Vicem đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp để vững bước phát triển

(PLO) -Kể từ khi người Pháp đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nhà máy xi măng Hải Phòng cách đây ngót 120 năm (25/12/1899), đến nay, ngành xi măng Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp không nhỏ vào công cuộc xây dựng, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Lịch sử ngành xi măng gần 120 năm thăng trầm đã ghi dấu những trang sử hào hùng với bao thế hệ công nhân gắn bó, cống hiến sức trẻ, trí tuệ, góp phần sản xuất hàng triệu tấn xi măng xây dựng Tổ quốc. Trong dòng lịch sử ấy, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) đã có nhiều đóng góp quan trọng, từng bước vươn lên trở thành “người anh cả” của ngành xi măng Việt Nam với thị phần hiện chiếm hơn 35%. VICEM không ngừng lớn mạnh về công suất, chất lượng và thương hiệu, giữ vững vai trò là trụ cột của ngành, đảm nhận và hoàn thành nhiều trọng trách được Đảng, Chính phủ, Bộ Xây dựng giao.

Năm 1957, khi về thăm Nhà máy Xi măng Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Xi măng Hải Phòng trước đây là của thực dân, bây giờ là của các cô, các chú. Người công nhân trước đây là người làm thuê cho tư bản, bây giờ là người làm chủ đất nước, phải xứng đáng với vai trò của mình ...”. Từ đó đến nay, những người thợ xi măng VICEM luôn thấm nhuần lời dạy của Người, làm việc bằng lương tâm, trách nhiệm cao nhất với vai trò là những người làm chủ nhà máy, chủ doanh nghiệp.

Tính từ tháng 4-1980, thời điểm thành lập Liên hiệp các xí nghiệp xi măng (nay là VICEM), khi đó ở miền Bắc mới chỉ có Nhà máy Xi măng Hải Phòng, công suất 300 nghìn tấn/năm, miền Nam có Nhà máy Xi măng Hà Tiên, công suất hơn 400 nghìn tấn/năm đang hoạt động, đến nay, VICEM đang quản lý 10 đơn vị sản xuất xi măng với tổng công suất hơn 25 triệu tấn/năm, đồng thời tham gia 3 liên doanh xi măng khác là Nghi Sơn, Chinfon và Holcim. Những năm gần đây, thị trường xi măng có sự cạnh tranh quyết liệt, cung vượt cầu, nhưng VICEM vẫn đóng vai trò, vị trí quan trọng trong việc cân đối, điều tiết thị trường xi măng của cả nước, sản xuất hàng năm luôn có sự tăng trưởng tốt, đời sống của hơn 13 nghìn người lao động được duy trì ổn định, từng bước được cải thiện.

Năm 2018 là năm bản lề đối với VICEM, chuyển đổi từ phát triển chiều rộng sang phát triển chiều sâu, đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp song song với cổ phần hóa hiệu quả, là năm mà Thủ tướng Chính phủ giao cho VICEM 3 nhiệm vụ trọng tâm là: Đóng góp cho tăng trưởng của đất nước từ 7-10%; nâng cao năng suất lao động, bảo vệ môi trường; ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Kết thúc năm 2018, VICEM tự hào báo cáo với Thủ tướng rằng đã nỗ lực hết sức, thực hiện nghiêm túc trọng trách mà Thủ tướng và Bộ Xây dựng giao, đạt kết quả tốt: Sản xuất clinker ước đạt 20,455 triệu tấn trong khi công suất thiết kế là 18,9 triệu tấn, sản xuất xi măng đạt 24,744 triệu tấn, đạt 101% kế hoạch năm, tiêu thụ sản phẩm chính ước đạt 29,03 triệu tấn, doanh thu thuần đạt 35.201 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 2.799 tỷ đồng, đạt 105% kế hoạch năm. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt, lần đầu tiên trong lịch sử VICEM chạy lò vượt 10% công suất thiết kế mà nếu tính bằng suất đầu tư công nghệ G7 là tiết kiệm 150 triệu USD, tương đương 3.300 tỷ đồng...

Thành công trong việc tái cấu trúc doanh nghiệp thua lỗ là một kỳ tích mà VICEM đạt được trong năm vừa qua. Trước khi chuyển về VICEM, Xi măng Hạ Long (nhận lại từ Tổng Công ty Sông Đà) nợ đến 7.989 tỷ đồng và lỗ lũy kế đến 3.640 tỷ đồng, còn Xi măng Thông Thao (nhận lại từ Tổng công ty HUD) nợ 1.076 tỷ đồng, lỗ lũy kế 436 tỷ đồng, thế nhưng, tập thể VICEM đã nỗ lực vượt qua khó khăn chồng chất, tái cấu trúc mạnh mẽ doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đến nay 2 doanh nghiệp trên đã tự cân đối để trả nợ. Sức sống mới cùng sự hồi sinh mạnh mẽ của VICEM Hạ Long và Sông Thao minh chứng cho bản lĩnh, sức mạnh cùng hướng đi đúng đắn của VICEM.

 

VICEM đang đẩy mạnh tái cấu trúc toàn hệ thống, tập trung giải quyết nút thắt trong công nghệ, giảm tiêu hao năng lượng, giảm chi phí, cải tạo hệ thống máy nghiền, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Tổng giám đốc Bùi Hồng Minh cho biết, VICEM sẽ tiếp tục rà soát lại các nhà máy khó khăn để thực hiện đề án tái cấu trúc, cụ thể: những công ty không nằm trong chuỗi giá trị gia tăng sản xuất xi măng thì sẽ thoái toàn bộ vốn như bao bì, dịch vụ thương mại, có đơn vị buộc phải sáp nhập hoặc cấu trúc lại lực lượng lao động theo hướng hiệu quả hơn.

Cùng với đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, VICEM thực hiện nghiêm phương châm phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường và thực hiện cam kết xã hội, toàn thể cán bộ, công nhân viên VICEM nhận sức sâu sắc ý nghĩa của công tác bảo vệ môi trường, là điều kiện tiên quyết để sản xuất xanh - sạch; các nhà máy đảm bảo chất lượng khí thải, đẩy mạnh để hoàn thành lắp đặt quan trắc online, kết hợp trồng thảm cỏ và cây xanh trong nhà máy, khu đất trống...

Năm mới 2019, VICEM vững vàng bước vào giai đoạn phát triển mới với ý chí, quyết tâm và niềm tin tăng trưởng theo hướng tăng về chất, cụ thể tổng sản phẩm tiêu thụ tăng 6-8%, tiêu thụ xi măng tăng 10%, doanh thu tăng 12-14%.


Ngọn đuốc truyền thống của VICEM được chuyền từ tay những người công nhân Xi măng VICEM Bút Sơn, trao cho những công nhân Xi măng VICEM Hải Phòng nắm giữ để rồi sáng ngọn lửa thiêng liêng của ngành.

Đọc thêm