Viết lên hy vọng!

(PLVN) - “Viết lên hy vọng- cuốn nhật ký làm rung chuyển nền giáo dục Mỹ” là cuốn sách quý cần cho mọi người. Những trang nhật ký được viết bởi các học sinh “cá biệt” hồi hộp và xúc động.
 

Những trang đầu kể về những đứa trẻ mới 13, 14 tuổi phải sống trong khu ổ chuột đầy phức tạp và bạo lực ở Long Beach – Mỹ: nhà tù, súng đạn, bắn giết, bạo hành, băng đảng, ma túy… là những gì chúng phải chứng kiến, đụng chạm hằng ngày. Chúng là những học sinh “bỏ đi”, bất trị, hết thuốc chữa, những học sinh bị các trường khác đuổi, đa số là gốc Phi. 

Cô giáo trẻ Erin Gruwell, 23 tuổi, mới ra trường tiếp nhận lớp học toàn những học sinh này. Bọn trẻ nghĩ cô giáo này sẽ không trụ lại lớp được lâu: có đứa nói sẽ không quá 1 tháng, có đứa đoán là một tuần, thậm chí có đứa nói sẽ chỉ là một ngày. Chúng ra sức phá để chứng tỏ chúng đoán trúng. Thế nhưng cô đã ở lại với chúng  không những là 1 năm mà cả 4 năm trung học phổ thông, và trở thành một vị “anh hùng”, làm thay đổi cuộc đời của chúng.

Trước hết cô xâm nhập để hiểu về thế giới bọn trẻ, cô tìm kiếm những thứ liên quan và bắt đầu từ quan điểm, từ thế giới của chúng, cô liên tục đặt ra các câu hỏi về mọi thứ (Nhật ký 15). Những câu hỏi mang tính triết lý để khơi gợi cho những đứa trẻ suy nghĩ đến tận cùng các vấn đề, chẳng hạn những câu hỏi về cái chết “ngớ ngẩn” của Juliet trong chuyện tình Romeo và Juliet mà cô đã cho các em đọc.

Một số em đã đối chiếu các nhân vật và bản thân, tự phân tích và tự thấy cái chết của Juliet là ngớ ngẩn. Hay chuyện cô cho học sinh suy nghĩ về những hạt đậu, hạt đậu cuối cùng vẫn là hạt đậu về bản chất, cho dù màu sắc chúng có khác nhau. Tại sao con người không suy nghĩ như vậy, cho dù là màu da gì, hình thức bên ngoài có thế nào thì mọi người vẫn là người như nhau, tại sao không thể sống chung hòa bình với nhau mà cứ chém giết, hận thù, tù tội như thế!  

Cô giáo đã biến những học sinh “cá biệt”, lãnh cảm, ghét sự học thành những mọt sách. Không phải là những mọt sách có nhiều chữ, mà những người đọc để thay đổi, đọc để khoan dung, để thấu hiểu, suy tư và sống (Bài 4).

Từ việc thay đổi nhận thức, cố hướng học trò đến hành động, cô đã thực hiện những điều dường như không tưởng, như mời Zlata, tác giả của “Nhật ký Zlata”; mời bà Miep, người liên quan đến Anne Frank, tác giả của “Nhật ký Anne Frank”  nổi tiếng, đến và nói chuyện với các em trong lớp học sau khi các em đã đọc, đã tranh luận về các tác phẩm này; mời những nhân vật tài ba nhưng lớn lên cùng hoàn cảnh như học sinh của mình để truyền cảm hứng thay đổi; đưa các em đi Washington để gặp Bộ trưởng Bộ Giáo dục và tham quan các bảo tàng; đưa các em đến những giải thưởng cao quý… Đưa các em vào các đại học, biến các em thành những người trẻ có ước mơ, thành những “nhà văn tự do”, những người sẵn sàng phục vụ và truyền cảm hứng để thay đổi người khác… 

“Viết lên hi vọng” làm người đọc rưng rưng và cả hồi hộp vì như chứng kiến qua từng trang sách những thay đổi theo hướng tốt đẹp của những đứa trẻ thuộc tầng lớp đáy của một hoàn cảnh sống hỗn loạn và bạo lực, đã mong muốn được trở thành những ngọn lửa, những tia chớp và tiếng sấm, có thể thay đổi được thế giới. Biến những đứa trẻ mất tự tin thành những người truyền cảm hứng, truyền đi lòng vị tha, xóa bỏ hận thù, kỳ thị, những đứa trẻ nổi tiếng trên toàn nước Mỹ và có lẽ về sau là cả thế giới cùng với cuốn sách này.