Theo kết quả giám định, trước và trong khi gây án Phương bị bệnh rối loạn nhân cách thực tổn, liệt nửa người (bên trái) do tai biến mạch máu não. Hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Phiên sơ thẩm, trước vành móng ngựa, bị cáo trông vẻ tiều tụy, đôi lúc lại đưa đôi mắt vô hồn liếc nhìn xung quanh.
Sau cơn bệnh tai biến, Phương bị liệt nửa người, không còn lao động được. Bởi vậy, người đàn ông này liên tục yêu cầu vợ đưa mình xuống TP.HCM điều trị. Do đang bận thu hái cà phê, người vợ chưa sắp xếp được thời gian đưa chồng đi. Tức giận vì chuyện này, Phương đã ra tay sát hại bố vợ.
Vô cớ “ám sát” cha vợ
Sáng 8/9, TAND tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa sơ thẩm hình sự, đưa bị cáo Đỗ Như Phương (SN 1966, ngụ phường Thành Công, TP.Buôn Ma Thuột) ra xét xử về tội giết người.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Đắk Lắk, vào ngày 22/6/2015, Phương bị tai biến mạch máu não nên phải đi điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Đắk Lắk.
Đến ngày 17/7/2015, Phương ra viện nhưng bị di chứng liệt nửa người bên trái. Vì tay trái vận động khó khăn nên hàng ngày, ngoài việc vệ sinh cá nhân thì người đàn ông này không làm được việc gì khác.
Trong thời gian đó, do bận rộn thu hoạch cà phê tại địa bàn xã Đắk Rung, huyện Đắk Song (Đắk Nông) nên chị Đặng Thị Kim Liên (SN 1973, vợ Phương) nhờ bố là ông Đặng Văn Từ (SN 1944) từ Quảng Ngãi lên thay mình chăm sóc chồng con và phụ giúp việc nhà.
Vào khoảng 14h30 ngày 2/12/2015, sau khi tự đến chữa bệnh tại một cơ sở tư nhân trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột trở về, Phương bực tức vì nhớ lại chuyện từng nhờ vợ đưa xuống khám chữa bệnh tại TP HCM nhưng chưa được đi.
Do đó, Phương nghĩ rằng, chỉ có cách đánh cha vợ thì vợ mới về đưa mình đi khám bệnh. Khi thấy bố vợ đang nằm đọc báo trên ghế sofa tại phòng khách, Phương liền dùng chiếc lục bình bằng gỗ (cao 42cm), đánh liên tiếp hai cái vào đầu và tay khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Sau khi gây án, Phương bỏ trốn khỏi địa phương.
Đến 17h cùng ngày, cháu Đỗ Thúy Nhi (SN 2006, con gái Phương) đi học về thì phát hiện ông ngoại đã chết nên báo cho người thân và cơ quan chức năng.
Đến sáng 3/12/2015, Phương bị CQĐT bắt khi đang đón xe khách tại địa bàn phường Bình Tân, thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk). Theo kết quả giám định pháp y, nạn nhân bị đa thương tích vùng đầu, mặt, gây vỡ xương vòm sọ, tụ máu, dập não… dẫn đến tử vong.
Trong quá trình điều tra vụ án, nhận thấy Phương có biểu hiện bất thường về thần kinh nên CQĐT đã đưa bị can này đến Trung tâm giám định Pháp y tâm thần khu vực Tây Nguyên.
Theo kết quả giám định, trước và trong khi gây án Phương bị bệnh rối loạn nhân cách thực tổn, liệt nửa người (bên trái) do tai biến mạch máu não. Hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Phiên sơ thẩm, trước vành móng ngựa, bị cáo trông vẻ tiều tụy, đôi lúc lại đưa đôi mắt vô hồn liếc nhìn xung quanh. Dù vậy, khi HĐXX hỏi tới, bị cáo vẫn khai nhận toàn bộ hành vi như cáo trạng đã nêu.
Cuộc đời thăng trầm
Người nhà cho biết, cách đây khoảng 20 năm, Phương rời quê Quảng Ngãi, một mình lên Đắk Lắk lập nghiệp. Thuở ấy, Phương rất chăm chỉ làm lụng.
Bởi vậy, chỉ sau vài năm tích góp người này đã có một số vốn trong tay để mở lò nấu đường. Từ đó, cuộc sống của Phương tương đối thoải mái nhờ việc buôn bán thuận lợi, tiền bạc rủng rỉnh.
Thời còn con gái, chị Liên lên nhà người thân ở TP. Buôn Ma Thuột chơi, tình cờ quen Phương rồi hai người nên duyên vợ chồng. Nhờ ăn nên làm ra, vợ chồng Phương bàn nhau mua gần một ha đất rẫy trên huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông để trồng cà phê.
Cuộc sống của Phương đang hạnh phúc, vợ chồng thuận hòa, con cái ngoan ngoãn, thì tai họa bỗng ập tới. Vào năm 2015, Phương bất ngờ bị tai biến, sức khỏe sa sút, liệt nửa người nên không còn lao động được.
Chính vì người chồng bệnh tật, phải “ăn bám” vợ nên tình cảm gia đình cũng dần sứt mẻ. Hằng ngày, chị Liên phải tất tả ngược xuôi, vừa lo công việc nương rẫy, vừa phải lo cơm nước, chăm lo chồng bệnh và kèm cặp hai con học bài.
Về phần mình, người chồng chỉ biết quẩn quanh trong nhà nên đâm ra ức chế, cảm giác như là người thừa trong gia đình. Nhiều đêm Phương không ngủ mà cứ đi lang thang dọc các con phố gần nhà. Có lần Phương đi lạc, không nhớ đường về, vợ con và người thân phải tất tả đi tìm.
Đến khi cảm thấy mình không kham nổi một lúc nhiều việc, chị Liên gọi người em trai ở Quảng Ngãi lên phụ mình chăm sóc rẫy cà phê. Nào ngờ, thấy em vợ ở nhà vài bữa, Phương tỏ ra khó chịu.
Đến đầu tháng 2/2015, thấy em vợ đang say giấc trên giường, Phương liền xách gậy tới đánh lén một nhát vào chân. Bị đánh bất ngờ, người em vợ bật dậy, Phương tiếp tục cầm gậy nhằm đầu đánh tiếp. Tuy nhiên, người em đã kịp thời dùng tay đỡ và chạy thoát.
Sau khi bị đánh, em vợ Phương không dám ở cùng anh rể mà trở về quê. Đến cuối tháng 11/2015, khi rẫy cà phê vào mùa chín tới, chị Liên phải lên tỉnh Đắk Nông túc trực, lo hái cà phê, canh trộm nên không có thời gian trở về chăm sóc chồng con.
Trước khi đi, chị đã nhờ cha từ Quảng Ngãi lên lo cơm nước và thay mình chăm sóc hai con nhỏ cùng người chồng bệnh tật.
Hai mối ẩn ức
Không có vợ ở nhà, Phương liên tục kiếm chuyện, chửi bới lung tung, một hai buộc vợ về để đưa mình đi trị bệnh. Yên tâm vì ở nhà đã có cha lo mọi việc, lại nghĩ bệnh tình của chồng phải có thêm thời gian nên chị Liên gắng bám trụ tại rẫy cà phê, tính thu hoạch xong sẽ trở về. Nào ngờ, Phương chạy sang nhà Tổ trưởng TDP, yêu cầu gọi vợ về, đưa mình đi trị bệnh cho bằng được.
Chờ mãi, không thấy vợ về, Phương gọi thêm một cuộc điện thoại, cãi vã nặng lời. Khi ngắt điện thoại, Phương quay ra thấy bố vợ đang đọc báo trong phòng khách nên đã gây án như đã nêu trên.
Ngoài nguyên nhân không được đi chữa bệnh, có người cho rằng thủ phạm còn “giở chứng”, vợ chồng thường xuyên to tiếng, cãi vã nhau vì chuyện tình cảm. “Đã nhiều lần tôi nghe Phương cãi nhau to tiếng với vợ vì chuyện chăn gối.
Tuy nhiên, chị Liên cũng bị bệnh nên mất đi nhiều khả năng trong chuyện vợ chồng. Về mặt tình cảm, chị Liên là người phụ nữ đảm đang, một mình gồng gánh mọi công việc để lo cho gia đình. Do Phương bệnh nên ức chế hay càu nhàu, kiếm cớ chửi bới vợ con”, một hàng xóm cho biết.
Nói về hoàn cảnh gia đình bị cáo, ông Phạm Công Tình, nguyên Tổ trưởng TDP 12, phường Thành Công, TP.Buôn Ma Thuột) cho biết: “Tôi nghĩ Phương gây ra vụ việc đau lòng trên là vì hai nguyên nhân. Thứ nhất, do bị bệnh tai biến, chữa nhiều lần nhưng không khỏi và trở thành người thừa trong gia đình nên tâm lý bị ức chế, hay cáu gắt.
Thứ hai, ngoài việc không được đưa đi chữa bệnh, Phương còn không hòa thuận với vợ nên càng tỏ ra bất mãn. Có lần Phương đã đến nhà tôi, phàn nàn về việc này.
Tuy nhiên, đây là chuyện tế nhị nên tôi không can thiệp được. Ngoài ra, trước khi xảy ra vụ việc trên, Phương đã có nhiều biểu hiện bất thường về bệnh thần kinh như hay đi lang thang thâu đêm”.
Trở lại phiên xử sơ thẩm, dựa trên hồ sơ vụ án và các chứng cứ liên quan, cũng như lời khai của bị cáo tại phiên tòa, HĐXX cho rằng, do ý thức coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người khác mà Phương đã nhẫn tâm đánh nạn nhân tử vong. Bởi vậy, cần phải áp dụng hình phạt nặng, tách bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian dài để cải tạo, giáo dục.
Luật sư bào chữa cho bị cáo lập luận rằng, bị cáo gây án trong thời gian bị rối loạn nhân cách, tâm thần không ổn định nên xin HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho Phương. Sau giờ nghị án, HĐXX tuyên phạt bị cáo mức án 18 năm tù giam.