Lóe sáng rồi… vụt tắt
“Vút bay” là một trong hai dự án của chương trình “100 hạt giống doanh nhân Đà Nẵng” được đưa vào chương trình ươm tạo của Vườn ươm TP Đà Nẵng. Dự án “Vút bay” do 20 bạn trẻ đến từ một số trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) trên địa bàn Đà Nẵng đảm nhận, nhằm giúp học sinh phổ thông có định hướng trong lựa chọn nghề nghiệp.
Bắt đầu triển khai hoạt động từ năm 2015, “Vút bay” tổ chức được ba chương trình hướng nghiệp kết nối học sinh phổ thông và một số doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp… để tìm hiểu một số ngành nghề theo xu hướng trải nghiệm để hướng nghiệp.
Theo đánh giá của ông Lý Đình Quân, Giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Đà Nẵng), dự án “Vút bay” có nhiều sáng tạo, thiên về trí tuệ, khả năng mở rộng dễ, ít sử dụng nguồn lực tài sản hữu hình, tạo ra được giá trị để tìm nhà đầu tư, nên khởi nghiệp rất tốt. Bằng chính những hoạt động trải nghiệm, dự án “Vút bay” đã hướng cả học sinh và phụ huynh có cái nhìn đúng đắn trong việc chọn ngành, trường học.
Đáng buồn ở chỗ, dù đã kêu gọi được vốn đầu tư, đặt văn phòng ở ngay Vườn ươm doanh nghiệp TP Đà Nẵng (trụ sở nằm trong khuôn viên HĐND TP, số 12, đường Trần Phú) nhưng dự án “Vút bay” đã tạm dừng hoạt động gần hai năm nay.
Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng là đơn vị ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng và khu vực miền Trung, ra đời vào năm 2016. Vườn ươm thành lập với tên gọi Công ty TNHH Đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp Đà Nẵng (DNES), hoạt động theo mô hình công tư, kết hợp với sự góp vốn từ nguồn ngân sách nhà nước và từ các tập đoàn, doanh nghiệp, doanh nhân. Cho đến nay, Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng đã hỗ trợ cho sáu khóa ươm tạo với hơn 40 dự án khởi nghiệp.
Anh Huỳnh Quang Triết, Trưởng điều phối dự án “Vút bay” chia sẻ: “Định hướng nghề nghiệp từ thực tế tuy không phải mới trên thế giới, nhưng khá mới mẻ ở Đà Nẵng. Dù được nhiều phụ huynh và học sinh ủng hộ nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động do phải cân bằng giữa thị hiếu và năng lực học sinh”.
Ngoài ra, việc tìm được đối tác, kết nối với các trường học, doanh nghiệp cũng là một khó khăn với dự án “Vút bay”. Thực tế, dự án đã được Sở GD&ĐT cấp giấy phép để tổ chức chương trình tại các trường THPT trên địa bàn, nhưng việc thuyết phục được các doanh nghiệp, nhà máy… hợp tác, tiếp nhận học sinh đến thực tế, trải nghiệm các hoạt động sản xuất, kinh doanh không hề dễ dàng. Theo anh Triết, thu nhập từ dự án chưa đủ chi trả cho các thành viên của nhóm; rồi cũng có thành viên tìm được công việc ổn định nên dự án tạm dừng lại.
IKids cũng là một dự án liên quan đến giáo dục, được Vườn ươm Đà Nẵng ươm tạo. Với đối tượng hướng đến là học sinh Tiểu học trong tiếp cận kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học và nghệ thuật theo hướng tích hợp, gắn liền với thực tiễn. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn với ba lớp dạy thử nghiệm miễn phí, dự án hết kinh phí, đành khép lại.
Nghĩ lớn, nghĩ khác nhưng phải thiết thực
Đưa ra nhận xét chung, ông Lý Đình Quân cho biết, giáo dục là lĩnh vực rất nhiều tiềm năng cho các startup. Tuy nhiên, đặc trưng của giáo dục đòi hỏi các edtech startup phải có sự đầu tư dài hạn, ít nhất năm năm.
Thế nên, các startup không nên kỳ vọng tới sự tăng trưởng quá sớm dù có thể thời gian đầu, các sản phẩm của edtech startup có sức hút. Với vấn đề nhân sự, ngoài những kiến thức về kinh tế còn phải có am hiểu nhất định về giáo dục vì đây là một thị trường rất đặc biệt.
“Với giáo dục, các startup có rất nhiều cơ hội nếu phát triển các sản phẩm theo hướng trải nghiệm, tương tác thực tế ảo, học trực tuyến, trong đó xu hướng trực tuyến sẽ tăng mạnh... Trước mắt, việc học trực tuyến có thể có hạn một phần do thói quen, nhưng với yêu cầu người lao động phải tự đào tạo để đáp ứng những thay đổi của công nghệ, đây sẽ là xu hướng phát triển mạnh”, ông Quân nhận định.
Ông Quân đơn cử, như với dự án “Vút bay” vẫn có cơ hội bứt phá nếu có một đội ngũ nhân sự mạnh, vừa am hiểu giáo dục vừa có đầu óc kinh tế và cả các mối quan hệ để có thể kết nối nhà trường - doanh nghiệp, trong tổ chức trải nghiệm.
Mới đây, chia sẻ tại Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao về Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức vào cuối tháng 11/2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, những nhu cầu của người dân trong nhiều lĩnh vực thiết yếu như giáo dục, y tế, giao thông, thanh toán điện tử, nông nghiệp… đang đặt ra nhiều vấn đề, thách thức. Và những “bài toán” đó có trở thành cơ hội cho các startup hay không là tuỳ thuộc vào các bạn.
“Làm startup không thể đòi hỏi thuận lợi hay nghĩ thoáng qua. Làm startup phải gắn ngay với thế giới, toàn cầu hay phải trở thành công ty triệu đô, tỷ đô. Trước hết, các bạn hãy bắt đầu từ những nhu cầu thiết thực hàng ngày, từ những việc rất nhỏ liên quan đến giáo dục, đi lại, khám chữa bệnh của người dân, nông nghiệp…
Và khi có ý tưởng khác với những người khác đang làm, các bạn hãy bắt đầu. Nghĩ lớn, nghĩ khác nhưng đừng quên phải cụ thể, thiết thực. Cùng với đó, phải có sự kết nối, hình thành mạng lưới, hệ sinh thái khởi nghiệp”, ông Đam nói.