Vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế Kỳ 2: Điểm đến đầu tư hấp dẫn, tin cậy

(PLVN) - Nhờ môi trường đầu tư luôn được cải thiện với nhiều ưu thế vượt trội, hấp dẫn, qua gần 40 năm đổi mới, đến nay Việt Nam đã trở thành điểm đến tin cậy của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới với những cái bắt tay hàng tỷ USD.
Trong hai năm gần đây, Samsung liên tục tăng thêm vốn đầu tư vào Việt Nam. (Trong ảnh: Nhà máy Samsung Electronics Vietnam tại Bắc Ninh - nguồn: Vietnam+)
Trong hai năm gần đây, Samsung liên tục tăng thêm vốn đầu tư vào Việt Nam. (Trong ảnh: Nhà máy Samsung Electronics Vietnam tại Bắc Ninh - nguồn: Vietnam+)

“Thành công của Việt Nam là một kỳ tích”

Hơn 17 năm trước, kể từ ngày 11/01/2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta.

Sau gần hai thập kỷ gia nhập tổ chức thương mại lớn nhất thế giới này, đến nay, Việt Nam đã trở thành 1 trong 20 nền kinh tế có thương mại quốc tế lớn hàng đầu thế giới; trở thành quốc gia duy nhất đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu. Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia một số FTA thế hệ mới, trong đó đáng chú ý là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) - EVFTA.

Theo Trung tâm WTO và hội nhập, tính đến tháng 5/2024, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán tổng cộng 19 FTA; trong đó có 16 FTA đã ký kết và thực thi, 3 FTA đang đàm phán. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho biết, 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam thu hút được 6,17 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); trong đó, có 644 dự án FDI mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đạt hơn 4,77 tỷ USD... Những con số ấn tượng trên đã khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài khi chọn Việt Nam là cứ điểm sản xuất an toàn, để rồi sau đó, nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới cam kết đầu tư lâu dài ở Việt Nam. Những cơ hội hợp tác đầu tư lên tới hàng tỷ USD lần lượt được mở ra.

Trong chuyến thăm tới Việt Nam hồi tháng 5/2023, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala đánh giá, “thành công của Việt Nam là một kỳ tích”, đồng thời truyền cảm hứng, kinh nghiệm cho nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại phục vụ phát triển đất nước.

Chiến lược “xây tổ” đón “đại bàng”

Qua gần 40 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế. Đến cuối tháng 12 này là dấu mốc 37 năm ngày Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội khóa VIII thông qua. Đây được coi là bước ngoặt mang tính lịch sử, thể chế hóa đường lối của Đảng với tầm nhìn xa, trông rộng, mở đường cho thu hút FDI vào Việt Nam theo phương châm đa dạng hoá, đa phương hoá các quan hệ kinh tế đối ngoại.

Tại Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), diễn ra tháng 10/2018, Chính phủ Việt Nam khẳng định, việc mở cửa thu hút vốn FDI là một chủ trương đúng đắn, góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn của FDI, Việt Nam vẫn chưa có nhiều tập đoàn đa quốc gia trong các lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn; chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên nguyên tắc gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát chưa hoàn thiện...

Đây chính là những trăn trở để sau đó Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 50- NQ/TW ngày 20/8/2019 về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030”. Nghị quyết được ví như thông điệp mạnh mẽ của Đảng ta gửi đến các nhà đầu tư nước ngoài về một kỷ nguyên hợp tác đầu tư mới đầy tiềm năng; đồng thời cũng đặt ra mục tiêu mang tính đột phá: Vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 100 - 150 tỉ USD (20 - 30 tỉ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 150 - 200 tỉ USD (30 - 40 tỉ USD/năm)...

Cùng với việc nỗ lực hoàn thiện thể chế, chính sách, Đảng, Quốc hội cũng giao Chính phủ xây dựng các văn bản liên quan đến việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện hạ tầng như đất đai, giao thông, điện nước, nhân lực..., để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài. Đây chính là những công việc chuẩn bị chu đáo cho chiến lược “xây tổ” đón “đại bàng”.

Nhờ những cam kết cụ thể và mạnh mẽ từ Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam, chưa bao giờ Việt Nam đón dòng vốn FDI một cách đầy hứng khởi đến thế. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, tính luỹ kế đến tháng 2/2024, Việt Nam thu hút được 39.553 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt 473,065 tỷ USD đến từ 145 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Những cái bắt tay tỷ USD

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt thương hiệu của các tập đoàn có uy tín trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam như Samsung, Toyota, Honda, Microsoft, Amkor, Apple... Cùng với đó, rất nhiều tỷ phú nổi tiếng trên thế giới tìm đến Việt Nam như Bill Gates, Lee Kun Hee, John Neuffer, Jensen Huang, Tim Cook... Tất nhiên, các tỷ phú đến Việt Nam không đơn thuần là “du lịch hay nghỉ mát”. Họ đến Việt Nam đồng nghĩa với việc mang đến cho chúng ta những cơ hội hợp tác làm ăn mới với số vốn đầu tư khổng lồ.

Điển hình là các tỷ phú đứng đầu Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) hầu như đều đã đến Việt Nam, để rồi sau đó những quyết định đầu tư lớn được đưa ra. Trong hai năm gần đây, Samsung đã liên tục tăng thêm vốn đầu tư vào Việt Nam. Đại diện Samsung Việt Nam cho biết, năm 2023 doanh nghiệp này đã giải ngân được 2 tỷ USD và tổng lũy kế đầu tư của Samsung tại Việt Nam đạt trên 22 tỷ USD.

18 năm trước, tỷ phú Bill Gates đã đến Việt Nam. Mặc dù chỉ kéo dài trong thời gian khá ngắn, nhưng sự có mặt của Chủ tịch Tập đoàn Microsoft như một sự khẳng định về môi trường đầu tư công nghệ thông tin hấp dẫn ở Việt Nam. Và không lâu sau chuyến thăm này, bằng việc mua lại nhà máy của Nokia ở Bắc Ninh, Microsoft đã vào Việt Nam và từng bước mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh.

Câu chuyện mở rộng hợp tác đầu tư với nước ngoài càng trở nên hấp dẫn hơn khi các tập đoàn ngành công nghệ lớn trên thế giới đến Việt Nam với tần suất dày đặc. Họ đã đầu tư những dự án từ hàng trăm triệu đến cả tỷ USD. Gần đây, Tập đoàn Amkor đã tổ chức lễ khánh thành Nhà máy Amkor Technology Việt Nam (tháng 10/2023). Đây là nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của Tập đoàn Amkor tại Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Tim Cook - Giám đốc điều hành của Apple - vào tháng 4 vừa qua, tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo Apple mong muốn thúc đẩy hoạt động hợp tác, đầu tư chất lượng cao tại Việt Nam và mở rộng chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam. Báo cáo của Apple từ 2019 đến nay cho biết, Tập đoàn này đã chi gần 16 tỷ USD thông qua chuỗi cung ứng, tăng gấp đôi mức chi hàng năm cho Việt Nam trong cùng kỳ.

Đáng chú ý, nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam hồi tháng 9/2023, sau các thỏa thuận hợp tác song phương Việt - Mỹ, nhiều thương vụ, sáng kiến hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt - Mỹ được ký kết với số vốn nhiều tỷ USD. Tháng 12/2023, tỷ phú John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) quay lại Việt Nam và cho biết ông nhìn thấy “cơ hội đáng kinh ngạc tại Việt Nam” để phát triển dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Sau đó, khi gặp Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Thủ đô Washington (Mỹ) vào tháng 4/2024, nhân dịp Phó Thủ tướng dự Chương trình Lãnh đạo cao cấp năm 2024, Chủ tịch SIA nhấn mạnh: “Nếu ở Mỹ có người hỏi ở đâu thành công nhất, chúng tôi sẽ nói đó là Việt Nam. Chúng tôi rất tin tưởng vào sự thành công của công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam và hy vọng sẽ có sự hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực này”.

Việt Nam không chỉ là “điển hình tiêu biểu cho cải cách và phát triển” mà còn là “đối tác quan trọng trong nền kinh tế thế giới”. Đây là những lời nhận xét rất chân thành của các nhà đầu tư nước ngoài dành cho Việt Nam. Đơn cử, trong khuôn khổ Hội nghị thường niên thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF Davos 2024), diễn ra đầu năm 2024 tại Thụy Sĩ, Giáo sư Klaus Schwab - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF đã chia sẻ với Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng: Việt Nam không chỉ là một “ngôi sao” ở khu vực Đông Á mà đã vươn lên tầm toàn cầu, là đối tác quan trọng trong nền kinh tế thế giới.

Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala. (Nguồn: AFP)

Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala. (Nguồn: AFP)

“Việt Nam là tấm gương sáng về tăng trưởng kinh tế dựa trên các thành quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, từ đó thúc đẩy thương mại và đầu tư, tham gia thành công vào tiến trình toàn cầu hóa và tái định hình chuỗi cung ứng khu vực và quốc tế” - Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala đánh giá.

Tim Cook - CEO Apple. (Ảnh: Giang Huy).

Tim Cook - CEO Apple. (Ảnh: Giang Huy).

“Tôi hết sức hài lòng và không thể nào vui mừng hơn về những thành tựu hợp tác mà chúng ta đã đạt được... Tôi kỳ vọng vào những việc mà chúng ta có thể cùng làm để đạt những thành tựu lớn hơn nữa trong tương lai”, Tim Cook - CEO Apple chia sẻ với Thủ tướng Phạm Minh Chính, tháng 4/2024 tại Hà Nội.

Đọc thêm