Chính trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta được tôi luyện, thử thách và không ngừng trưởng thành, dày dạn kinh nghiệm để ngày càng xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân.
Ở Việt Nam không có một lực lượng chính trị nào khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách cam go để đưa dân tộc đến bến bờ vinh quang.
Và cũng chính trong quá trình đó, Đảng ta đã tích lũy và đúc rút được nhiều bài học quý báu, hun đúc nên những truyền thống vẻ vang mà hôm nay chúng ta có trách nhiệm phải ra sức giữ gìn và phát huy.
Truyền thống đoàn kết, trung thành
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, là sự kiện lịch sử trọng đại, là mốc son chói lọi trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, là bước ngoặt vĩ đại của tiến trình cách mạng Việt Nam. Đảng ta ra đời chấm dứt cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước, là điều kiện cơ bản quyết định phương hướng phát triển của cách mạng Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam trung thành vô hạn với lợi ích của dân tộc và giai cấp, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Chỉ có đi theo con đường cách mạng mà Đảng ta và Bác Hồ đã lựa chọn thì cách mạng Việt Nam mới giành được thắng lợi trọn vẹn, đất nước ta mới thật sự được độc lập; dân tộc ta mới thật sự được tự do; nhân dân ta mới có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Đảng ta còn luôn giữ vững độc lập, tự chủ về đường lối; nắm vững, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tham khảo kinh nghiệm của quốc tế để đề ra đường lối đúng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cách mạng. Trong mỗi giai đoạn, Đảng luôn thấm nhuần quan điểm chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam để xác định phương hướng, nhiệm vụ, phương pháp của cách mạng Việt Nam.
Một truyền thống vô cùng quý báu của Đảng ta là sự đoàn kết thống nhất, có tổ chức và kỷ luật chặt chẽ trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình, phê bình và tình thương yêu đồng chí. Trải qua những thử thách khắc nghiệt trong nhà tù đế quốc, trước lưỡi lê, họng súng của kẻ thù hay trên chiến trường lửa đạn, những người cộng sản Việt Nam đã nêu những tấm gương sáng ngời về tinh thần đoàn kết gắn bó, thương yêu nhau; về tình đồng chí, đồng đội.
Chính tình nghĩa cộng sản đó đã gắn kết những người cách mạng Việt Nam thành một đội tiên phong gang thép được nhân dân tin yêu, bạn bè ngưỡng mộ, kẻ thù khiếp sợ; tạo thành sức mạnh để Đảng ta vượt qua mọi thử thách, hy sinh, giữ vững niềm tin và giương cao ngọn cờ lãnh đạo.
Đảng Cộng sản Việt Nam còn nêu cao truyền thống đoàn kết quốc tế thủy chung, trong sáng dựa trên những nguyên tắc và mục tiêu cao cả. Đây là cơ sở vững chắc để Đảng ta hình thành và thực hiện thành công đường lối đối ngoại đúng đắn qua các thời kỳ, phát huy đến đỉnh cao sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đưa cách mạng Việt Nam liên tục phát triển.
Đảng của trí tuệ, bản lĩnh và khoa học
Với tư duy khoa học, thực tiễn, trí tuệ và bản lĩnh cách mạng, 86 năm qua, với cương lĩnh đúng đắn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vạch ra chiến lược, sách lược, chiến thuật, nắm chắc thời cơ và hành động quyết liệt để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đến thắng lợi.
Đảng lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám - một cuộc cách mạng “long trời lở đất” đại thành công. Sau Cách mạng Tháng Tám, thực dân Pháp dã tâm cướp nước ta một lần nữa. Tương quan lực lượng chênh lệch quá lớn rất bất lợi cho ta, nhưng bằng những luận cứ khoa học và thực tiễn, Đảng ta đã chỉ báo ngay từ đầu “Kháng chiến nhất định thắng lợi” và ta nhất định thắng, địch nhất định thua. Cuộc tổng tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954 và chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ khiến Chính phủ Pháp buộc phải ký Hiệp định đình chiến với Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và sự can thiệp của Mỹ đã kết thúc thắng lợi vẻ vang. Tiếp sau đó, Đảng lãnh đạo đập tan cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đặc biệt, ba mươi năm đổi mới (1986-2016) là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của đất nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, được coi là mạch nguồn chủ đạo soi đường cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những ai đã sống trong thời khắc những năm đầu của đổi mới, lạm phát lên đến 3 con số 774,7%, thì mới thấy rõ những thành tựu to lớn của đất nước trên tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực kinh tế.
Thời kỳ đầu đổi mới kinh tế - xã hội, nước ta lâm vào khủng hoảng trầm trọng, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trước sức ỳ của cơ chế kinh tế kế hoạch hóa quan liêu bao cấp, Đảng ta đã chú trọng đổi mới tư duy kinh tế sang kinh tế hàng hóa vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Và tại Đại hội XI (nhiệm kỳ 2010-2015), Đảng ta tiếp tục xác định định hướng phát triển kinh tế là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển đất nước.
Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990) mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4% thì giai đoạn 1991-1995, GDP bình quân đã tăng gấp đôi, đạt 8,2%/năm; giai đoạn 1996-2000, mặc dù chịu tác động của khủng hoảng tài chính khu vực (1997-1999), GDP vẫn duy trì bình quân tăng 7,6%/ năm; giai đoạn 2001-2005, GDP tăng bình quân 7,34%; giai đoạn 2006-2010, do suy giảm kinh tế thế giới, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giảm xuống còn 6,32%/năm.
Trong các năm tiếp theo, do chịu tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và khủng hoảng nợ công 2010, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 của Việt Nam đã chậm lại nhưng vẫn đạt 5,9%/năm, là mức cao của khu vực và thế giới. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh.
Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam dần được cải thiện. Đến năm 2015, HDI của Việt Nam xếp thứ 121/187 nước trên thế giới. Tuổi thọ trung bình là 74,3, xếp thứ 54 thế giới…
Với sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, Việt Nam đã nhanh chóng mở rộng quan hệ đối ngoại. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 185 nước trên thế giới. Quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư không ngừng phát triển nhanh chóng với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ…
“Đảng ta”
Trong lịch sử Đảng ta, mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân luôn luôn được coi trọng, trở thành truyền thống và tạo thành nguồn sức mạnh của Đảng. Đảng gắn bó máu thịt với dân. Đảng dựa vào sức mạnh vật chất và trí tuệ của dân, lấy đó làm sức mạnh và trí tuệ của mình để lãnh đạo nhân dân. Đảng vì dân mà làm cách mạng; dân gọi Đảng là “Đảng ta”, đoàn kết chiến đấu dưới lá cờ của Đảng, theo Đảng làm cách mạng.
Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện và trưởng thành đã trở thành Bộ tham mưu chiến đấu kiên cường của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đoàn kết một lòng lập nên những kỳ tích của dân tộc trong thế kỷ XX: Tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, lập nên Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Tiến hành hai cuộc kháng chiến thần thánh, đánh thắng hai đế quốc lớn mạnh của thời đại - thời kỳ sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên toàn thế giới - đưa dân tộc Việt Nam trở thành người chiến sĩ tiên phong chống chủ nghĩa đế quốc. Giành được những thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và sự ổn định chính trị sau 30 năm đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng XHCN.
Những thành tựu vĩ đại của chặng đường 86 năm qua bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng, với đội ngũ cán bộ, đảng viên tiên phong chiến đấu, gắn bó mật thiết với nhân dân và được sự ủng hộ của toàn dân.
Quá trình cách mạng Việt Nam trong 86 năm qua đã giúp nhận thức sâu sắc một quan điểm có tính nguyên tắc trong xây dựng Đảng là: Quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân là nguồn sức mạnh vô tận, là truyền thống đoàn kết vô cùng quý báu của Đảng ta, đó là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân là mối quan hệ hai chiều gắn bó, tương hỗ như một lẽ tự nhiên. Nhân dân cần có Đảng lãnh đạo thì mới có hướng đi đúng đắn và cách mạng mới giành được thắng lợi. Đảng cần có dân để có sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn, để có năng lực chèo lái con thuyền cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác”. “Tất cả đường lối, phương châm, chính sách... của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của nhân dân...” Người nói: “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm trong 8 chữ là: ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN, PHỤNG SỰ TỔ QUỐC”. Sự thống nhất giữa mục tiêu và lợi ích của Đảng với mục tiêu, lợi ích, nguyện vọng của nhân dân là cơ sở nền tảng vững chắc của mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Bằng việc đoàn kết, tập hợp, tổ chức và lãnh đạo toàn dân vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, Đảng đã từng bước thực hiện mục tiêu, lý tưởng của mình: giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước; đưa cả nước đi lên CNXH; thực hiện đường lối đổi mới đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Bằng truyền thống đoàn kết, trung thành; với trí tuệ, bản lĩnh và khoa học, Đảng Cộng sản Việt Nam thật xứng đáng với sứ mệnh lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam đi hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác!