Vì đất trói chú ruột, ba anh em hầu tòa

 Chỉ vì tranh chấp đất đai mà ba người cháu ruột - các bị cáo trong vụ án - đã bắt trói người chú ruột của mình để rồi phải đứng trước vành móng ngựa trong phiên toà...

Chỉ vì tranh chấp đất đai mà ba người cháu ruột - các bị cáo trong vụ án - đã bắt trói người chú ruột của mình để rồi phải đứng trước vành móng ngựa trong phiên toà hôm nay…

Ba bị cáo là Nguyễn Thị Thúy Phương (44 tuổi), Nguyễn Như Hoàng (36 tuổi, em Phương) và Nguyễn Thị Hồng Vân (28 tuổi, vợ Hoàng) đều là con ông Nguyễn Như Hội trú tại thôn Trà Quang (thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định). Bị hại là ông Nguyễn Như Tiên (66 tuổi, cùng thôn) - em trai ông Hội, chú ruột các bị cáo.

Ba bị cáo tại tòa
Ba bị cáo tại tòa...

Nguyên nhân vụ án bắt nguồn từ mâu thuẫn trong việc tranh chấp đất đai là tài sản thừa kế do cha mẹ để lại giữa hai anh em ruột: ông Hội và ông Tiên. Việc tranh chấp đã được chính quyền và đoàn thể địa phương nhiều lần hoà giải nhưng vẫn chưa đạt kết quả, còn giá đất thị trấn cứ vùn vụt “sốt” lên từng ngày.

Trong khi việc đất cát chưa phân chia rõ ràng, ngày 17/4/2009 ông Hội thuê thợ đến xây dựng móng nhà vệ sinh trên diện tích của gia đình đang sử dụng. Ông Tiên thì cho rằng ông Hội đã lấn sang phần đất của mình nên đến chửi bới anh cả; ngăn cản, đạp đổ móng tường mà ông Hội đang xây, sau đó lấp đất lại.

Bức xúc trước việc chú đập phá móng nhà của cha mình, các bị cáo Phương, Hoàng và Hồng Vân chạy đến giằng co, đè ông Tiên xuống rồi lấy dây dừa trói lại. Hành vi trên của những người cháu ruột bị TAND huyện Phù Mỹ xét xử về tội “Bắt người trái pháp luật” với mức án Phương 12 tháng tù treo, còn Hoàng và Vân mỗi người 9 tháng tù treo. Không đồng tình với mức án trên, cả phía bị cáo và bị hại cùng kháng cáo.

Tại phiên toà phúc thẩm ngày 22/10/2010 của TAND tỉnh Bình Định, HĐXX đã phân tích cho cả hai bên thấy rằng, để xảy ra vụ án đáng buồn này có lỗi từ hai phía. Toà nhận định mức án của Toà sơ thẩm tuyên là đúng người, đúng tội, trên cơ sở cân nhắc kỹ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của từng bị cáo nên hợp lý, hợp tình, cần được giữ nguyên. Tuy nhiên, có vẻ như các bị cáo và bị hại vẫn không cảm thấy hài lòng khi Tòa tuyên y án sơ thẩm.

Nhìn anh em, chú cháu họ ra về với vẻ mặt căng thẳng, người ta không khỏi ngậm ngùi, xót xa. Bản án rồi cũng đến ngày được mãn hạn, nhưng câu chuyện của người chú ruột và 3 người cháu lỗi đạo chẳng biết còn gây bia miệng đến bao giờ?

Trần Nguyên

Đọc thêm