Về thăm Khu di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" là một mốc son chói lọi của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, vì độc lập, tự do trong thế kỷ 20. Chiến thắng vang dội đó đã để lại nhiều bài học sâu sắc, hiện vẫn còn nguyên giá trị to lớn đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ phát triển và hội nhập.
 Cụm tượng đài Chiến thắng Mường Phăng. (Ảnh internet)
Cụm tượng đài Chiến thắng Mường Phăng. (Ảnh internet)

Khu di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ là một quần thể các di tích lịch sử ghi lại chiến công của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược. Nơi đây đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt. Các di tích nổi bật của chiến trường Ðiện Biên năm xưa là đồi A1, C1, C2, D1, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi Ðộc Lập, cầu và sân bay Mường Thanh, hầm chỉ huy của tướng Ðờ Catri.

Sở chỉ huy - cơ quan đầu não chiến dịch Điện Biên Phủ

Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nằm trong một khu rừng nguyên sinh tại địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ 25km về phía Đông. Đây là đại bản doanh và là nơi làm việc của các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái… trong vòng 105 ngày từ 31/1/1954 đến 15/5/1954. Sở Chỉ huy nằm ở độ cao trên 1.000m so với mặt biển, ẩn mình dưới tán rừng cổ thụ mà đến nay vẫn chưa bị chặt phá do ý thức của người dân coi đây là chốn “rừng thiêng”, là mảnh “vườn nhà” phải giữ gìn, chăm chút. Sở Chỉ huy quân sự chiến dịch Điện Biên Phủ đóng dọc theo một con suối nhỏ chạy quanh dưới chân núi Pú Đồn, được bố trí thành một hệ thống liên hoàn, bao bọc trước sau, có hầm hào, lán trại thuận tiện, vừa phù hợp với tốc độ làm việc, vừa bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối.

Với cách bố trí hầm, lán trại thành hệ thống liên hoàn, ẩn mình trong rừng già dưới chân núi Pú Đồn, cơ quan đầu não quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ được đảm bảo an toàn tuyệt đối...

Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh Nguyễn Hoan)

Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh Nguyễn Hoan)

Từ căn hầm chỉ huy này đi ra triền núi phía sau, trèo lên đỉnh đồi Pú Cá, có thể quan sát toàn bộ thành phố Điện Biên Phủ, thung lũng Mường Thanh và các cứ điểm trước kia của quân Pháp như đồi Him Lam, đồi Độc Lập, đồi D1, đồi C1, đồi A1, cầu Mường Thanh... Gần với Sở Chỉ huy có đài quan sát trên đỉnh núi độ cao trên 1.000m, từ đài quan sát này có thể bao quát hoạt động và diễn biến ở thung lũng Mường Thanh.

Sở Chỉ huy gồm: Chòi canh gác số 1; Hầm thông tin liên lạc; Đài quan sát; Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Lán ở và làm việc của Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái; Đường hầm xuyên núi dài 96m nối liền lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái; Hầm của ban cố vấn Trung Quốc; Nhà hội trường; Hầm ban chính trị.

Vào những thời điểm quân Pháp ném bom dữ dội, Đại tướng làm việc và nghỉ ngơi trong hầm trú ẩn được đào xuyên vào lòng một quả đồi để tránh bom và đạn đại pháo. Đường hầm dài 69m, cao 1,9m, rộng 2m, thông từ lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến lán của Thiếu tướng Hoàng Văn Thái.

Nằm cách Sở Chỉ huy chiến dịch 300m về phía Đông Bắc là nơi quân và dân ta long trọng tổ chức lễ duyệt binh mừng chiến thắng vào ngày 13/5/1954. Trong Dự án tôn tạo Di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Ban Quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ đã thực hiện ý tưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp quy hoạch thành khuôn viên trên nền bãi duyệt binh cũ và đặt một cụm tượng đài nhân kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đồi A1 - nơi diễn ra trận đánh quan trọng

Đồi A1 nằm cạnh quốc lộ 279, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Cứ điểm cao 32m so với mặt đường với diện tích khoảng 83000m2. Vào tháng 2/1946, khi Pháp chiếm lại được Điện Biên, chúng đã bố trí rất nhiều lô cốt, hầm ngầm tại quả đồi và đặt lại tên gọi là Elian 2. Tuy nhiên hiện nay, mọi người vẫn gọi nơi đây với cái tên đồi A1 Điện Biên Phủ. Đây là di tích nằm cùng với các điểm C1, C2, D và E ở phía Đông dãy đồi, tạo thành bức tường thành bao bọc khu trung tâm. Thực dân Pháp gọi đây là cái cổ họng của Điện Biên đủ thấy vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất của đồi A1. Nếu chiếm được cao điểm A1 thì phân khu trung tâm của địch sẽ không đủ sức chống đỡ, tập đoàn cứ điểm cũng sẽ bị uy hiếp.

Hầm chỉ huy đồi A1 của Pháp. (Ảnh Huy Hoàng)

Hầm chỉ huy đồi A1 của Pháp. (Ảnh Huy Hoàng)

A1 là nơi diễn ra trận đánh quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ ngày 30/3 đến 30/4/1954, quân ta đồng loạt tiến công đánh chiếm được các cứ điểm phía Đông của phân khu trung tâm, thắt chặt vòng vây, chia cắt đội hình địch, đồng thời kiểm soát được sân bay Mường Thanh, hạn chế sự chi viện của địch. Địch ngoan cố chống trả nhằm kéo dài thời gian đến mùa mưa, buộc quân ta phải cởi bỏ vòng vây. Đợt tấn công lần này được coi là bất phân thắng bại, dai dẳng và quyết liệt nhất, bên ta và địch liên tục tranh chấp, giành giật nhau từng tấc đất. Sau 30 ngày giằng co gay gắt tại đồi A1 Điện Biên Phủ, khu trung tâm đã nằm trong tầm kiểm soát của quân đội Việt Nam. Phía thực dân Pháp rơi vào thế bị động, ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần chiến đấu.

Quân ta tiếp tục đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và chính thức mở cuộc tổng công kích tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch tại tập đoàn cứ điểm. Đêm ngày 6/5/1954 diễn ra trận chiến quyết liệt giữa ta và địch tại đồi A1, quân ta ồ ạt tấn công, phá hủy các lô cốt và rất nhiều hầm ngầm của Pháp. Cuối cùng, chỉ huy đồi A1 cùng 400 binh lính phải giơ tay xin hàng.

Ngày 7/5/1954, vào lúc 17h30 phút, Sở Chỉ huy của địch bị quân ta đánh chiếm, tướng De Catries cùng toàn bộ Tham mưu và binh lính chịu trận đầu hàng.

Tại đây còn có ngôi mộ tập thể của những chiến sĩ vô danh đã anh dũng hy sinh vì hòa bình dân tộc và đài tưởng niệm di tích đồi A1. Bên cạnh đó là xác một trong hai chiếc xe tăng nặng 18 tấn mà tên Quan Ba Hécvuê đưa từ trung tâm Mường Thanh lên để phản kích quân đội Việt Nam. Một di tích quan trọng nữa là cái hố hình phễu to bằng cái "ao đình" cạn. Đó là dấu tích trận nổ khối bộc phá nghìn cân của quân ta mà chiến sĩ ta thường gọi "đào hầm để trị hầm", trị cả hầm, cả lô cốt cố thủ của giặc.

Hầm chỉ huy của tướng De Castries - nơi bắt sống tướng địch

Hầm chỉ huy của tướng De Castries nằm ở trung tâm lòng chảo Mường Thanh, là cơ quan đầu não, là trái tim, là linh hồn của toàn bộ tập đoàn quân sự khổng lồ mà các tướng tá Pháp, Mỹ rất tự hào và coi đây là một pháo đài mạnh nhất chưa từng có ở Đông Dương. Nó là biểu tượng sức mạnh quân sự và chiến thắng của chủ nghĩa thực dân cũ và mới, nên được Chính phủ Pháp, Mỹ ưu tiên cả vật chất và tinh thần. Cơ quan tổng hành dinh này được đặt ở vị trí trung tâm và ưu tiên những vật liệu xây dựng vững chắc, đủ khả năng chống chọi hỏa lực của đối phương và được bảo vệ bằng các vũ khí hiện đại, phương tiện kỹ thuật hiện đại.

Căn phòng làm việc - nơi tướng Đờ Cát bị bắt sống. (Ảnh tư liệu)

Căn phòng làm việc - nơi tướng Đờ Cát bị bắt sống. (Ảnh tư liệu)

Nơi này được chính quyền Pháp xây dựng lên cực kỳ kiên cố để tránh các cuộc tấn công của quân đội ta với mái được làm bằng sắt, xung quanh là ván gỗ và bọc lót bằng bao cát. Bao bọc xung quanh của căn hầm chính là tầng tầng lớp lớp rào chắn phòng thủ với hàng loạt mạng lưới dây thép gai được dựng lên vô cùng chằng chịt cùng với bốn chiếc xe tăng để bảo vệ xung quanh. Tổng chiều dài của hầm De Castries vào khoảng 20m, chiều rộng lên tới 8m và có tới 4 không gian phục vụ cho nơi làm việc cũng như nơi ở của tướng lĩnh Pháp khi chiến đấu tại chiến trường Việt Nam.

Căn hầm lịch sử này ngoài là nơi tướng De Castries chỉ huy chiến đấu trong các trận chiến khốc liệt ra thì cũng là địa điểm quan trọng để đón tiếp nhiều nhân vật cấp cao, đầu não của chính quốc như: Thủ tướng Anh Winston Churchill, Thủ tướng Pháp Joseph Laniel, Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower cùng với nhiều nhà báo nổi tiếng toàn thế giới lúc bấy giờ.

Trận chiến lịch sử này đã kết thúc vào hồi 17h30 phút ngày 07/05/1954 khi chỉ huy trưởng Đại đội 360, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 - anh hùng Tạ Quốc Luật đã bắt sống được tướng địch, chỉ huy tối cao của cuộc chiến De Castries tại bàn làm việc.

Đây chính là thời khắc lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Việt Nam tung bay trên nóc hầm chỉ huy địch, chính thức đánh dấu thắng lợi vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam sau 9 năm kháng chiến trường kỳ. Từ đó đã mở ra thắng lợi lẫy lừng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong giai đoạn về sau. Góp phần đánh đuổi giặc Pháp, mang đến độc lập cho dân tộc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ trở thành “cột mốc vàng” của lịch sử dân tộc Việt Nam, niềm tự hào của dân tộc và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Đọc thêm