Ấn tượng đầu tiên khi du khách đến với khu di tích lịch sử Pác Bó là bắt gặp dòng suối Lê Nin với màu nước xanh trong như ngọc bích, tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình. Khung cảnh Pác Bó thật nguyên sơ trong lành, dường như đâu đây vẫn còn in dấu chân của Người, bởi nơi này năm xưa Bác vẫn thường “sớm ra bờ suối, tối vào hang” trong những ngày Cách mạng Việt Nam còn non trẻ.
Theo lời những hướng dẫn viên khu di tích, thời gian đó đời sống của người dân dân Pác Bó vô cùng cực khổ, lương thực chủ yếu chỉ là ngô. Có nhiều gia đình thiếu đói, nhất là vào những ngày giáp hạt, bà con phải vào rừng đào củ mài để kiếm sống qua ngày.
Cũng có những gia đình bốn đời truyền nhau một tấm áo chàm, miếng vá nọ chồng lên miếng và kia, đến khi nhìn lại thì không còn nhận ra đâu là miếng vải may từ lúc đầu tiên nữa. Điều đáng quý là dù khó khăn vậy nhưng đồng bào vẫn một lòng đi theo cách mạng, giúp đỡ kháng chiến.
Khung cảnh ở Pác Bó thật nên thơ, trữ tình |
Cuộc sống của Người kham khổ, đạm bạc cũng chỉ cháo ngô và rau rừng như những đồng bào quanh vùng. Thấy vị lãnh tụ vất vả ngày đêm, lại phải ăn cháo ngô sợ Người không đủ sức khoẻ nên các đồng chí đã bàn nhau mua gạo để nấu riêng cho Bác nhưng Người đã kiên quyết không đồng ý.
Có lần ngô non xay để lâu ngày mới dùng đến, nấu cháo bị chua. Các đồng chí lại đề nghị Bác cho nấu cháo gạo để Bác dùng Bác vẫn không nghe. Trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, Bác chúng ta vẫn luôn tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng.
Hang Cốc Bó là do Bác Hồ đặt tên, theo tiếng Tày có nghĩa là cửa nguồn. Mùa mưa, nguồn nước tạo thành suối, còn mùa khô nước trong vắt, tạo thành những khe nhỏ, chảy róc rách nghe rất vui tai. Điều đặc biệt là dòng nước tại con suối này không bao giờ cạn.
Nước từ trong lòng núi cứ tuôn chảy bất tận, nó giống như một linh khí khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho những người làm cách mạng. Có lẽ chỉ có ai đặt chân đến nơi này mới cảm nhận được âm thanh của dòng chảy. Nó là sự hài hòa giữa đất trời, núi rừng và cả những con người chân chất sống giản dị ở nơi đây.
Theo như quan sát, Cốc Bó là một cái hang nhỏ, ẩm và lạnh, nằm sâu trong khe núi. Hang vẫn giữ được nguyên trạng chiếc giường đơn sơ của Bác trước đây, một tấm ván gỗ được kê trong một góc nhỏ, giữa những khối thạch nhũ. Đây chính là cái nôi, là máu thịt, là tinh lực của cả dân tộc, giống nòi. Nếu Hà Nội là trái tim của Tổ quốc thì vùng đất cách mạng Pắc Bó chính là nguồn sống của cách mạng Việt Nam.
Sau những giờ làm việc mệt nhọc, Bác Hồ thường ngồi câu cá ở đây. |
Có lẽ đây chính là giọt nước ngọt lịm, giọt nước của sự trong trẻo tươi mát. Đây chính là những giọt nước trong sáng tựa như lửa, thắp sáng lung linh, mở đường cho ý chí cách mạng. Kế bên nguồn nước tựa như dòng sữa ấy chính là núi Các Mác cao vời vợi.
Cách đó không xa, ven suối Lê Nin là một rừng trúc nhỏ được đặt tên rừng trúc Bác Hồ. Được biết, trước kia nó chỉ là một bụi trúc nhỏ, được sử dụng làm gậy chống để tránh trơn trượt đi đường rừng, núi. Phía dưới rừng trúc không xa là mỏm đá lớn bằng phẳng nhô ra giữa lòng suối, xung quanh dây leo phủ kín chính là nơi Bác vẫn thường ngồi câu cá, làm thơ.
Những dấu tích đó cộng với những lời kể cảm động của hướng dẫn viên về cuộc sống vất vả mà thanh cao của Bác đã làm cho nhiều du khách xúc động nước mắt dâng trào. Điều đó chứng tỏ tình cảm của các thế hệ trẻ vẫn luôn thành kính hướng về Đảng, Bác Hồ với lòng cảm phục, biết ơn, như con suối Lê Nin uốn lượn chảy quanh chân núi Các Mác hùng vĩ vẫn rì rào đêm ngày không bao giờ ngưng nghỉ.
Thật tự hào khi Pác Bó giờ đây không chỉ là một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước của dân tộc mà đây còn là điểm đến du lịch hấp dẫn của đồng bào từ mọi miền Tổ quốc và du khách nước ngoài tìm về./.