Những vết sẹo tâm lý
“Nô lệ thời hiện đại” là thuật ngữ được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây khi mà nạn mua bán người có xu hướng gia tăng và lan rộng trên toàn cầu. Thuật ngữ này nhấn mạnh sự tàn ác, dã man trong suốt quá trình thực hiện hành vi phạm tội mất nhân tính này. Các nạn nhân phải sống trong những trải nghiệm đau thương trong quá trình bị mua bán như đe dọa, tấn công, bạo lực, bị trao đổi qua nhiều nhà chứa, thu giữ các giấy tờ tùy thân, ép buộc sử dụng các chất kích thích, bị cô lập, bóc lột tình dục và cưỡng bức lao động.
Điều này không chỉ gây tổn hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần của các nạn nhân, mà còn xâm phạm nghiêm trọng đến quyền con người và giá trị nhân đạo. Đáng nói, những hậu quả này có thể kéo dài và gây ám ảnh lâu dài đối với nạn nhân, ngay cả khi họ đã thoát khỏi tình trạng bị mua bán và bóc lột. Trải qua những ngày tháng cuộc đời bị đánh cắp, các nạn nhân trở về với cuộc đời của riêng họ, nhưng kèm theo đó là ít nhiều những tổn thương, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Nếu như tổn thương về thể chất có thể dần phục hồi theo thời gian thì tổn thương tinh thần lại không dễ dàng như vậy. Hầu hết các nạn nhân (nhất là phụ nữ và trẻ em) sau khi được giải cứu thành công và trở về hòa nhập với cuộc sống thường có những biểu hiện tâm lý bất thường. Thường thấy nhất là những dấu hiệu của việc sang chấn tâm lý, đây là một phản ứng về cảm xúc của một người khi đã từng trải qua hoặc chứng kiến sự kiện liên quan đến tử vong, có nguy cơ tử vong, tổn thương nghiêm trọng hoặc đe dọa tới tính toàn vẹn về thể chất của bản thân hoặc người khác.
Rõ ràng, trải nghiệm bị mua bán người là một trải nghiệm đau thương và ám ảnh đối với nhiều nạn nhân, gây ra những vết sẹo tâm lý suốt đời. Nạn nhân có thể gặp phải những vấn đề về tâm lý như căng thẳng, lo âu, trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau sang chấn và nhiều vấn đề khác. Biểu hiện sang chấn tâm lý của từng nạn nhân được thể hiện thông qua các mức độ khác nhau, phụ thuộc vào cách họ bị bóc lột, lạm dụng và những trải nghiệm trong quá trình bị mua bán. Các biểu hiện này có thể bao gồm mất ngủ, các vấn đề liên quan đến giấc ngủ, mất niềm tin vào cuộc sống và người khác, sợ hãi không gian hẹp, lạm dụng chất gây nghiện, đổ lỗi cho bản thân, hạ thấp giá trị của bản thân, tự cô lập bản thân, tự làm đau bản thân, thậm chí tự tử.
Theo đó, hầu hết các nạn nhân bị mua bán gặp vấn đề rối loạn giấc ngủ và lặp lại các cơn ác mộng thường xuyên. Rối loạn giấc ngủ thường xuất hiện ngay sau khi nạn nhân được giải cứu hoặc trở về từ nơi bị mua bán, có thể giảm dần sau khi đã trải qua năm đầu tiên. Theo một kết quả khảo sát của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ tiến hành năm 2008, 67% nạn nhân bị mua bán người có những vấn đề về rối loạn giấc ngủ và thường xuyên trải qua các cơn ác mộng về giai đoạn họ bị mua bán.
Một số biểu hiện khác như mất niềm tin vào cuộc sống, mất niềm tin vào người khác, sợ đụng chạm, sợ giao tiếp với người khác giới hay rối loạn nhân cách giới thường gặp ở những nạn nhân bị xâm hại, cưỡng ép tình dục và đánh đập dã man. Theo nghiên cứu, nạn nhân nữ bị bóc lột tình dục có mức độ lo âu, trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau sang chấn cao hơn những nạn nhân bị bóc lột vì những mục đích khác. Đặc biệt, với những em gái tuổi vị thành niên bị buôn bán và xâm hại tình dục, hậu quả đi kèm có thể dẫn đến lạm dụng các chất gây nghiện, một phần do ở nước ngoài bị ép sử dụng, phần nữa đó là cách để đối đầu với những căng thẳng tâm lý sau khi trở về.
Bên cạnh đó, hầu hết các nạn nhân bị mua bán nhìn nhận, đánh giá bản thân thấp kém và có cảm giác tội lỗi, tự trách mình. Mức độ, cảm giác tội lỗi, xấu hổ của từng nạn nhân cũng khác nhau tùy thuộc theo giới tính, hình thức bị bóc lột, lạm dụng mà họ đã trải qua. Đi kèm với đó là những biểu hiện nguy hiểm như tự cô lập bản thân, làm tổn thương cơ thể (cứa tay chân, đập đầu, đập người vào tường, cửa…) hay chọn cách tự tử như là một cách để tạm giải tỏa nỗi đau về tinh thần.
Giúp đỡ nạn nhân tìm lại chính mình
Qua các nghiên cứu cho thấy, sang chấn tâm lý ở nạn nhân bị mua bán người rất phổ biến với các mức độ biểu hiện, ảnh hưởng khác nhau ở từng nhóm nạn nhân. Giúp họ hàn gắn những vết thương tâm hồn là nhiệm vụ khó khăn, cao cả của các chuyên gia tâm lý, cán bộ công tác xã hội. Trong hành trình hàn gắn những vết thương tâm hồn, các chuyên gia tâm lý, cán bộ công tác xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và điều trị tâm lý cho các nạn nhân, giúp họ khôi phục lại sức mạnh tinh thần và xây dựng lại niềm tin vào cuộc sống.
Có nhiều phương pháp tiếp cận trong tham vấn, trị liệu tâm lý cho nạn nhân, trong đó các phương pháp phổ biến bao gồm liệu pháp nhận thức - hành vi, nhân văn hiện sinh, tham vấn dựa trên xây dựng câu chuyện,… Ngoài các phương pháp này còn có lớp học “phát triển cá nhân”, đây là một dạng tập huấn có tính trị liệu được thực hiện trong giai đoạn đầu để nạn nhân có thể thể hiện cảm xúc của họ thông qua các hoạt động nghệ thuật như vẽ tranh, chuyển động cơ thể, các bài tập hoặc trò chơi tương tác với các thành viên trong lớp. Hay việc trang bị kỹ năng sống cũng là một hoạt động quan trọng, vì các nạn nhân thường thiếu những kỹ năng cần thiết để duy trì sức khỏe và giữ được tâm trạng tích cực.
Tuy nhiên, để thực hiện tham vấn và trị liệu tâm lý hiệu quả, các chuyên gia tâm lý, cán bộ công tác xã hội cần đánh giá mức độ nghiêm trọng và thời gian bị lạm dụng, bóc lột của nạn nhân mua bán người. Dựa trên những thông tin đó, các chuyên gia, cán bộ có thể đề xuất các biện pháp hỗ trợ tâm lý, lập kế hoạch, thời gian phục hồi phù hợp với từng đối tượng cụ thể.
Theo chia sẻ từ các chuyên gia đến từ Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh, đối với các nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái, họ thường bị tổn thương sâu sắc, việc phục hồi sau sang chấn là một quá trình phức tạp, cần sự can thiệp ở nhiều mức độ. Những nạn nhân đã từng phải sống trong cảnh bóc lột, bị tước đoạt quyền tự do đến trị liệu, bước đầu tiên là giúp họ khôi phục lại chức năng sống hàng ngày để họ thấy rằng mình hoàn toàn có thể kiểm soát cuộc sống của bản thân.
Giai đoạn đầu tiên của quá trình hồi phục thường mất từ sáu tháng tới một năm, bắt đầu từ những kỹ năng cơ bản nhất như chăm sóc vệ sinh cá nhân, học cách kết bạn, cũng như xây dựng sự tự tin, cảm giác tin cậy và các kỹ năng mềm. Chuyên gia nhấn mạnh, với các nạn nhân bị lạm dụng tình dục, độ tuổi đóng vai trò quan trọng trong việc xác định cách trị liệu mà họ cần. Nhất là với trẻ nhỏ, cần có sự tham gia của gia đình trong quá trình hồi phục để giúp họ nâng cao các kỹ năng hỗ trợ trẻ.
Tương tự như các nạn nhân bị mua bán, có thể sẽ mất nhiều thời gian để trẻ sẵn sàng nói chuyện về trải nghiệm sang chấn của mình. Chuyên gia trị liệu thường dành từ hai đến ba tháng làm việc cùng nạn nhân về giai đoạn đau thương nhất trong toàn bộ trải nghiệm của họ. Trong suốt quá trình này, có rất nhiều “thăng trầm” xảy ra và nếu như không khéo léo trong việc trị liệu, nạn nhân có thể cảm thấy bị buộc kể lại những phần đau thương mà họ chưa thể vượt qua.
Theo chuyên gia, sự xuất hiện của các cảm xúc tiêu cực có thể ảnh hưởng đến cả hành vi lẫn cách cư xử của nạn nhân. Điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề, phản ứng nhẹ nhất là sự thiếu tập trung, cảm giác cô đơn, xấu hổ hoặc ủ rũ. Tuy nhiên, có những vấn đề nghiêm trọng hơn có thể xảy ra như rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Vì vậy, việc chuyên gia, nhà trị liệu sang chấn được trang bị kiến thức và kỹ năng để hiểu từng cá nhân, trải nghiệm của họ và những yếu tố có thể kích hoạt tổn thương vô cùng quan trọng.
Có thể thấy, việc hỗ trợ và hàn gắn vết thương tâm hồn cho các nạn nhân bị mua bán người là một nhiệm vụ vô cùng cao cả, phức tạp. Nhiệm vụ này đòi hỏi sự đồng lòng, hợp tác từ nhiều phía để mang lại hiệu quả tốt nhất, giúp cho các nạn nhân có thể hồi phục sức khỏe và tìm lại chính mình.