp muốn thuê máy bay để chở tôm giống ra Quảng Nam nhưng tất cả sân bay đều không nhận hàng chuyển ra Quảng Nam, dẫn đến thiệt hại rất lớn.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm