Người “bốc thuốc” cho những mảnh đời lạc lối
Tại trại giam Yên Hạ, nơi được ví như một ngọn đồi tĩnh lặng giữa miền sơn cước, có những câu chuyện chưa bao giờ được kể đủ. Đó là câu chuyện về những cán bộ trại giam – những con người ngày đêm cống hiến thầm lặng để giữ gìn an ninh Tổ quốc và mang lại bình yên cho xã hội. Hơn hai thập kỷ gắn bó với nơi này, Trung tá Đinh Văn Chấn, Trưởng Phân trại số 1, đã viết nên câu chuyện của chính mình.
Anh không chỉ là người thực thi nhiệm vụ giữ vững kỷ luật mà còn là một “người thầy” tận tâm, luôn dành trọn tâm huyết để cảm hóa những phạm nhân cứng đầu nhất. Trong mắt anh, mỗi phạm nhân là một “ca bệnh” mà để chữa lành, không chỉ cần pháp luật nghiêm minh, mà còn cần cả sự bao dung và tình người.
Sinh ra và lớn lên tại vùng đất Sơn La, Trung tá Chấn mang trong mình tinh thần kiên cường, nhiệt huyết của một chiến sĩ Công an nhân dân. Hình ảnh người cha – một Phó Giám thị trại giam, đã trở thành hình mẫu lý tưởng, truyền cảm hứng để anh lựa chọn theo đuổi con đường này.
Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Cảnh sát, anh trở về trại giam Yên Hạ, nơi cha mình từng công tác, bắt đầu hành trình cảm hóa phạm nhân.
|
Trung tá Đinh Văn Chấn, Trưởng Phân trại số 1 - trại giam Yên Hạ (Sơn La). |
Những ngày đầu vào nghề, phải đối diện với đội phạm nhân đặc biệt nghiêm trọng, trong đó nhiều người là “đầu gấu” khét tiếng ngoài xã hội, có những đêm anh phải thức trắng, nghiền ngẫm hồ sơ, tìm hiểu từng câu chuyện về cuộc đời họ để hiểu nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành vi phạm tội của họ.
“Với những phạm nhân có hành vi chống đối, tôi không áp dụng biện pháp cứng rắn mà dùng tình người để khơi gợi lòng tin. Vì chỉ khi họ cảm nhận được sự quan tâm chân thành, họ mới chịu thay đổi.” – Trung tá Chấn nói.
Nhớ về những ca “trị bệnh” trong suốt những năm gắn bó tại trại giam Yên Hạ, anh cho biết, một phạm nhân người dân tộc Thái, bị kết án 7 năm tù vì vận chuyển trái phép chất ma túy. Không được gia đình thăm nuôi, người này trở nên bất cần và liên tục chống đối. Nhưng bằng sự kiên nhẫn và tinh thần trách nhiệm, Trung tá Chấn đã tiếp cận, khích lệ và giúp phạm nhân này thay đổi nhận thức. Sau khi cải tạo tốt, phạm nhân không chỉ được giảm án mà còn trở thành tấm gương cho những phạm nhân khác noi theo. Ngày ra tù, anh ta trở lại trại, mang theo món quà nhỏ như một lời cảm ơn sâu sắc đến người cán bộ đã giúp mình làm lại cuộc đời.
“Phía sau mỗi cánh cổng trại giam là những câu chuyện chưa kể. Chúng tôi không chỉ là người thực thi pháp luật mà còn là người khơi dậy lòng thiện trong mỗi phạm nhân, giúp họ nhìn nhận lại sai lầm và tìm đường quay trở lại,” Trung tá Chấn chia sẻ.
Đồng hành cùng đội phạm nhân “cộm cán”
Ở Đội 31, Phân trại số 1, nơi tập trung các phạm nhân “cộm cán” nhất Trại giam Yên Hạ, Thiếu tá Cấn Văn Quang không chỉ là người quản lý mà còn là người bạn, người thầy của họ. Đội 31 có tới 90% phạm nhân thụ án chung thân, phần lớn là những người từng lĩnh án tử hình được giảm xuống hoặc phạm nhiều tội nghiêm trọng. Trong bối cảnh khắc nghiệt ấy, Thiếu tá Quang đã chứng minh rằng lòng kiên nhẫn và tình người có thể cảm hóa bất kỳ ai.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống ngành công an, Thiếu tá Quang từ nhỏ đã ước mơ được khoác lên mình bộ quân phục cảnh sát. Nhưng hành trình đến với nghề quản giáo không hề dễ dàng. Sau khi trượt kỳ thi đại học, anh không từ bỏ mà đăng ký tham gia nghĩa vụ công an và được xét tuyển đi V26 đào tạo tại Trại giam Phú Sơn 4 (tỉnh Thái Nguyên) trong 4 tháng, rồi được điều về Trại giam Yên Hạ công tác.
|
Thiếu tá Cấn Văn Quang - cán bộ quản giáo Đội 31, Phân trại 1, Trại giam Yên Hạ. |
Lúc mới về trại, anh được giao làm cảnh sát vũ trang, bảo vệ mục tiêu, dẫn giải phạm nhân đi làm, bảo vệ phạm nhân ở cơ sở bệnh viện… Sau đó, vào năm 2004, anh được cử đi học Trung cấp Cảnh sát nhân dân, tháng 10/2006 hoàn thành chương trình, nhận bằng tốt nghiệp với quân hàm Thiếu úy, được giao nhiệm vụ làm quản giáo. Kinh qua những tháng ngày gian khó, khẳng định được mình, Thiếu tá được đơn vị tin tưởng, thường giao cho phụ trách đội “cộm cán” nhất trại giam.
Trong những năm tháng gắn bó với nghề, Thiếu tá Quang không thể quên trường hợp của Trần Vy (tên nhân vật đã thay đổi) – một phạm nhân từng gây rối, đánh nhau trong đội và nhiều lần thách thức cán bộ. Một lần, trong lúc lao động, Vy mâu thuẫn với đội trưởng và suýt lao vào hỗn chiến. Nhận được tin báo, Thiếu tá Quang kịp thời có mặt, rút súng bắn chỉ thiên. Tiếng súng nổ khiến Vy khựng lại, thẫn thờ thốt lên: “Cán bộ bắn thế này thì con đường cải tạo của tôi mất hết rồi.”
Câu nói ấy khiến Thiếu tá Quang không khỏi trăn trở. Anh tìm hiểu kỹ hơn về hồ sơ và hoàn cảnh của Vy, biết rằng anh mồ côi cha mẹ từ nhỏ, không có gia đình riêng để làm điểm tựa, cũng không có mục tiêu rõ ràng để phấn đấu. Từ đó, Thiếu tá Quang tăng cường giáo dục và động viên, thường xuyên gọi Vy ra tâm sự, không phải với tư cách một cán bộ và một phạm nhân, mà như hai con người đang đối thoại chân thành. Anh phân tích đúng sai, chỉ ra những cơ hội phía trước để Vy suy nghĩ. Nhờ vậy, Vy dần thay đổi, chấp hành cải tạo tốt và lao động chăm chỉ. Năm 2021, Vy được giảm án và trở về với xã hội. Đến nay, anh vẫn thường xuyên gọi điện cảm ơn Thiếu tá Quang, như một lời nhắc nhở rằng sự nỗ lực cảm hóa của người cán bộ không hề uổng phí.
Không chỉ Trần Vy, Thiếu tá Quang còn nhớ mãi trường hợp của Gia Kim, một phạm nhân dân tộc Mông, sinh năm 1984, chịu mức án 18 năm vì tội “Mua bán trái phép chất ma túy.” Kim có vợ và sáu con, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Những năm đầu cải tạo, Kim lao động rất tốt, nhưng sau 1-2 năm không được vợ con thăm nuôi, anh bắt đầu rơi vào trạng thái chán nản. Kim từ chối lao động, bỏ sinh hoạt, nhiều lần tuyên bố: “Tôi chẳng còn gì nữa, chẳng ai quan tâm, thăm nuôi, sống cũng chẳng ý nghĩa gì.”
Nhận thấy diễn biến tư tưởng của Kim, Thiếu tá Quang không ngừng kiên nhẫn tìm cách tiếp cận. Anh sử dụng phương pháp “nói dần dần, giải thích từ từ,” mỗi ngày khơi gợi một chút về gia đình, công việc, và quyền lợi cải tạo. Hiểu rõ đặc điểm văn hóa của người Mông, anh chọn cách trò chuyện ngắn gọn, nhẹ nhàng, để Kim dần cảm nhận sự quan tâm và định hướng tích cực. Nhờ đó, Kim quay trở lại lao động và cải tạo tốt. Sau khi mãn hạn tù, Kim viết thư cảm ơn Thiếu tá Quang, luôn khẳng định rằng: “Nhờ sự động viên, giáo dục của cán bộ mà tôi đã nỗ lực cải tạo, được trở về với gia đình và xã hội.”
Đối với Thiếu tá Quang, mỗi phạm nhân không chỉ là một con số hay một hồ sơ mà là một câu chuyện cuộc đời cần được lắng nghe và thấu hiểu. Anh quan niệm rằng, để cảm hóa một người từng lầm lỗi, không chỉ cần kỷ luật và nghiêm minh mà còn cần đến sự bao dung và kiên nhẫn từ trái tim. Chính cách tiếp cận này đã giúp anh chạm đến những góc khuất sâu thẳm nhất trong tâm hồn phạm nhân, từ đó mở ra cho họ cơ hội được làm lại cuộc đời.
"Sứ mệnh" nhân văn tại phân trại nữ
Đã hơn 30 năm kể từ ngày bước chân vào ngành Công an, Thượng tá Vũ Quốc Cường, Trưởng Phân trại số 2, Trại giam Phú Sơn 4 (tỉnh Thái Nguyên) vẫn luôn dành trọn tâm huyết cho công tác giáo dục, cảm hóa phạm nhân, đặc biệt là những phạm nhân nữ - những người vừa phải đối diện với bản án của pháp luật, vừa gánh chịu những tổn thương tâm lý từ gia đình, xã hội. Với ông, công việc này không chỉ là trách nhiệm mà còn là sứ mệnh mang tính nhân văn.
Phân trại số 2 do Thượng tá Cường quản lý hiện có hơn 1.200 nữ phạm nhân. Họ là những người với nhiều hoàn cảnh khác nhau, mang trong mình những câu chuyện buồn và cả những sai lầm khiến cuộc đời rẽ ngang. Phần lớn phạm nhân nữ tại đây từng phạm tội nghiêm trọng như mua bán ma túy, giết người, cướp tài sản… Có người vì phút nông nổi, cũng có người là “tay anh chị” từng làm mưa làm gió ngoài xã hội.
Theo Thượng tá Cường, phạm nhân nữ thường có tâm lý phức tạp hơn phạm nhân nam. Họ dễ bị tổn thương nhưng cũng dễ thay đổi nếu biết cách khơi gợi đúng cách. Vì vậy, người cán bộ không chỉ cần nghiêm khắc mà còn phải có sự tinh tế và đồng cảm trong từng hành động, lời nói.
|
Thượng tá Vũ Quốc Cường - Trưởng Phân trại số 2, Trại giam Phú Sơn 4. |
Nhớ lại những trường hợp phạm nhân nữ đã được giáo dục, cải tạo thành công, Thượng tá Cường đặc biệt ấn tượng với một nữ phạm nhân quê Thái Nguyên, bị kết án 16 năm tù vì mua bán trái phép chất ma túy. Trong suốt bốn năm đầu chấp hành án, phạm nhân này chống đối quyết liệt, thường xuyên vi phạm nội quy và từ chối tham gia lao động. Đằng sau hành vi bất cần đó là một nỗi đau sâu kín: cô chưa một lần được gia đình thăm nom kể từ khi vào trại. Thượng tá Cường nhận ra chính sự cô đơn, mất mát đã khiến cô sống trong tuyệt vọng, không còn niềm tin vào tương lai.
Hiểu được điều đó, ông đã kiên trì tiếp cận, dành thời gian trò chuyện, động viên cô từng chút một, giúp cô dần lấy lại niềm tin và nhận ra giá trị của bản thân. Nhờ sự quan tâm và đồng cảm từ Thượng tá Cường, nữ phạm nhân này đã thay đổi, chấp hành cải tạo tốt và dần tìm lại được ý nghĩa trong cuộc sống. Sau hai năm, phạm nhân đã thay đổi thái độ, luôn tích cực tham gia xây dựng ý kiến, tham gia các hoạt động phong trào, bóng chuyền… tại Trại, có ý thức cải tạo rất tốt.
Với những phạm nhân nữ có con nhỏ, Thượng tá Cường phải đối mặt với một thách thức khác. Ông không chỉ đảm bảo quyền lợi cho các cháu mà còn phải khéo léo xử lý những tình huống khó khăn. Có phạm nhân vì yêu con mà thay đổi tích cực, nhưng cũng có người lợi dụng hoàn cảnh để đưa ra yêu sách. “Trong những trường hợp ấy, cán bộ phải rất linh hoạt, vừa kiên quyết, vừa mềm dẻo để đảm bảo trật tự chung nhưng vẫn duy trì được sự nhân văn.” - Thượng tá Cường bộc bạch.
Cũng theo Thượng tá Cường, giáo dục phạm nhân không phải chỉ bằng kỷ luật mà cần sự đồng cảm. Họ sai lầm, nhưng họ vẫn là con người. Khi được thấu hiểu và động viên, họ sẽ nhận ra giá trị của mình.
Cảm hóa những phạm nhân cao tuổi
Hơn 25 năm công tác tại Trại giam Yên Hạ, Trung tá Bùi Hữu Thuật đã trải qua vô số câu chuyện khó khăn và đầy xúc động trong hành trình cảm hóa phạm nhân. Đặc biệt, anh dành nhiều tâm huyết cho nhóm phạm nhân lớn tuổi – những người không chỉ đối mặt với án phạt nghiêm khắc mà còn phải chống chọi với sự suy giảm sức khỏe và nỗi cô đơn, tuyệt vọng.
Hiện tại, đội phạm nhân do anh quản lý có độ tuổi trung bình từ 50 đến trên 70 tuổi. Nhiều người trong số họ mắc các bệnh mãn tính, thậm chí có người nhiễm HIV, nghiện ma túy lâu năm. Trung tá Thuật hiểu rằng, trách nhiệm của người quản giáo không chỉ là giám sát mà còn phải làm sao để những người này có động lực sống và cải tạo tốt.
|
Trung tá Bùi Hữu Thuật - cán bộ quản giáo Trại giam Yên Hạ (Sơn La). |
Anh kể về trường hợp ông Nguyễn Vui – một phạm nhân 72 tuổi, mang án 30 năm tù vì các tội danh liên quan đến ma túy. Khi mới vào trại, ông Vui gần như buông xuôi, không hợp tác cải tạo vì nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ được ra tù. Cộng thêm việc mắc HIV và sức khỏe yếu, ông từng nhiều lần rơi vào trạng thái trầm cảm.
Nhận ra tâm lý này, Trung tá Thuật đã tiếp cận bằng sự kiên trì và chân thành. Anh động viên ông Vui tham gia các hoạt động nhẹ nhàng, như chăm sóc cây xanh hay tham gia các buổi sinh hoạt tập thể trong trại. Anh cũng liên hệ với gia đình, khuyến khích họ viết thư động viên để ông cảm nhận được sự quan tâm từ người thân.
“Khi ông ấy bắt đầu hợp tác, mọi thứ dần thay đổi. Từ một người tuyệt vọng, ông đã có lại niềm tin và cố gắng cải tạo tốt. Kết quả là ông được giảm án 13 năm. Ngày 30/5/2024, ông đã mãn hạn tù,” anh chia sẻ với niềm tự hào.
Không chỉ với những phạm nhân già, Trung tá Thuật còn đặc biệt quan tâm đến các phạm nhân trẻ tuổi nhưng mang án nặng. Một trường hợp khiến anh day dứt mãi là của Khang A Tình, một người dân tộc Mông, phạm tội vận chuyển ma túy từ năm 18 tuổi và bị kết án 15 năm tù.
Tình từng mơ ước trở thành giáo viên, viết chữ rất đẹp, nhưng do gia đình nghèo khó, anh phải bỏ học và sa chân vào con đường tội lỗi. Khi tiếp xúc với Tình, Trung tá Thuật nhận ra trong anh vẫn còn khát khao sống và sự hối tiếc cho những gì đã qua. Anh đã giúp Tình nhận ra rằng, cải tạo tốt chính là cơ hội để chuộc lại lỗi lầm và thực hiện ước mơ dang dở.
“Những phạm nhân trẻ như Tình là điều khiến tôi day dứt nhất. Chỉ vì hoàn cảnh mà các em đã lầm đường. Tôi chỉ mong không ai phải bỏ lỡ ước mơ như vậy nữa,” anh bày tỏ.
Công việc của Trung tá Thuật không ít lần khiến anh cảm thấy áp lực, nhưng chính những sự thay đổi tích cực từ phạm nhân là nguồn động lực để anh tiếp tục cống hiến. “Mỗi người phạm nhân tôi giúp được là một câu chuyện tôi có thể tự hào kể lại. Đó là cách tôi thấy công việc của mình thực sự ý nghĩa,” anh nói.
(Còn tiếp)