Vì sao tháng 5/2021 cán cân thương mại chuyển hướng nhập siêu?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sau 4 tháng duy trì xuất siêu, sang tháng 5, cán cân thương mại đã đột ngột chuyển hướng nhập siêu khoảng 2 tỷ USD, khiến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sau 5 tháng đầu năm 2021 quay trở lại nhập siêu.
Việt Nam đã nhập siêu nguyên phụ liệu để phục vụ hoạt động sản xuất của ngành da giày, dệt may. (Ảnh minh họa)
Việt Nam đã nhập siêu nguyên phụ liệu để phục vụ hoạt động sản xuất của ngành da giày, dệt may. (Ảnh minh họa)

Tháng 5 nhập siêu khoảng 2 tỷ USD

Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 đạt 262,25 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu (XK) đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7%; nhập khẩu đạt 131,31 tỷ USD, tăng 36,4%.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, những con số trên chứng tỏ hoạt động XNK đang có sự phục hồi mạnh mẽ khi sức mua của thế giới đang gia tăng trở lại.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại, sau 4 tháng duy trì xuất siêu, sang tháng 5, cán cân thương mại đã đột ngột chuyển hướng nhập siêu khoảng 2 tỷ USD, khiến cho tổng kim ngạch XNK hàng hóa sau 5 tháng đầu năm 2021 quay trở lại nhập siêu, dù ở mức khá nhẹ (khoảng 369 triệu USD). Đáng chú ý, theo số liệu, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu tới 12,74 tỷ USD, trong khi đó, khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 12,37 tỷ USD.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, khu vực trong nước tăng nhập khẩu (NK) hơn 30% khiến cho cán cân thương mại trở thành nhập siêu sau 5 tháng là chuyện bình thường. Bởi hiện nay, các mặt hàng NK nhiều chủ yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất với mục tiêu XK thành phẩm ra thế giới.

Cụ thể, Việt Nam đã nhập nhiều sản phẩm linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày… những ngành đang có đà phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ, do vậy, sự gia tăng NK là một điều tất yếu.

Số liệu XK các mặt hàng nói trên cũng đã có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ như kim ngạch XK hàng dệt và may mặc ước đạt 12,2 tỷ USD, tăng 15%; XK xơ, sợi dệt các loại tăng 60,1%. Kim ngạch XK giày, dép các loại ước đạt 8,46 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ. Điện thoại và linh kiện có giá trị XK lớn nhất đạt 21,9 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài lý do NK nguyên liệu sản xuất thì một lý do khác cũng khiến cho tình hình XK hàng hóa của Việt Nam gặp khó khăn trong 5 tháng qua như: Vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn; nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều; chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu NK tăng cao; các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm... khiến cho kim ngạch XK có phần bị chững lại.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác dẫn tới nhập siêu trong tháng 5 tăng cao kỷ lục, khiến cho cán cân thương mại 5 tháng đầu năm đột ngột quay đầu là một số nhóm hàng vốn có kim ngạch XK cao như máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác… giảm nhẹ so tháng trước do hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh lây lan tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.

Xuất khẩu sẽ thuận lợi trở lại

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, hoạt động XK sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả như CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam - châu Âu), UKVFTA (Hiệp định Tự do thương mại giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len)…

Điều này sẽ khiến hàng hóa của Việt Nam thuận lợi hơn khi thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy XK tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã dần được khắc phục tại các khu công nghiệp ở các vùng tâm dịch, hoạt động sản xuất đang có cơ hội quay trở lại nhịp độ bình thường.

Ngoài ra, giá các loại hàng hóa XK cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Đây sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị XK. Nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới cũng đang hồi phục trở lại, nhất là các thị trường XK lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu. Đây chính là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh XK các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng có thế mạnh.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương vẫn bày tỏ sự lo ngại khi cho rằng, hoạt động XNK trước mắt vẫn có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt dịch COVID-19 đang bùng phát ở TP Hồ Chí Minh và một số địa phương.

Các nước châu Á cũng vẫn bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch khi số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục gia tăng, buộc phải ra các lệnh phong tỏa. Điều này sẽ tác động mạnh đến nhu cầu hàng hóa trong thời gian tới.

Do đó, Bộ Công Thương khuyến cáo, các doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới.

Đọc thêm