Trả lời:
Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
Bạn đã cho người khác vay số tiền 75 triệu đồng và hiện nay người này đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú từ tháng 03 năm 2016. Hành vi của người vay tiền có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009:
"1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
.....
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
......
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;"
Như vậy, người vay tiền của bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 140 Bộ luật Hình sự nêu trên.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bạn cần phải làm đơn tố cáo tới cơ quan điều tra và xử lí về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nêu trên.
Theo quy định tại Điều 101 Bộ luật Tố tụng hình sự thì công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Do đó, bạn có thể gửi đơn tố cáo hành vi của người vay đến các cơ quan nêu trên, kèm theo các tài liệu, chứng cứ có liên quan để đề nghị khởi tố vụ án nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.