Victim Blaming - Thói quen đổ lỗi cho nạn nhân và những hệ quả khôn lường

(PLVN) - “Ở hiền thì gặp lành, kẻ thủ ác rồi sẽ phải đền tội” – tưởng chừng đây là lẽ đương nhiên. Nhưng trên thực tế, có không ít trường hợp nạn nhân lại là người chịu chỉ trích. Điều này đã gây những ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của họ.

Victim Blaming - Thói quen đổ lỗi cho nạn nhân và những hệ quả khôn lường

“Ở hiền thì gặp lành, kẻ thủ ác rồi sẽ phải đền tội” – tưởng chừng đây là lẽ đương nhiên. Nhưng trên thực tế, có không ít trường hợp nạn nhân lại là người chịu chỉ trích. Điều này đã gây những ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của họ.

Victim blaming (hay còn gọi là tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân) là một hiện tượng mà nạn nhân của hành vi phạm tội hay bi kịch phải chịu trách nhiệm cho những gì xảy ra với họ. Victim blaming cho phép người ta tin rằng những sự việc như vậy sẽ không đến với họ bởi vì họ có thể lường trước được. Victim blaming dễ dàng nhận thấy trong các vụ hiếp dâm hay tấn công tình dục, nạn nhân của các hành vi phạm tội đó thường bị chỉ trích rằng họ bị tấn công bởi bộ đồ mà mình đang mặc hay là cách ứng xử.

Tùy trường hợp mà nạn nhân có thể nhận được sự đồng cảm hoặc bị chỉ trích không thương tiếc. Trường hợp thứ hai xuất hiện khi xã hội đánh giá tình huống một cách phiến diện và cho rằng nạn nhân xứng đáng phải chịu những điều đã xảy ra, hoặc đơn giản là do họ tự tìm đến những rắc rối ấy. Từ đó, nhiều người sẽ buộc người bị hại phải đối mặt với búa rìu dư luận, gây khó khăn cho cuộc sống của họ.

Có thể thấy tư duy hay tâm lý Victim blaming đã dần đi vào tiềm thức của mỗi người, nó dần lấy đi sự công bằng cho chính họ, làm cho nạn nhân trở nên đau xót vì nỗi bất hạnh của mình lại do chính mình gây ra, và hơn hết không một ai đồng cảm và thấu hiểu được nổi bất hạnh đó. Điều đáng buồn là tâm lý tai hại này diễn ra một các phổ biến trong tư duy của đại đa số người Việt.

Phỏng vấn

Bạn Việt Hoàng (20 tuổi, Hà Nội) đã có những chia sẻ liên quan đến vấn đề này.

Đã từng có những suy nghĩ đổ lỗi cho nạn nhân, bạn Hồng Ngọc (23 tuổi, Hà Nội) đã chia sẻ quan điểm của bản thân về victim blaming

Từng là nạn nhân của victim blaming, bạn Trung Kiên (22 tuổi, Hà Nội) hiểu được cảm xúc của những người cùng hoàn cảnh với mình.

Rất nhiều vấn đề xoay quanh cuộc sống cho chúng ta thấy tư tưởng này thực sự khó bỏ nếu chỉ ngày một ngày hai. Lướt một vòng các trang MXH, không khó để bắt gặp các bài viết liên quan đến chủ đề này, đơn cử như vấn đề muôn thuở nhưng luôn là đề tài nóng: “Nếu không muốn bị cưỡng hiếp thì đừng ăn mặc hở hang”. Bên dưới phần bình luận có rất nhiều người đồng tình với quan điểm trên, nhưng sự thật cho thấy trong số các vụ án bạo lực đối với phụ nữ, người dưới 18 tuổi thì tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi là 2.054 vụ, với 2.123 bị cáo, chiếm 32,5%; Tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi: 1.323 vụ, với 1.422 bị cáo. Hay tại buổi triển lãm có tên "Bạn mặc gì vào hôm bị xâm hại?"đã được tổ chức ở quận Molenbeek tại Brussels, Bỉ. Không cần nhiều lời, những gì được trưng bày đã chứng minh: Phụ nữ luôn có khả năng trở thành nạn nhân bị xâm hại tình dục, bất kể trang phục họ đang mặc là gì đi nữa.

Như vậy, những bình luận như “Mặc vậy thì bị cưỡng hiếp là đúng” hoặc “Do ăn mặc hở hang nên mới bị xâm hại”,… là những biểu hiện rõ ràng của tâm lí đổ lỗi cho nạn nhân.

Phỏng vấn

Bạn Trung Kiên (22 tuổi, Hà Nội) đã có những tâm sự liên quan đến vấn đề này.

Không riêng Trung Kiên mà rất nhiều bạn trẻ cũng mong rằng vấn nạn này sẽ không còn tiếp diễn nữa.

Trên thực tế, Victim blaming còn được sử dụng như một câu từ người xưa truyền lại : “Không có lửa làm sao có khói” và rồi người ta mặc nhiên cho rằng người bị hại luôn là người sai, nếu họ không làm gì sai thì sẽ không có những điều xấu đến với họ, và họ tự tin mà nói rằng: “Nếu là tôi thì chẳng bao giờ có mấy chuyện đó xảy ra”.

Vào tháng 09/2019, ứng dụng Be đã gây tranh cãi khi đưa thông báo, cụ thể, hãng đặt xe này cho rằng nếu hành khách ngồi sau xe máy beBike ăn mặc "mát mẻ" hoặc ôm sát thì có thể làm tài xế "mất tập trung". Do vậy để không "ảnh hưởng đến sự an toàn của cả chuyến đi", be khuyến cáo những vị khách này nên sử dụng thêm áo khoác, váy phủ chân, hoặc cân nhắc đặt 1 chiếc beCar thay vì xe máy. Đây là một biểu hiện của tâm lý Victim blaming, lẽ nào sự an toàn của chuyến đi phụ thuộc vào việc khách hàng nữ mặc váy ôm sát hay không? hay việc tài xế mất tập trung, ảnh hưởng đến sự an toàn của khách hàng là do khách hàng mặc váy ngắn?. Chúng ta phải luôn nhớ rằng, hành vi phạm tội của một người được cấu thành dựa trên hành vi của người đó, từ ý thức chủ quan của người đó, yếu tố khách quan có thể được xem xét nhưng không phải là cái cớ để vịn vào, để thực hiện hành vi phạm tội của mình.

Hành động đổ lỗi cho nạn nhân như một thứ xiềng xích vô hình ngăn cản họ đối diện và lên án hành vi phạm tội. Nếu người bị hại biết rằng rất có thể bản thân sẽ phải chịu trách nhiệm cho chuyện mình sắp nói ra, họ sẽ cảm thấy thiếu an toàn và không còn muốn mở lòng về chuyện đã qua.

Thái độ này cũng ủng hộ lý luận của kẻ phạm tội rằng chuyện xảy ra là do nạn nhân. Từ đó ngầm cho phép những hành vi ngược đãi, hành hung hoặc tấn công tình dục xảy ra.

Nhưng trên thực tế, người bị hại không hề có lỗi và cũng không thể làm chủ được tình huống. Việc đổ mọi tội lỗi lên nạn nhân khiến họ phải chịu thêm cảm xúc tiêu cực không đáng có. Họ càng cảm thấy đau khổ, tủi nhục, hay tệ hơn là tự đổ lỗi cho bản thân mình. Điều này có thể làm ảnh hưởng tới quá trình phục hồi của nạn nhân sau sang chấn.

Đổ lỗi cho nạn nhân đồng nghĩa với từ chối lắng nghe người bị hại và bảo vệ kẻ thủ ác. Bằng việc đứng lên giúp đỡ các nạn nhân của bạo hành, ta có thể phá vỡ vòng xoáy đó.

Có nhiều cách để thực hiện điều này như lên tiếng bảo vệ khi nạn nhân bị chỉ trích hoặc tấn công bởi những kẻ đổ lỗi; giúp những người thực sự bị hại tìm cách vượt qua và xây dựng lại cuộc sống, hay đứng về phía nạn nhân trong phiên tòa nếu họ muốn đứng lên vì chính mình.

Đọc thêm