Vi phạm về động vật hoang dã trên mạng: Cần xử lý quyết liệt hơn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mới đây, một tài khoản TikTok đã đăng tải video dài 18 giây ghi lại cảnh đang nướng cháy một cá thể khỉ, khiến dư luận bức xúc. Đáng lo ngại, trong những năm qua, tình trạng đăng tải các bài viết, video với nội dung quảng cáo, buôn bán, giết hại động vật hoang dã trên không gian mạng vẫn đang diễn ra công khai.
Cần xử lý quyết liệt hơn với các vi phạm về ĐVHD trên mạng.
Cần xử lý quyết liệt hơn với các vi phạm về ĐVHD trên mạng.

Nghiêm trị vi phạm về động vật hoang dã trên mạng

Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), trong năm 2022, Tổ chức này đã ghi nhận 1.686 vụ việc vi phạm về động vật hoang dã (ĐVHD) trên Internet. Với vụ việc gần nhất, ngày 8/2, ENV tiếp nhận tin báo của cộng đồng về trường hợp một tài khoản TikTok có tên “@hoahoang2701” đăng tải video dài 18 giây ghi lại cảnh giết hại một cá thể khỉ, tài khoản này có hơn 1.500 người theo dõi. Video này đã thu hút hơn 88.200 lượt xem, hơn 240 bình luận trên TikTok, trong đó có rất nhiều bình luận chỉ trích, lên án hành vi này là tàn nhẫn, tàn phá thiên nhiên và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; khỉ được xếp vào loại động vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IIB. Cụ thể, đây là nhóm động vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ, hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại và các loài thuộc Phụ lục II CITES có phân bố tự nhiên tại Việt Nam.

Nói cách khác, khỉ nằm trong số động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng, được pháp luật bảo vệ bằng quy định nghiêm cấm hành vi buôn bán, săn bắn và giết hại. Hành động giết khỉ và đưa lên mạng xã hội thể hiện thái độ coi thường và thách thức pháp luật, các cơ quan thực thi pháp luật, cần phải nghiêm trị. Hành vi này có thể bị xem xét xử lý hành chính theo Nghị định 35/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP). Nếu có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hình phạt có thể lên đến 15 năm tù đối với cá nhân.

Trong năm 2022, cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính với nhiều đối tượng liên quan đến việc quảng cáo, rao bán ĐVHD và các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD trái phép trên mạng. Tuy nhiên, thực trạng này vẫn còn diễn ra tràn lan và công khai bởi các đối tượng lợi dụng sự thuận tiện của Internet, mạng xã hội để chào hàng, thoả thuận mua bán với khách hàng, có thể sử dụng nhiều tài khoản ẩn danh để “né” các cơ quan chức năng.

Một số nền tảng mạng xã hội thường ghi nhận các vi phạm như Facebook, Zalo, YouTube, TikTok. Các sản phẩm như ngà voi, sừng tê giác, móng gấu, da hổ và rất nhiều sản phẩm ĐVHD đều có thể tìm thấy trên Internet. Nhiều người còn cố tình đăng những hình ảnh, video giết hại ĐVHD để “câu view”, thu hút nhiều người xem để tăng khả năng bán sản phẩm.

Giám sát của toàn xã hội

Bên cạnh việc tuyên truyền, giải thích pháp luật và khuyến khích các đối tượng chấp hành quy định pháp luật về ĐVHD, trong nhiều vụ việc, cơ quan chức năng đã theo dõi, kiểm tra nhà/cơ sở kinh doanh của các đối tượng vi phạm và phát hiện, tịch thu nhiều tang vật cũng như áp dụng những hình phạt thích đáng với các đối tượng này.

Những vụ phát hiện, tịch thu tang vật và bắt giữ các đối tượng vi phạm về ĐVHD trên Internet cho thấy sự nỗ lực, tích cực của cơ quan chức năng các địa phương đối với loại hình tội phạm này, đồng thời cũng là “bài học cảnh tỉnh” răn đe những đối tượng khác.

Ngày càng có nhiều người dân sẵn sàng hỗ trợ giám sát và thông báo các vi phạm về ĐVHD trên Internet, mạng xã hội. Họ sẵn sàng báo cáo bài đăng vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng và gửi đến các tổ chức, cơ quan chuyên môn để xử lý những hành vi vi phạm về ĐVHD trên mạng.

Các doanh nghiệp kinh doanh sàn thương mại điện tử và các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok, Lazada hay Shopee cũng đang chung tay cùng ENV và các tổ chức bảo vệ động vật trong việc xóa bỏ các bài đăng vi phạm về ĐVHD trên không gian mạng, nhằm đảm bảo một môi trường trong sạch cho người dùng, tố cáo vi phạm kịp thời.

Chính sự vào cuộc và giám sát của cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức cùng nỗ lực, quyết tâm của các cơ quan chức năng là “sức mạnh to lớn” để ngăn chặn triệt để tình trạng trên. Trong thời gian tới, dư luận mong rằng cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm cá nhân vi phạm, mỗi người dân cần nâng cao hiểu biết về pháp luật và kiên quyết nói không đối với việc giết hại, sử dụng sản phẩm từ ĐVHD.

Đọc thêm