Khởi tố 5 cựu cán bộ Đà Nẵng
Trước đó một ngày, hôm 17/4 Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tiến hành các biện pháp tố tụng với bảy bị can liên quan đến vụ án của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”). Trong đó, ông Trần Văn Minh bị khởi tố bị can và bắt tạm giam; ông Văn Hữu Chiến bị khởi tố bị can và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú; cùng về các hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” (Điều 219 BLHS năm 2015) và “Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai” (Điều 229 BLHS 2015).
Ngoài ra, nguyên Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng Nguyễn Điểu, nguyên Phó Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng Trần Văn Toán, Giám đốc Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng Lê Cảnh Dương bị khởi tố bị can và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú theo Điều 229 BLHS 2015.
Ngày18/4, tại nhà riêng của ông Trần Văn Minh trên đường Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng); nhà ông Văn Hữu Chiến (số 4 Ba Đình, quận Hải Châu), Bộ Công an đã tiến hành khám xét. Đại tá Lê Văn Tam, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng xác nhận thông tin này. Theo ông Tam, sau khi khởi tố các bị can, Bộ Công an đề nghị Công an Đà Nẵng tham gia hỗ trợ để đảm bảo an ninh trật tự và chứng kiến việc khám nhà. Ba bị can còn lại cũng lần lượt được tiến hành các bước tố tụng tiếp theo.
Có mặt tại các khu vực nhà ông Minh và ông Chiến, nhiều người dân cho biết họ không bất ngờ trước sự việc. “Sống cùng khu phố nên sáng nào cũng gặp anh Minh đi tập thể dục, mọi người vẫn chuyện trò bình thường. Chuyện anh Minh có liên quan đến các sai phạm ở Đà Nẵng, thậm chí sẽ bị bắt, tôi và cư dân trong khu phố có nghe lâu nay. Cụ thể thế nào chúng tôi không được rõ, nhưng đã vi phạm thì phải chịu trách nhiệm là điều tất yếu”, một hàng xóm nhà ông Minh nói.
Ngoài khám xét nhà, sáng cùng ngày, bốn bị can được cho tại ngoại (trừ ông Trần Văn Minh) đã đến trụ sở Bộ Công an tại Đà Nẵng tiếp tục giải trình những vấn đề liên quan đến công tác tham mưu trong lĩnh vực chấp hành các quy định về đất đai.
Với việc năm người này cùng lúc bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố bị can, Chủ tịch UBND Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ nhận định, trước mắt là liên quan đến khu đất 29ha thuộc dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước mà chính quyền khi đó ký làm lợi cho Công ty của Vũ “nhôm”.
Trao đổi với PLVN qua điện thoại, ông Nguyễn Điểu cũng xác nhận, thời gian gần đây vấn đề Công an tập trung đề cập là vai trò của các cá nhân trong việc bán các dự án cho Phan Văn Anh Vũ. “Thời tôi làm Giám đốc Sở TN-MT, chủ yếu phải thực hiện theo lệnh của anh Thanh (tức Nguyễn Bá Thanh, cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) để hợp thức hóa các thủ tục mua bán. Còn anh Trần Văn Minh và anh Văn Hữu Chiến là người trực tiếp ra các quyết định giao đất”, ông Điểu nói.
“Thương vụ” gây thiệt hại 570 tỉ đồng
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Phát triển nhà Đa Phước vốn là công ty hai thành viên, gồm Công ty TNHH Daewon Cantavil và Công ty CP Xây dựng 79 góp vốn. Sau đó, Daewon Cantavil chuyển nhượng toàn bộ vốn để Xây dựng 79 trở thành chủ sở hữu duy nhất Công ty TNHH phát triển nhà Đa Phước. Tuy nhiên, đến tháng 4/2017, vài tháng trước khi Vũ “nhôm” bị bắt, Công ty TNHH Phát triển nhà Đa Phước bất ngờ đăng ký thay đổi chủ sở hữu từ Xây dựng 79 sang ông Võ Ngọc Châu (Đà Nẵng).
Cũng cần nhắc lại, tiền thân dự án này bắt đầu vào ngày 16/11/2006, Daewon Cantavil và UBND TP Đà Nẵng ký thỏa thuận nguyên tắc đầu tư dự án Khu đô thị phức hợp sân golf Đa Phước (khu đô thị quốc tế Đa Phước). Trong thỏa thuận nguyên tắc này, có nội dung giao quyền sử dụng đất cho một công ty Việt Nam liên doanh với Daewon Cantavil với diện tích khoảng 29ha, đơn giá 300.000 đồng/m2.
Đến năm 2011, UBND TP Đà Nẵng đồng ý chuyển quyền sử dụng đất 29ha cho Xây dựng 79 để sử dụng liên doanh với Daewon Cantavil thực hiện dự án khu biệt thự, nhà phố và các tiện ích có liên quan theo quy hoạch.
Giá chuyển quyền sử dụng đất của khu đất nêu trên theo bản thỏa thuận nguyên tắc ngày 16/11/2006. Tuy nhiên, giá đất đưa ra này lại trái với quy định pháp luật do chưa có tham mưu của Hội đồng thẩm định giá đất TP và tham mưu về giá đất của Sở Tài chính.
Tại Kết luận 2852 năm 2012, Thanh tra Chính phủ xác định việc giao khu đất trên cho Xây dựng 79 thấp hơn giá TP Đà Nẵng quy định, làm lợi cho Vũ “nhôm” hơn 570,8 tỉ đồng; đến nay vẫn chưa thu hồi lại được. Việc đề xuất UBND TP Đà Nẵng giao đất cho Xây dựng 79, có vai trò của ông Lê Cảnh Dương, lúc đó làm Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư Đà Nẵng.
Theo nguồn tin của PLVN, những sai phạm khiến hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng vướng vòng lao lý, còn liên quan chuyển nhượng nhiều nhà đất công sản ở Đà Nẵng từ năm 2007, chủ yếu cho Vũ “nhôm. PLVN sẽ tiếp tục thông tin.
Ngày 17/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã tiến hành các biện pháp tố tụng, ra quyết định khởi tố bị can với ông Phan Hữu Tuấn, cựu Trung tướng, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (Bộ Công an). Ông Tuấn bị điều tra về tội Cố ý làm lộ bí mật nhà nước, theo Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015. Ông Tuấn năm nay 63 tuổi, đã nghỉ hưu, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội. Tối cùng ngày, sau hơn một tiếng khám xét, công an đã rời nhà ông Tuấn lúc 21h30, mang ra một thùng tài liệu.
CQĐT cũng ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam ông Nguyễn Hữu Bách, cán bộ Bộ Công an, theo Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cùng ngày, Chủ tịch nước ký quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân với ông Tuấn. Bộ trưởng Công an tước danh hiệu với ông Bách.
Theo Bộ Công an, mở rộng điều tra vụ án Phan Văn Anh Vũ “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, “Trốn thuế”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, ngoài hai cựu công an trên, trong ngày 17/4 nhà chức trách còn khởi tố một số cựu quan chức cấp cao của Đà Nẵng như nêu trong bài.
Trước đây một tháng, trả lời báo chí, ông Văn Hữu Chiến cho biết, thời điểm Đà Nẵng có chủ trương bán và giao nhà đất công sản, ông là Phó Chủ tịch, chịu trách nhiệm “giúp việc, ký theo phân công, trình tự thủ tục để triển khai chủ trương, chứ không có quyền quyết định”. “Cả thành phố lúc đó như một công trường với việc giải tỏa, xây dựng các dự án. Thời kỳ đổi đất lấy công trình đã giúp thành phố phát triển mạnh”, ông nói.
Ông Chiến cho hay đã dành hầu hết thời gian khi làm chủ tịch để chỉ đạo chính quyền thành phố khắc phục sai phạm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Khởi tố bị can đối với Vũ “nhôm” trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB)
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C46) đang tiến hành điều tra vụ án Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB). Căn cứ kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ án, ngày 18/4/2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C46) đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với Phan Văn Anh Vũ (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79), Quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Trần Phương Bình (nguyên Tổng Giám đốc DAB) về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015, liên quan đến hành vi chiếm đoạt 200 tỷ đồng của DAB. Cùng ngày, VKSND Tối cao đã phê chuẩn các quyết định tố tụng nêu trên, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt các quyết định, đảm bảo an toàn, đúng quy định pháp luật. Đến nay Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C46) đang tiếp tục khẩn trương điều tra mở rộng vụ án và thu hồi tài sản của các bị can do phạm tội mà có.