Viết đơn kháng cáo cho kẻ suýt hại đời con gái mình

Bố của bị hại mặc nhiên phải gánh thêm trọng trách làm cha để lo toan cho Nghĩa. Phiên tòa vừa kết thúc, ông vội vàng chạy tới gặp Luật sư để được tư vấn viết đơn kháng cáo giúp Nghĩa, hy vọng giảm nhẹ hình phạt...

TAND tỉnh Thái Nguyên hôm qua mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Hoàng Đại Nghĩa (SN 1993, ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) về tội “Hiếp dâm trẻ em” theo khoản 4 Điều 112 BLHS.

Hành vi bỉ ổi với em con chú

Theo cáo trạng, khoảng 17h30 ngày 1/8/2010, Nghĩa đang ngồi đan lồng chim tại hiên nhà thì thấy cháu Hoàng Thị Q.T. (SN 2005) và cháu Hoàng Thị Ngân (SN 1999) là con của chú ruột Nghĩa đến chơi. Được một lúc, cháu Ngân đi về trước còn cháu T. ở lại chơi với Nghĩa.

Bị cáo Hoàng Đại Nghĩa

Nghĩa nảy sinh ý định giao cấu với cháu T. Thấy trong nhà chỉ có chị gái đang ngồi nghe nhạc, để thực hiện được ý đồ của mình, Nghĩa đi vào trong bếp và gọi: “T. ơi vào đây anh bảo”. T. chạy vào bếp và bị Nghĩa tóm lấy, giở trò đồi bại. Do T. còn nhỏ, Nghĩa đã không thỏa mãn được thú tính của mình và phải dừng hành vi sau khoảng 2-3 phút.

Nhằm che giấu chuyện bỉ ổi của mình, Nghĩa dặn cháu T. không được nói cho ai biết và hứa làm cho cháu một thanh kiếm bằng tre. Do còn quá nhỏ, không biết việc làm của Nghĩa là gì nên cháu T. chỉ im lặng chạy ra sân chơi, còn Nghĩa lên nhà hút thuốc lào. Sau đó, Nghĩa ra sân làm kiếm rồi đưa cho cháu T. cầm về nhà.

Là anh em ruột thịt con chú con bác, hai nhà lại ở gần nhau, hàng ngày cháu T. vẫn thường xuyên sang nhà Nghĩa chơi và khi về nhà cháu T. cũng không có biểu hiện gì khác thường nên vợ chồng anh Ngoan (bố đẻ cháu T.) không nghi ngờ gì. Sự việc chỉ bị phát hiện khi buổi tối cùng ngày, cháu T. kể lại việc anh họ làm với cháu lúc chiều cho mẹ nghe.

Vốn sẵn có bản tính nóng nảy, vừa nghe dứt câu chuyện, anh Ngoan đi tìm đứa cháu mất dạy để trị tội. Lúc này, Nghĩa đang ở nhà nhưng nghe thấy tiếng chú mình oang oang ngoài ngõ. Biết sự việc bại lộ, Nghĩa nhanh chân lẻn sang nhà bạn ngủ nhờ và đến sáng hôm sau Nghĩa ra Công an xã đầu thú.

Ngày 5/8/2010, gia đình anh Ngoan đưa cháu T. đi giám định sức khỏe. Do phần kín của cháu vẫn bình thường và không bị tổn hại gì nên vợ chồng anh tự nguyện viết đơn xin bãi nại, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị can Nghĩa. Dù phạm tội chưa đạt và được cô chú xin cho nhưng Nghĩa vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi đồi bại của mình.
 
Phụ công chị bỏ học vì em

Lấy chồng rồi sinh được bốn người con, cuộc sống cả gia đình bà Ma Thị Dung (SN 1962, mẹ bị cáo Nghĩa) chỉ biết trông chờ vào mấy sào ruộng và đàn gà nuôi quanh vườn.

Năm 2002, chồng bà Dung chết sau một tai nạn giao thông. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn và thuộc diện hộ nghèo của xã nhưng một mình bà Dung vẫn tảo tần nuôi nấng các con ăn học khôn lớn, trong đó hai đứa lớn đều đã có gia đình riêng, người con gái thứ ba thì thi đỗ đại học nhưng phải nghỉ học ở nhà làm lụng để nhường “suất đi học” cho cậu út, chính là Nghĩa.

Dù bố mất khi mới 9 tuổi, nhưng suốt từ lớp 1 đến lớp 9, Nghĩa vẫn là đứa con ngoan ngoãn. Cậu thiếu niên này chỉ thay đổi tâm tính từ năm học lớp 10 khi lân la theo đám bạn xấu suốt ngày vào các quán điện tử, bi-a rồi bỏ học ở nhà khi học hết năm lớp 10. Thấy Nghĩa bỏ học, bà Dung và người chị gái thứ ba của Nghĩa nhiều lần an ủi động viên con, em mình quay lại học đường nhưng vô ích.

Khi nỗi đau ấy chưa nguôi ngoai thì lần này Nghĩa đã lún sâu vào tội lỗi, thậm chí giở trò loạn luân với em con chú của mình khiến mẹ và các anh chị của cậu ta phải muối mặt đưa con đi chịu tội trước pháp luật, chịu tai tiếng với dân làng hàng xóm, anh em họ hàng.

Phía bị hại xin giảm nhẹ tội cho bị cáo

Trước Tòa, Nghĩa khai rằng bị cáo chưa từng tiếp xúc với một thước phim đồi trụy hay quan hệ tình cảm với ai. Việc bị cáo trở thành kẻ đồi bại, nhơ nhuốc tiếng tai chỉ xuất phát từ một phút không kiềm chế được dục vọng của cậu trai mới lớn. Có lẽ vì quá ân hận với giây phút bột phát đó mà trong suốt quá trình xét hỏi công khai tại Tòa, Nghĩa cứ ôm mặt khóc, lí nhí trả lời và không dám quay lại nhìn đứa em đang ngồi ở hàng ghế phía sau.

Khi phải nhìn đứa cháu ruột của mình đang đứng bơ vơ trước vành móng ngựa, mặc dù còn rất giận Nghĩa nhưng anh Ngoan vẫn cố gắng xin Tòa giảm nhẹ tội cho thằng bé mồ côi. Gia đình anh cũng không yêu cầu Nghĩa phải bồi thường danh dự nhân phẩm.

Thương cho hoàn cảnh của bà Dung, thấy Nghĩa nhận biết được việc làm sai trái của mình, gần hai chục người là anh em họ hàng nội ngoại của bị cáo cũng như bị hại đã cùng ký vào lá đơn gửi đến Tòa, xin giảm nhẹ tội cho Nghĩa.

Dẫu vậy, trước pháp luật thì việc làm của Nghĩa là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội và không thể dung tha. Do đó, sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo như có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, bị cáo ra đầu thú…, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nghĩa mức án 4 năm tù.

Những người dự Tòa không nén nổi tiếng thở dài, tiếc cho cậu trai ở ngưỡng tuổi trưởng thành phải trả giá đắt cho phút giây nông nổi...

“Mất cha, còn chú”, giờ đây bố của bị hại cũng là chú của bị cáo nên anh Ngoan mặc nhiên phải gánh thêm trọng trách làm cha để lo toan cho Nghĩa. Phiên tòa vừa kết thúc, người chú này vội vàng chạy tới gặp Luật sư để được tư vấn viết đơn kháng cáo giúp Nghĩa mong được giảm nhẹ hình phạt...

Văn Minh

Đọc thêm