Vì sao giáo dục đại học chưa có sự bứt phá?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vừa qua, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo Giáo dục năm 2023 về “Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học”.
Giáo dục ĐH ở Việt Nam cần tháo gỡ những “điểm nghẽn” pháp lý. (Nguồn ảnh: avnuc.vn)
Giáo dục ĐH ở Việt Nam cần tháo gỡ những “điểm nghẽn” pháp lý. (Nguồn ảnh: avnuc.vn)

Cần tháo gỡ những “điểm nghẽn” pháp lý

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định, thời gian qua, lĩnh vực giáo dục đại học đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các đại học, trường đại học hàng đầu của Việt Nam liên tục xuất hiện và tăng thứ hạng, giữ vị trí tốt trong các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới. Tuy nhiên, thể chế, chính sách điều chỉnh lĩnh vực giáo dục đại học còn có sự mâu thuẫn, thiếu thống nhất trong cách hiểu, vận dụng và hướng dẫn thi hành, đặc biệt về thực hiện tự chủ đại học.

Còn theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, giáo dục đại học trước hết là một dịch vụ công, mang lại cả lợi ích cho cá nhân và lợi ích công. Nhưng cơ bản cũng phải tuân theo những quy luật của thị trường, có cạnh tranh, có phân khúc, có quan hệ giữa chất lượng, chi phí và theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cần phải có vai trò điều tiết, định hướng của Nhà nước.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, có thể nhận thấy những nguyên nhân căn cốt dẫn tới hạn chế về chất lượng giáo dục đại học gồm: Cơ chế đánh giá cũng như giám sát chất lượng có thể chưa thực sự hiệu quả, thực chất; Hành lang pháp lý của tự chủ đại học chưa thực sự đồng bộ; Năng lực quản trị của một số cơ sở giáo dục đại học còn yếu.

Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục đại học còn phân mảnh, chưa được tối ưu hóa. Một số cơ sở giáo dục đại học hoạt động kém hiệu quả, kém chất lượng. Nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn rất thấp so với yêu cầu phát triển. Đối sánh với khu vực và thế giới, tỷ trọng chi đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 so với mức trung bình của khu vực.

PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG TP HCM cho rằng, nếu không có những giải pháp kịp thời, giải pháp đồng bộ thì những “điểm nghẽn” sẽ tác động rất lớn đến các trường đại học. Trong đó sẽ ảnh hưởng đến quy mô đào tạo và chất lượng. Thời gian vừa qua, quy mô đào tạo đại học tăng nhưng số lượng GS, PGS hầu như không tăng mà còn có xu hướng thay đổi theo từng năm, không theo một quy luật nào.

Chất lượng giáo dục đại học về cơ bản được đo bằng người thầy giỏi. Do vậy, khi tỉ lệ GS, PGS không tăng mà sinh viên tăng sẽ không đảm bảo được chất lượng đào tạo. Đồng thời, nguy cơ sẽ kéo tỉ lệ đào tạo tiến sĩ đi xuống. Bởi đào tạo tiến sĩ phụ thuộc vào quy mô, số lượng GS, PGS. Hiệu ứng này gây thiếu hụt các nhà khoa học đầu ngành, mất cân đối trong đào tạo. “Điểm nghẽn” thể chế sẽ tác động đến nguồn thu chủ yếu là học phí và học phí liên tục tăng, tỉ lệ phụ thuộc vào học phí lên tới hơn 70%. Một trường đại học không thể trở thành đại học đẳng cấp thế giới, xếp hạng thế giới nếu chỉ dựa vào học phí…

“Chỉ có phát triển mới có chất lượng”

Nêu góc nhìn khái quát về giáo dục đại học hiện nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định: Có thể nói, giáo dục đại học đang trong trạng thái phát triển, giàu sức sống với một số lượng sinh viên tương đối ổn định, khoảng trên 500.000 sinh viên. Số lượng giảng viên nhích lên về số lượng, cải thiện về học hàm học vị; ranking cũng nhích lên, một số trường vào top 1000 trường đại học thế giới.

Tuy nhiên, Bộ trưởng thẳng thắn đánh giá, “tốc độ phát triển đó có thể nói ngay là chậm - có, nhưng mà chậm, không có bứt phá trong sự phát triển giáo dục đại học”. Lý giải kỹ hơn, Bộ trưởng cho rằng: Chúng ta đang kỳ vọng đất nước có sự phát triển mạnh mẽ, bứt phá, một nền kinh tế phát triển với tốc độ cao để đưa quốc gia thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình và kỳ vọng một vài chục năm sau là đất nước thu nhập khá. Nếu như trong một khung cảnh đất nước đang rất phát triển, trong bối cảnh chúng ta hài lòng với những gì kinh tế - xã hội đã có, thì những gì đang nhích lên của giáo dục đại học có thể tạm yên lòng. Cái chúng ta cần hệ thống giáo dục đại học ở thời điểm này, ở thập kỷ này, bối cảnh này là một sự bứt phá, chứ không phải loay hoay trong khung cảnh làm thế nào để các trường đại học cùng đỡ khổ, đỡ khó, đỡ nghèo, nhưng chưa nhìn thấy nhiều con đường để bứt phá. Vì thế, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: “Chỉ có phát triển mới có chất lượng. Còn cứ loay hoay ứng phó với sự tồn tại thì câu chuyện chất lượng sẽ là câu chuyện vô cùng khó”.

Trao đổi sâu từ góc độ thể chế với những “cái vướng” đang tạo ra lực cản cho tự chủ đại học, Bộ trưởng cho rằng, hệ thống quy phạm pháp luật mở đường cho tự chủ đại học chưa có được sự đồng bộ và chia sẻ của hệ thống pháp luật khác. Bộ trưởng cũng dẫn chứng cụ thể những vướng mắc từ các quy định về đơn vị tự chủ công lập, vấn đề viên chức, vấn đề quản lý tài sản công, vấn đề sở hữu trí tuệ… Đơn cử, với một cơ sở giáo dục đại học áp dụng các quy định như các cơ sở sự nghiệp công lập khác thì rất khó để tự chủ. Bên cạnh đó, các nhà khoa học trong trường cũng là các viên chức và chế tài của luật viên chức thì tự chủ của viên chức cũng rất khó có thể phù hợp với các nhà khoa học khi cần sự tự chủ rất cao để sáng tạo, thể hiện trách nhiệm.

“Câu chuyện lúc này là phải tạo được hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ để thực hiện được tự chủ đại học đầy đủ, chiều sâu”. Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời đề xuất có thể tính đến làm một Luật để sửa nhiều Luật, tránh những chồng chéo hiện nay.

Theo đó, ông Sơn cho rằng, để tháo gỡ cho doanh nghiệp, để mở đường cho kinh tế, chúng ta đã thực hiện một Luật sửa nhiều Luật, đây là việc bất đắc dĩ trong xây dựng luật pháp. Nếu có thể đề xuất một Luật như vậy thì nên lấy tâm điểm là tự chủ đại học và rà soát những gì chồng chéo, cản trở, mâu thuẫn thì sửa đổi, để các luật khác, các quy định khác có thể mở đường cho tự chủ đại học…

Đọc thêm