Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: Sẵn sàng đối mặt với thách thức trong hội nhập để phát triển

(PLVN) - Ngày 28/11, tại Hà Nội, Hội thảo khoa học với chủ đề “Những thành tựu lớn về nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 1953 – 2023” đã được tổ chức. Đây là sự kiện c hào mừng 70 năm ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (2/12/1953-2/12/2023) .
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: Sẵn sàng đối mặt với thách thức trong hội nhập để phát triển

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện) Phan Chí Hiếu cho biết, trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, Viện đã trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp Cách mạng của Đảng, cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và cho sự phát triển của nền khoa học xã hội (KHXH) nước nhà. “Trong mỗi giai đoạn của lịch sử vẻ vang 70 năm, dù có lúc phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhưng với tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm và cống hiến, các thế hệ cán bộ, viên chức của Viện đã đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học nổi bật, thể hiện qua các 21 công trình, cụm công trình khoa học của Viện được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và 28 công trình, cụm công trình được trao tặng giải thưởng Nhà nước…”- ông Phan Chí Hiếu cho biết.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Tuy nhiên, thời gian gần đây hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện còn gặp một số vướng mắc, hạn chế như: các chương trình nghiên cứu lớn, các công trình nghiên cứu có giá trị cao còn ít; đội ngũ nhà khoa học suy giảm cả về số lượng và chất lượng; một số lĩnh vực thiếu chuyên gia đầu ngành…Ông Phan Chí Hiếu mong muốn, Hội thảo là dịp đánh giá, tổng kết các thành tựu khoa học lớn của Viện trong 70 năm qua, khơi dậy khát vọng, niềm tự hào và đam mê nghiên cứu khoa học của các thế hệ cán bộ, nhất là thế hệ trẻ của Viện; trao đổi, thảo luận, tổng kết những bài học kinh nghiệm, nhận diện các vướng mắc, hạn chế trong nghiên cứu khoa học của Viện hiện nay, từ đó đề xuất định hướng, giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong thời gian tới.

Chia sẻ tại Hội thảo, GS.TS Hồ Sỹ Quý, Nguyên Viện trưởng Viện Thông tin KHXH Việt Nam khẳng định, với lịch sử 70 năm của Viện, giới KHXH Việt Nam đã có những đóng góp nhất định, góp phần làm nên những thắng lợi trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và bảo vệ chủ quyền đất nước, trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế thoát ra khỏi khủng hoảng, trong quá trình hội nhập quốc tế, phát triển văn hóa và xây dựng con người…

Tuy vẫn còn những hạn chế nhất định và mặc dù tiềm năng tư duy và vốn văn hóa của giới KHXH còn khá nhiều thế mạnh chưa được khai thác hết, nhưng trên thực tế, KHXH Việt Nam đã đủ trình độ để thực hiện trách nhiệm của mình, cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn, phát triển học thuật và nâng cao dân trí, thúc đẩy xã hội thực hiện các mục tiêu phát triển đã hoạch định đến năm 2030, 2045 và xa hơn. “Với sự phát triển thịnh vượng của đất nước, các quốc gia thành công đều là những quốc gia biết trọng dụng KHXH và có nền KHXH mạnh. Sự phát triển và thành bại của các quốc gia phụ thuộc rất lớn vào định hướng giá trị phát triển dựa trên trí tuệ KHXH”- GS.TS Hồ Sỹ Quý nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự Hội thảo
Các đại biểu tham dự Hội thảo

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Trung, Viện Nghiên cứu châu Mỹ, hiện nay, xu hướng hội nhập trong khoa học trên phạm vi quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức rất lớn. Những thách thức mới đang đặt ra nhiều vấn đề về đổi mới ở Viện Hàn lâm nói chung, ở các Viện trực thuộc Viện Hàn lâm nói riêng. Vấn đề đổi mới ở đây là phải thay đổi cách tiếp cận trong làm khoa học, phương pháp luận nghiên cứu. Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm cần phải hội nhập theo chuẩn quốc tế, xu hướng của thế giới và sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong hội nhập để phát triển./.

Đọc thêm