Trong các sách sử, Ngô Quyền được gọi là Ngô Vương hoặc Tiền Ngô Vương, quê ở thôn Cam Lâm, xứ Đường Lâm (nay thuộc làng Đường Lâm, TX. Sơn Tây, Hà Nội). Có thuyết nói tổ tiên Tiền Ngô Vương gốc ở châu Ái (Thanh Hóa ngày nay), sau mới di cư ra Bắc đến sống ở Đường Lâm, được vài đời thì sinh ra vua.
Người chấm dứt “nghìn năm Bắc thuộc”
Vua xuất thân trong gia đình nhiều đời làm hào hữu, cha là Ngô Mân (có tên khác là Ngô Đình Mân, Ngô Côn, Ngô Tiên Phủ) làm châu mục Đường Lâm; thân mẫu là Phùng Thị Tịnh Phong, cũng người Đường Lâm, thuộc dòng dõi của Bố Cái Đại vương Phùng Hưng.
Chính sử không ghi năm sinh của vua nhưng dã sử cho biết Tiền Ngô Vương sinh vào ngày 12 tháng 3 năm Đinh Tị (897). Có một số thuyết khác nói vua sinh năm Mậu Thân (898), hoặc sinh năm Kỷ Mùi (899).
Sử cho biết về xuất xứ tên gọi của Ngô Quyền như sau: “Khi vua mới sinh, có điềm ánh sáng khắp nhà, hình dạng khác thường, lưng có ba nốt ruồi, người xem tướng cho là lạ, bảo rằng có thể làm chúa một phương, nên cha vua mới đặt tên là Quyền” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Đất nước ta từ khi bị Triệu Đà xâm chiếm… cho đến nhà Đường trải hơn 1000 năm, mặc dù có nhiều cuộc khởi nghĩa, có những vương triều được lập lên như triều Trưng, triều Tiền Lý,… nhưng vẫn gọi chung là thời Bắc thuộc. Đêm dài Bắc thuộc ấy được xóa bỏ bởi người anh hùng Ngô Quyền trên nền tảng gây dựng của các Tiết độ sứ họ Khúc, họ Dương.
Năm Ất Sửu (905) nhận thấy nhà Đường đã suy yếu, nội loạn nổi lên khắp nơi, một hào trưởng ở đất Hồng Châu (nay là vùng Cúc Bồ, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) là Khúc Thừa Dụ đã dấy quân tự lập, nhanh chóng đánh đuổi quan quân nhà Đường và xây dựng bộ máy chính quyền tự chủ, được 3 đời thì Dương Đình Nghệ kế tục.
Tháng 3 năm Đinh Dậu (937) Dương Đình Nghệ bị nha tướng và cũng là con nuôi của mình là thứ sử châu Phong (nay thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc) Kiều Công Tiễn giết chết để đoạt quyền. Con rể của Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền lập tức từ Ái châu (Thanh Hóa ngày nay) đem quân ra hỏi tội tên phản chủ hại nước, Kiều Công Tiễn hoảng sợ “sai sứ sang đút lót để cầu cứu với nhà Hán.
Vua Hán là Cung muốn nhân khi nước ta có loạn chiếm lấy nước, bèn cho con là Vạn Vương Hoằng Tháo làm Tĩnh Hải quân tiết độ sứ, đổi tước phong là Giao Vương, đem quân sang cứu Công Tiễn. Vua Hán tự làm tướng, đóng ở Hải Môn để làm thanh viện” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Quân Nam Hán chưa vào đến nước ta thì Kiều Công Tiễn đã bị giết, sau đó tại trận Bạch Đằng lịch sử diễn ra cuối tháng 12 năm Mậu Tuất (938), Ngô Quyền lập kế dụ đoàn chiến thuyền của giặc vào trận địa cọc ngầm, tiêu diệt toàn bộ quân giặc, chém chết chủ tướng Hoằng Tháo.
Bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục của triều Nguyễn viết: “Hoằng Tháo đem thuyền chiến kéo thẳng sang đánh Giao Châu. Khi ấy, Ngô Quyền đã giết được Công Tiễn, đem quân đón đánh.
Trước hết lấy các cọc gỗ đầu đẽo nhọn và bịt sắt trồng ngầm ở cửa biển, nhân lúc nước triều lên cho các thuyền nhẹ ra khiêu chiến, rồi giả cách thua chạy. Hoằng Tháo đuổi đánh, thình lình nước triều rút cạn, thuyền chiến mắc phải cọc bịt sắt, không trở về được, quân Nam Hán bị thua to, Hoằng Tháo bị chết đuối.
Đại thắng sông Bạch Đằng mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc, thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ca ngợi:
“Trận thắng lợi trên sông Bạch Đằng là cơ sở sau này cho việc phục lại quốc thống. Những chiến công các đời Đinh, Lê, Lý, Trần vẫn còn nhờ vào uy thanh lẫm liệt để lại ấy. Trận Bạch Đằng này là vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu, há phải chỉ lừng lẫy ở một thời bấy giờ mà thôi đâu?”. Sau thắng lợi đó, Ngô Quyền lên ngôi vua, lập ra nhà Ngô, triều đại đầu tiên của thời kỳ độc lập, tự chủ:
Bạch Đằng một trận giao phong,
Hoằng Thao lạc vía, Kiều Công nộp đầu.
Quân thân đã chính cương trù,
Giang sơn rầy có vương hầu chủ trương.
Về Loa thành mới đăng quang,
Quan danh cải định, triều cương đặt bày.
(Đại Nam quốc sử diễn ca – Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái)
Sách Đại Việt sử ký tiền biên bình rằng: “Tiền Ngô Vương biết dùng quân mới tập hợp được của nước Việt ta mà đánh tan hàng trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở đất xưng vương, khiến cho quân phương Bắc không dám trở lại, có thể nói một cơn giận mà yên được dân, giỏi mưu tài đánh. Tuy chưa xưng đế và đặt niên hiệu nhưng chính thống của nước ta hầu như được nối lại”.
“Tổ trung hưng thứ nhất”
Tiền Ngô Vương ở ngôi được 6 năm,từ năm Kỷ Hợi (939) đến tháng giêng năm Giáp Thìn (944) thì mất. Sách Đại Việt sử ký toàn thư tiếc nuối: “Vua mưu tài, đánh giỏi, làm nên công nghiệp, dựng lại cơ đồ, đứng đầu các vua…
Nhà Tiền Ngô khởi lên, không những có công đánh giặc thắng lợi, lại còn đặt ra trăm quan, dựng ra nghi lễ trong triều, định màu sắc các đồ mặc, ta cũng đã thấy sơ qua về quy mô đế vương; thế mà hưởng ngôi vua không được lâu dài, chưa thấy có kết quả gì về chính trị, thật là đáng tiếc!”.
Dã sử cho biết vua mất vào ngày 18 tháng giêng năm Giáp Thìn (944), thọ 47 tuổi. Thi hài được an táng tại quê nhà, hiện nay lăng mộ vua vẫn còn ở làng Đường Lâm, TX. Sơn Tây, TP Hà Nội.
Sách Việt sử tiêu án có dòng đánh giá ngắn gọn nhưng đầy đủ như sau: “Tiền Ngô Vương họ Ngô tên Quyền, người Đường Lâm, giết giặc trong nước để phục thù cho chúa, giết địch bên ngoài để cứu nạn cho nước, dựng quốc đô, nối chính thống, công nghiệp thật to lớn lắm”.
Sách sử và các tài liệu khảo cứu mãi về sau này khi nhắc đến Ngô Quyền thường ca ngợi ông là “Tổ trung hưng thứ nhất” (sau ông còn có Lê Lợi). Sở dĩ ông được suy tôn như vậy là bởi hoàn cảnh nước ta khi đó ở thế vô cùng khó khăn, nhưng Ngô Quyền với chiến thắng Bạch Đằng đã đặt dấu chấm hết của “đêm dài Bắc thuộc”. Người đầu tiên chính thức suy tôn danh hiệu “Tổ trung hưng” cho Ngô Quyền chính là nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu.
Trong cuốn sách “Việt Nam, quốc sử khảo”, Phan Bội Châu đã tôn gọi Ngô Quyền là Tổ trung hưng và mở đầu bài viết của mình khi nói tới tình cảnh nước ta rơi vào ách đô hộ của ngoại bang phương Bắc. Tiếp đó Phan Bội Châu viết tiếp:
“Trong khoảng thời gian đó, tuy có một vài vĩ nhân nổi lên xưng hùng, làm cho non sông mở mặt, nhưng vừa dấy lên liền bị ngã xuống và nước ta cũng theo đấy mà mất luôn.
Mây sầu gió thảm, Giao Chỉ đâu còn thấy anh hùng!
Biển tủi non hờn, Việt Thường vắng không nghe tên họ!
Bỗng có người biết xắn tay áo vùng dậy, mạnh mẽ chấn chỉnh cơ đồ, đứng lên giành lại quốc quyền, thì chính gọi là vị tổ trung hưng nước ta đó! Vị tổ ấy là Ngô vương Quyền.
Sử chép rằng: Vương mắt sáng như chớp, bước nhẹ như hùm, có trí dũng, sức nâng nổi cái vạc. Một trang anh hùng như thế, há nỡ để nước ta vào tay người khác hay sao? Giặc đã đến, Vương đem quân đón đánh.
Ở cửa bể, Vương đã ngấm ngầm chôn trước những cọc lớn (cọc buộc thuyền) đầu vót nhọn, bọc sắt. Nhân khi nước lên, Vương đem thuyền nhẹ ra khiêu chiến. Vương giả thua chạy. Giặc đuổi theo. Chốc lát nước thủy triều xuống, thuyền giặc bị cọc sắt ngăn lại, không lui được, bị thua to. Hoằng Tháo chết đuối. Cung thu quân trở về.
Than ôi! Lâu nay bọn giặc phương Bắc kia vẫn xem nước ta không ra gì. Chúng đã bức chết Hai Bà Trưng, dồn Mai Hắc Đế vào đường cùng, đánh bại Nam Lý, bắt hàng Hậu Lý, luôn luôn dòm ngó thèm muốn không lúc nào thôi. Nay nhờ có Vương ta một phen vùng lên đánh mà tan được, quân Bắc không dám bén mảng đến nước Nam nữa.
Quyền thống nước lại trở về của người nước ta như cũ. Vương đóng đô ở Loa Thành, đặt trăm quan, định nghi lễ triều đình, như vậy, lên trên nối tiếp được 18 đời Hùng Vương truyền lại, trở xuống thì dẫn đến cái mối dây tự chủ truyền đến ức vạn năm cho nước ta.
Các nhà viết sử cũ khen ngợi, cho rằng Đinh, Lê, Lý, Trần đều còn được nhờ các công nghiệp thừa của Vương để lại, cũng không phải là nói quá đâu…”./.