Vì sao ảo thuật Việt có tuổi mà chưa có tên?

(PLO) - Ảo thuật Việt Nam từ thập niên 70 đã có những tên tuổi thành danh, nhưng đến nay, khi “cây đa, cây đề” của ảo thuật Việt sắp đi vào dĩ vãng mà chỉ có số ít ảo thuật gia trẻ có thể đốn tim khán giả trong và ngoài nước. Có 101 nguyên nhân ảo thuật Việt Nam hiện nay chỉ loanh quanh “ao làng”.
Những ảo thuật gia mong có nhiều đất để dụng võ.
Những ảo thuật gia mong có nhiều đất để dụng võ.

Hiếm sân chơi cho các ảo thuật gia

Chương trình “Ảo thuật siêu phàm” phát sóng vào 20 giờ chủ nhật hàng tuần trên kênh VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam, bắt đầu từ ngày 6/5/2018 do VTV và Cty Truyền thông ADT phối hợp sản xuất. Đây là sân chơi tầm cỡ đầu tiên trên sóng truyền hình dành cho các ảo thuật gia Việt Nam. 

“Ảo thuật siêu phàm” được Cty Truyền thông ADT xây dựng theo format của  chương trình gameshow ăn khách số 1 và đạt kỷ lục về lượng người theo dõi sau khi ra mắt tại Trung Quốc vào năm 2017.

“Ảo thuật siêu phàm” sẽ bao gồm 12 số phát sóng với sự tham gia tranh tài của 18 ảo thuật gia tài năng hàng đầu Việt Nam. Không chỉ trình diễn những màn ảo thuật độc đáo và đỉnh cao khiến người xem thót tim và hồi hộp, các thí sinh - ảo thuật gia cũng sẽ mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Ở đó, người xem sẽ có dịp chứng kiến cuộc chiến nảy lửa giữa những ảo thuật gia tài năng, có khả năng biến to thành nhỏ, biến có thành không.

Dựa theo chủ đề của từng đêm thi, các thí sinh sẽ lên ý tưởng xây dựng tiết mục của mình sao cho gần với chủ đề nhất, khoe được tài ảo thuật của mình một cách siêu phàm nhất và mang đến nhiều cảm xúc nhất cho cả người xem lẫn giám khảo. Đó là lý do khán giả sẽ được các ảo thuật gia tài năng dẫn dắt vào cuộc hành trình đầy thú vị: câu chuyện tình yêu lãng mạn bên tháp Eiffel (Pháp), nhịp sống sôi động ở Dubai, thưởng thức hương vị ẩm thực độc đáo với phong cách chế biến tài tình ở Ý, hồi hộp khi lạc vào thế giới Ai Cập cổ đại với sự trở lại của những xác ướp…

18 ảo thuật gia tranh tài ở “Ảo thuật siêu phàm” đều là những gương mặt trẻ  tài năng trong giới ảo thuật Việt hiện nay. Có thể kể đến những cái tên như Hoàng J, Duy Anh, Alibaba, Magic Toàn, Lư Phong…Đảm nhận vai trò giám khảo của chương trình này, tạo thành bộ ba quyền lực trên ghế nóng là người đẹp- doanh nhân Lý Nhã Kỳ cùng 2 ảo thuật gia gốc Việt nổi tiếng- Petey Majik và Palmas Nguyen. Đồng hành trong vai trò “host” của chương trình là MC Nguyên Khang

Không phải ngẫu nhiên, ban tổ chức quyết định bắt tay vào sản xuất gameshow có màu sắc hoàn toàn khác hẳn với các gameshow đang thịnh hành trên sóng truyền hình, ông Phương Nguyễn - Giám đốc sản xuất “Ảo thuật siêu phàm” cho biết, từ trước tới nay chưa có sân chơi thực sự quy mô dành cho giới ảo thuật gia của Việt Nam, trong khi các chương trình gameshow ở đủ các loại hình âm nhạc lại rất nhiều. Đó là điều thiệt thòi cho những người đam mê ảo thuật và cả những người muốn tìm hiểu về bộ môn nghệ thuật này. 

Ảo thuật gần 50 tuổi vẫn “sống mòn” ở các chương trình tạp kỹ!

Ảo thuật Việt Nam từ thập niên 70 đã có những tên tuổi thành danh, tạo được ấn tượng đối với khán giả như: Nguyễn Thành Long, Nguyễn Khuyến, Tony Quang, NSƯT Nguyễn Đức Trường (tức Z27), Nguyễn Kim, Thanh Trúc, Ngọc Phước, Hoàng Biếu, Lê Hảo Tâm, Trần Định, Hoàng Lang… Nhưng đến nay, khi cây đa, cây đề của ảo thuật Việt sắp đi vào dĩ vãng mà chỉ có số ít tài năng có thể “đốn tim” khán giả trong và ngoài nước như: Huy Nguyễn, Palmas Nguyễn và Ngọc Minh Quang…

Có 101 nguyên nhân ảo thuật Việt Nam chỉ loanh quanh “ao làng”. Dễ thấy, các ảo thuật gia chủ yếu học bằng cách “truyền mệng”, tự biên tự diễn, không có trường lớp chính quy bài bản. Họ tự dạy nhau trong một nhóm nhỏ có gì dạy nấy, hoặc học trên internet. Việc học manh mún như vậy, chẳng có gì là lại khi các ảo thuật gia Việt Nam khó bề thi thố với các ảo thuật gia nước ngoài.

Vì ảo thuật luôn coi là tiết mục lót tại các đêm tạp kỹ hay các buổi biểu diễn xiếc nên dù gần “50 tuổi” đời, ảo thuật không hề có một sân khấu cho riêng mình mà phải diễn lẫn với sân khấu xiếc. Trong khi ảo thuật cần có sân khấu hộp, phông đen với những đặc thù của nó. Các ảo thuật gia có tài giỏi đến mấy nhưng không có nơi diễn, họ lực bất tòng tâm khó có thể phát huy tài năng của mình. “Chúng tôi cần sân khấu đúng nghĩa để giới thiệu những sáng tạo của ảo thuật Việt, không thể cứ “sống mòn” trong các chương trình đại nhạc hội, nhà hàng, quán bar, thậm chí diễn ở quán nhậu. Những ai yêu nghề ảo thuật đều không khỏi chạnh lòng” - nhà ảo thuật trẻ Tuấn Minh bày tỏ.

“Cơm gạo, áo tiền” cũng làm thui chột tài năng của các ảo thuật gia. Vì được coi là tiết mục thay thế cho các chương trình tạp kỹ nên các ảo thuật gia luôn bị trả tiền cát sê “bèo bọt”, khó có thể chi trả cho chi phí mua dụng cụ và chất xám. Ảo thuật gia David Hùng cười thương xót: “30 năm đi diễn, vợ tôi chưa bao giờ cầm được tiền mà tôi biểu diễn ảo thuật có được, vì tất cả số tiền đó tôi đều trút vào mua sắm, sản xuất đạo cụ biểu diễn, đôi khi còn xin thêm tiền nhà để bù vào chi phí mua sắm đạo cụ”. Có một thực tế, cũng là nghệ sĩ, một ca sĩ đi hát, cho dù chỉ có một, hai bài tủ, họ có thể hát tua đi tua lại chục năm, xây nhà lầu, xe hơi trong khi ảo thuật gia tập luyện một tiết mục hàng năm, đầu tư kinh phí vài chục triệu đồng nhưng chỉ diễn vài ba lần coi như bị hết vở. Tiền catxe thấp lại nghề không mấy được coi trọng nên lửa đam mê của các ảo thuật gia rơi rụng dần. Ảo thuật gia Diệp Bảo Hiệp bùi ngùi: “Tôi biểu diễn ảo thuật lâu năm, mặc dù sự gian truân, vất vả hiểm nguy luôn ở mức cao. Mải miết đi mãi, diễn mãi rồi cũng chỉ có hai bàn tay trắng quay về. Cái được duy nhất có chăng chỉ là những tràng pháo tay giòn giã của khán giả. Họ không quan tâm và cũng chẳng bao giờ nhìn thấy giọt mồ hôi, thậm chí cả máu người nghệ sĩ phía sau sân khấu”.

Theo thống kê cách đây 2 năm của Chi hội Xiếc - Ảo thuật Hội Sân khấu TP HCM, có 125 nghệ sĩ ảo thuật hoạt động biểu diễn tại TP và các tỉnh. Nhưng để quy tụ đầy đủ nghệ sĩ ảo thuật là hội viên thì rất khó. Các nhóm đã tản mác đi diễn khắp nơi, một số đã bỏ nghề vì cuộc sống khó khăn”.  Nhà ảo thuật Hoàng Lang bức xúc: “Ảo thuật sẽ về đâu nếu cứ thả nổi cho việc tự học, tự bơi, tự tìm đường sống như bao lâu nay của các thế hệ nghệ sĩ ?”. 

Hơn ai hết, các ảo thuật gia mong muốn ảo thuật Việt thoát khỏi “ao làng” lạc hậu. Họ mong muốn được Nhà nước quan tâm, coi trọng đầu tư đúng mức, có thêm trường lớp chính quy, bài bản, được đầu tư xây dựng sân khấu riêng cũng như đầu tư về đạo cụ để họ thỏa sức dụng võ, có chế độ đãi ngộ nghệ sĩ hợp lý… Có vậy, những tài năng mới có cơ hội tỏa sáng tại mảnh đất hình chữ S và “đủ trình” đi “chinh chiến” với các ảo thuật gia quốc tế, khắc tên trên bản đồ ảo thuật gia thế giới.