Vị đầu bếp Michelin tận tâm với từng bữa ăn của người tị nạn Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngay tại biên giới Ba Lan, đầu bếp người Mỹ José Andrés (52 tuổi) và những tình nguyện viên trong tổ chức nhân đạo của ông đã tốn chưa đầy 72 giờ đồng hồ để thiết lập phần hậu cần và tổ chức nấu ăn cho những người tị nạn Ukraine.

Rava-Ruska (hay Rawa-Ruska) là một thị trấn nhỏ của Ukraine từng nổi tiếng là địa điểm nhà tù trong Thế chiến thứ hai. Cách đó chưa đầy 10km là một trại tị nạn của người Ukraine. Tại đây, trong những ngày qua, đầu bếp José Andrés đã phân phát bữa ăn cho những người tị nạn, với sự hỗ trợ của các nữ tu sĩ từ dịch vụ cứu trợ Công giáo Caritas.

Đầu bếp José Andrés tại trại tị nạn Ukraine

Đầu bếp José Andrés tại trại tị nạn Ukraine

Thông qua tài khoản Twitter của mình, vị đầu bếp người Mỹ gốc Tây Ban Nha đã cho người xem thấy những công việc cần chuẩn bị trong nhà bếp của tổ chức World Central Kitchen - tổ chức này đã phân phát hơn 8.000 suất ăn gồm súp, gà hầm và bánh nướng nhân táo đến những người tị nạn, tính đến chủ nhật (28/2). Đầu bếp José cũng giúp đỡ các chủ nhà hàng tại đây bằng cách cung cấp cho họ những gì họ cần để chuẩn bị cho các tình huống trong chiến tranh.

Nhắc đến cái tên José Andrés, có lẽ nhiều người đã biết đến ông với một chủ nghĩa nhân đạo trong ẩm thực, cũng như những nỗ lực cứu trợ người đói nghèo bởi thảm hoạ hoặc chiến tranh trên khắp thế giới.

Ông đã nỗ lực cứu trợ cho các nạn nhân của chiến tranh, bệnh dịch, thiên tai trong suốt một thập kỷ. Ảnh: AFP

Ông đã nỗ lực cứu trợ cho các nạn nhân của chiến tranh, bệnh dịch, thiên tai trong suốt một thập kỷ. Ảnh: AFP

Được biết, năm 2010, sau trận động đất tàn phá Haiti, người đầu bếp sinh năm 1969 đã đặt ra cho chính mình một cam kết sẽ làm đủ mọi cách có thể để cứu đói tất cả những nạn nhân của chiến tranh hay thiên tai, bão lũ, bệnh dịch... Vì vậy, sau cơn bão Maria ở Puerto Rico năm 2017, Bão Ida ở New Orleans năm 2021, lũ lụt gần đây ở Đức... người ta đều thấy bóng dáng của người đầu bếp tận tâm cũng như người của tổ chức World Central Kitchen đến phân phát thực phẩm.

Năm 2019, đầu bếp José Andrés được đề cử cho Giải Nobel Hoà bình. Còn năm 2018, tổ chức của ông được James Beard Foundation vinh danh là "tổ chức nhân đạo của năm".

Năm 2012, tạp chí Time đã vinh danh ông là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất trên thế giới; và đến năm 2018, người ta lại thấy người đầu bếp này xuất hiện trên trang bìa bởi sự ảnh hưởng của mình. Ông luôn nói rằng "Ẩm thực là một chất xúc tác cho mọi nền kinh tế".

Tạp chí Time nhiều lần vinh danh ông là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới. Ảnh: Time

Tạp chí Time nhiều lần vinh danh ông là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới. Ảnh: Time

Trước khi làm toàn thời gian cho công việc cứu trợ những người nghèo đói, José Andrés đã nổi tiếng với tư cách là một đầu bếp. Đầu bếp gốc Tây Ban Nha đã đến Mỹ vào năm 1991 và nhập tịch Mỹ vào năm 2013, nhưng ông luôn coi mình là người nhập cư và nói lên tiếng nói của người nhập cư.

Ông cũng là một trong những người đầu tiên đưa ẩm thực tapas của người Tây Ban Nha đến Mỹ một cách thành công đáng kể. Tháng 10/2016, nhà hàng Minibar tại Washington của ông được trao tặng hai sao Michelin, sau đó trở thành một biểu tượng ẩm thực trong bảng xếp hạng 50 nhà hàng tốt nhất thế giới năm 2019.

Hiện nay danh tiếng của vị đầu bếp đầy tình nhân đạo đã không chỉ lan rộng khắp Hoa Kỳ, mà khắp thế giới, đến cả những vùng quê xa xôi ở Ấn Độ hay Bahamas (Địa Trung Hải).

Đọc thêm