Việc học tập và làm theo Bác Hồ góp phần xây dựng Đảng bộ Hà Nội thực sự trong sạch, vững mạnh

(PLVN) -  Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh góp phần xây dựng Đảng bộ Hà Nội thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp của thành phố có đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ...
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Viết Thành/ Hà Nội mới
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Viết Thành/ Hà Nội mới

Sáng 15/10, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch số 39-KH/TU ngày 21-9-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thực hiện Kết luận số 01-KL/TƯ ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Trân trọng trích đăng phát biểu của Bí thư Thành ủy Hà Nội:

"… Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng chỉ đạo, tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 5 năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị của thành phố Hà Nội đã nghiêm túc triển khai Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 03 của Ban Bí thư, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và Kế hoạch số 18-KH/TU ngày 1-9-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 tiếp tục khẳng định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung rất quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần xây dựng Đảng bộ Hà Nội thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp của thành phố có đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ. Thông qua triển khai các nội dung của Chỉ thị số 05 và Kế hoạch số 18, thành phố hướng tới xây dựng hình ảnh người cán bộ, đảng viên gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, thường xuyên trau dồi, rèn luyện bản thân, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, nền nếp sinh hoạt, thái độ phục vụ nhân dân, giản dị, khiêm tốn, tận tụy, trung thực và liêm khiết…

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII đã xác định mục tiêu gương mẫu xây dựng Đảng bộ thành phố và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, định hướng xây dựng Thủ đô đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại” và tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế. Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu trên, Đảng bộ Hà Nội xác định tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Kết luận số 01-KL/TƯ của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo động lực, sức mạnh xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và xây dựng Thủ đô trong thời gian tới, cụ thể:

Một là, nghiêm túc, tự giác thực hiện một cách đồng bộ, có hiệu quả những yêu cầu, nhiệm vụ đã được chỉ ra tại Kết luận số 01-KL/TƯ của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 39 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ thành phố, triển khai thực hiện có hiệu quả 10 chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy và gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; tiếp tục chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII); Quy định của Ban Bí thư, của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; thực hiện “nói đi đôi với làm”, thống nhất tư tưởng và hành động, khắc phục tình trạng độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân và các biểu hiện suy thoái, tiêu cực.

Hai là, xây dựng Đảng bộ thành phố gương mẫu, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết tốt đơn thư khiếu nại, tố cáo; đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng sinh hoạt chi bộ. Thực hiện nghiêm túc kiểm điểm phê bình và tự phê bình, nâng cao chất lượng công tác đánh giá chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên hằng năm. Đánh giá thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực hiện chức trách nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, liêm chính, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ba là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách làm, tính chủ động, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả, thích ứng với mô hình tổ chức mới và phù hợp với tình hình thực tiễn của Thủ đô. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Kiên định, kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Gắn việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện các Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội; Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố và siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đổi mới lề lối, phong cách làm việc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức thành phố Hà Nội.

Bốn là, đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu “trên trước, dưới sau”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” của cán bộ, đảng viên; gắn trách nhiệm nêu gương trong việc học tập và làm theo Bác với các phong trào thi đua, cuộc vận động của các cấp, các ngành, nhằm khơi dậy trong toàn Đảng bộ, toàn xã hội tinh thần cống hiến, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Coi đây là phương thức lãnh đạo quan trọng trong công tác xây dựng Đảng.

Năm là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân với Đảng. Ðổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, phương pháp công tác giáo dục lý luận chính trị, giáo dục truyền thống, nhận định tình hình tư tưởng và dự báo, đấu tranh, phản bác có hiệu quả đối với các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị trên nhiều phương diện, nhất là trên không gian mạng. Cấp ủy thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt triển khai trong hệ thống giáo dục các cấp học của thành phố, bảo đảm phù hợp với từng cấp học, bậc học và yêu cầu giáo dục, đào tạo. Kiên trì giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật của người dân Hà Nội, nhất là thế hệ trẻ. Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tuyên truyền kết quả đạt được trong thực hiện ở các cấp, ngành, địa phương, kịp thời phát hiện, biểu dương khen thưởng, nhân rộng những nhân tố mới, tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu, gương “người tốt, việc tốt”, tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Sáu là, thấm nhuần tư tưởng của Bác về tinh thần chăm lo cho dân, mọi hoạt động đều vì lợi ích của nhân dân, cả hệ thống chính trị phải quan tâm hơn nữa trong công tác quán triệt tinh thần thư kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về chăm lo cho nhân dân, về thực hiện tốt các giải pháp nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, nhất là trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp; từng bước chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, thực hiện mục tiêu kép, chuyển sang trạng thái bình thường mới, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội; song không được nóng vội, chủ quan; nới lỏng từng bước có lộ trình phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh; thực hiện quan điểm xuyên suốt là bảo vệ tuyệt đối an toàn cho nhân dân, cho Thủ đô Hà Nội bằng mọi biện pháp; giữ vững thành quả Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố đã đạt được trong suốt thời gian qua; đồng thời bảo vệ an toàn các cơ quan trung ương trên địa bàn…

Đọc thêm