Hành lang pháp lý đã tương đối đồng bộ
Theo báo cáo, năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 167/2017/NĐ-CP về sắp xếp lại, xử lý tài sản công nhằm hoàn thiện quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.
Đến nay đã ban hành 19 Nghị định, 2 Quyết định và 1 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; 10 Thông tư; Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch; Nghị định quản lý, sử dụng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước.
Theo đánh giá của Chính phủ, hệ thống các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (QLSDTSC) đã được ban hành tương đối đồng bộ. Việc này đã tạo hành lang pháp lý quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công; ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng; khai thác tài sản công hợp lý, hiệu quả, gắn với việc huy động các nguồn lực của xã hội cùng Nhà nước đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày 10/12/2019, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 32/CT-TTg đẩy mạnh triển khai thi hành Luật QLSDTSC và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Đến nay các bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo; đã thực hiện rà soát, hoàn thiện, ban hành theo thẩm quyền các tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng như: tiêu chuẩn, định mức về máy móc, thiết bị chuyên dùng, xe ô tô chuyên dùng, trụ sở chuyên dùng; rà soát để bảo đảm tài sản được đưa vào danh mục mua sắm tập trung đáp ứng các điều kiện theo quy định và thực tế của đơn vị, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng và phòng, chống thất thoát, lãng phí.
Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay có 28 bộ, ngành và 60 địa phương đã rà soát danh mục tài sản mua sắm tập trung. Trong đó 23 bộ, ngành và 50 địa phương đã ban hành quyết định thay thế.
Công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành, địa phương năm 2021 tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm; cơ bản hoàn thành việc ban hành quy định về phân cấp trong QLSDTSC làm cơ sở tổ chức, thực hiện việc đầu tư, xây dựng, mua sắm, thuê, khoán kinh phí, sử dụng, khai thác xử lý tài sản công. Đã có 40 bộ, cơ quan trung ương và 63 địa phương ban hành quy định về phân cấp trong QLSDTSC theo thẩm quyền.
Kiên quyết thu hồi các tài sản vi phạm
Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra một số tồn tại trong công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương.
Cụ thể, việc tổ chức, triển khai thực hiện Luật QLSDTSC ở một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa đầy đủ các nội dung. Một số loại tài sản và lĩnh vực còn thiếu văn bản quy định chi tiết, không còn phù hợp với luật nhưng chưa được thay thế, sửa đổi, bổ sung (như hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch...). Việc kiểm kê, phân loại, xác định để giao đối tượng quản lý các loại tài sản hạ tầng đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng không, thủy lợi chưa hoàn thành.
Một số quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng chưa được ban hành kịp thời (như: lĩnh vực y tế...). Còn xảy ra vi phạm trong đấu thầu, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công ở một số cơ quan, đơn vị, như: Vi phạm tại BV Bạch Mai, BV Tim Hà Nội, Sở GD&ĐT Thanh Hóa; vụ vi phạm quy định về đấu thầu; đưa - nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Cty Việt Á và một số cơ quan, địa phương... Thanh tra Chính phủ đã chuyển CQĐT Bộ Công an tiếp tục điều tra, làm rõ xử lý 7 vụ việc liên quan đến sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh.
Theo Chính phủ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là tiếp tục triển khai đồng bộ Luật QLSDTSC và các văn bản hướng dẫn nhằm nâng cao hiệu quả QLSDTSC và khai thác hợp lý nguồn lực từ tài sản công theo Chỉ thị 32/CT-TTg ngày 10/12/2019 của Thủ tướng. Tổ chức rà soát, sắp xếp lại tài sản công; đặc biệt với các cơ sở nhà, đất.
Kiên quyết thu hồi tài sản sử dụng sai đối tượng, mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức; tổ chức xử lý tài sản đúng pháp luật, công khai, minh bạch, không để lãng phí, thất thoát tài sản. Thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi bán, chuyển nhượng tài sản công; xử lý nghiêm các sai phạm. Triển khai đồng bộ, có hiệu quả phương thức mua sắm tập trung, mua sắm qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Quản lý chặt việc sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết nhằm phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản.